Đại biểu Dương Hoàng Hương (Phú Thọ) chất vấn: Trong thời gian
qua, có sự chênh lệch lớn giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia còn một lượng vàng lớn được tích trữ
trong dân cư. Làm thế nào để huy động được nguồn vốn này phục vụ phát
triển kinh tế của đất nước? Ngân hàng Nhà nước có biện pháp gì để huy
động được nguồn vốn này phục vụ phát triển đất nước mà vẫn đảm bảo được
lợi ích của người dân và tránh được “vàng hóa” nền kinh tế?
 |
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cho biết, trước đây, mỗi
khi giá vàng trong nước có những biến động (lên hoặc xuống) so với giá
vàng thế giới gây ra rất nhiều biến động với nền kinh tế vĩ mô. Cụ thể,
mỗi khi giá vàng trong nước tăng cao so với thế giới thì tình trạng nhập
lậu vàng qua biên giới diễn ra mạnh, dẫn đến tình trạng “chảy máu”
ngoại tệ rất lớn. Vì vậy, mặc dù không phải là mặt hàng thiết yếu nhưng
vẫn phải cho nhập khẩu để ổn định nền kinh tế của đất nước, tránh tình
trạng đầu cơ, tích trữ vàng trong dân cư.
Trước khi Chính phủ ban hành Nghị định 24/2011/NĐ-CP, thị trường vàng
gần như bị bỏ ngỏ, thiếu sự quản lý của nhà nước. Kể từ thời điểm NĐ 24
có hiệu lực thi hành (tháng 5-2012) đến nay thị trường vàng trong nước
đã có những chuyển biến và mang lại những kết quả tích cực. Theo đó, nhà
nước độc quyền sản xuất vàng miếng, các doanh nghiệp chấm dứt sản xuất
vàng miếng. Cùng với việc xử phạt hành chính với mức phạt cao, tổ chức,
cá nhân nào vi phạm còn bị tịch thu toàn bộ hiện vật để sung công quỹ
nhà nước. Nhờ đó, hiện tượng nhập lậu vàng qua biên giới thời gian qua
đã được ngăn chặn tình trạng nhập; tỷ giá ngoại tệ giữ được ổn định. Dù
giá vàng trong nước và thế giới có sự chênh lệch lớn nhưng vẫn không ảnh
hưởng đến kinh tế vĩ mô- ông Bình khẳng định.
Ông Bình cho biết, chưa có cơ quan nào khảo sát và có số liệu chính xác
về lượng vàng trong khu vực dân cư. Tuy nhiên, theo ước tính của ngân
hàng, hiện nay có khoảng 250-300 tấn vàng đang nằm trong khu vực này. Để
khơi thông nguồn lực này phục vụ phát triển kinh tế của đất nước, tránh
lãng phí nguồn vốn, giảm dần sự tích trữ vàng trong dân cư, kể từ khi
NĐ 24 có hiệu lực đến tháng 10-2012, hệ thống các tổ chức tín dụng đã
mua lại của người dân hơn 60 tấn vàng. Theo đó, vàng đã được biến thành
tiền để phục vụ cho quốc kế dấn sinh. Ông Bình khẳng định, đây được coi
là “cứu cánh” cho nền kinh tế trong năm 2012, vì bối cảnh năm 2011,
nguồn vốn vô cùng cạn kiệt, gần như không có khả năng để phục vụ phát
triển kinh tế, xã hội.
Xử lý được khoảng 12.000 tỷ đồng nợ xấu
Đại biểu Nguyễn Văn Tuyết (Bà Rịa- Vũng Tàu) hỏi: Tiến độ xử lý
nợ xấu còn chậm, kết quả hạn chế. Tỷ lệ nợ xấu trong các lĩnh vực là
bao nhiêu? Nguyên nhân nào là nguyên nhân chính? Biện pháp khắc phục và
bao giờ thì giải quyết xong nợ xấu?
Ông Nguyễn Văn Bình cho biết, từ tháng 8-2011, NHNN đã thấy nguy cơ nợ
xấu của hệ thống ngân hàng trong thời gian tới sẽ tăng nhanh. Vì vậy,
NHNN đã nhanh chóng xây dựng đề tái cấu trúc lại hệ thống ngân hàng,
trong đó có nội dung quan trọng đó là đánh giá thực trạng nợ xấu trong
ngành ngân hàng và lần đầu tiên NHNN công bố tỷ lệ nợ xấu trong hệ thống
ngân hàng. Từ đó, đưa ra các giải pháp tổng thể, căn cơ để giải quyết
nợ xấu. Theo ông Bình, nợ xấu nếu không được giải quyết kịp thời sẽ gây
hệ lụy cho nền kinh tế đất nước không chỉ 1-2 năm mà còn có thể 5-10 năm
và thậm chí 15 năm như đã từng xảy ra đối với Nhật Bản...
Theo số liệu của của các tổ chức tín dụng, đến ngày 30-9-2012, nợ xấu là
4,93% nhưng theo đánh giá của NHNN thì nợ xấu chiếm khoảng 8,82%. Đánh
giá của NHNN, nợ xấu từ năm 2008 đến nay gia tăng nhanh chóng, chỉ tính
từ đầu năm đến nay, nợ xấu tăng khoảng 66%...
Để xử lý nợ xấu, theo ông Nguyễn Văn Bình cần chỉ ra các nguyên nhân dẫn
đến nợ xấu. Theo đó có 5 nhóm nguyên nhân dẫn đến nợ xấu; do các tổ
chức tín dụng cho vay vốn; do chính các doanh nghiệp đi vay vốn; do cơ
chế chính sách trong đó có cơ chế chính sách vĩ mô, cơ chế chính sách
phát triển ngành; do môi trường, điều kiện trong và ngoài nước; do công
tác thanh tra, giám sát (không chỉ riêng ngành ngân hàng mà cả trong
từng lĩnh vực khác).
Từ các nhóm nguyên nhân nêu trên, NHNN đưa ra các nhóm giải pháp phù hợp
để từng bước giải quyết nợ xấu. Trong đó nhấn mạnh về nhóm giải pháp
của ngân hàng. Thứ nhất, các ngân hàng thương mại có trách nhiệm trước
tiên và lớn nhất. Về NHNN có 2 trách nhiệm, đó là cơ chế, chính sách;
hoạt động thanh tra, giám sát.
Đối với các NHTM, do tăng trưởng tín dụng quá nóng (là một trong 5 “bong
bóng” tăng trưởng của nền kinh tế). Tăng trưởng tín dụng quá nóng dẫn
đến chất lượng tăng trưởng không đảm bảo, vì thế khi môi trường kinh
doanh xấu trở thành nợ xấu. Để xử lý, thời gian vừa qua, hệ thống ngân
hàng đã áp dụng nhiều biện pháp hết sức quyết liệt. Trong đó, các TCTD
phải tiến hành cơ cấu lại nợ, đánh giá lại thực trạng nợ của các doanh
nghiệp, từ đó cơ cấu lại nợ với thời hạn lãi suất phù hợp hơn. NHNN đã
ban hành văn bản 780 chỉ đạo vấn đề này. Kết quả sau 6 tháng thực hiện
rất đáng ghi nhận. Tính đến ngày 30-6-2012, tổng số nợ được cơ cấu lại
dưới mọi hình thức mới được hơn 36.000 tỷ đông, nhưng đến ngày
30-9-2012, tổng số nợ được cơ cấu lại trong toàn hệ thống ngân hàng đạt
khoảng 252.000 tỷ đồng. Trong khi dư nợ tín dụng trong hệ thống khoảng
2.700.000 tỷ đồng (chiếm khoảng 8% tổng dư nợ).
Bên cạnh đó, việc trích lập dự phòng rủi ro của các TCTD được kiểm soát
tốt. Từ đầu năm đến nay, trích lập dự phòng rủi ro mới của các tổ chức
tín dụng đã tăng lên 14.000 tỷ đồng, đưa tổng số dư trích lập dự phòng
rủi ro đến nay (cả chung và riêng) lên 75.000 tỷ đồng. Từ đầu năm đến
nay, các TCTD cũng đã xử lý được khoảng 12.000 tỷ đồng nợ xấu từ nguồn
trích lập dự phòng rủi ro.
Ông Bình khẳng định, cùng với các biện pháp khác đang được tích cực
triển khai, tin rằng nợ xấu không phải không thể giải quyết được mà phải
cần có thời gian để từng bước giải quyết...