
Những chiến sĩ pháo cao xạ kiên cường bám trận địa bảo vệ bầu trời Hà Nội.Ảnh: Tư liệu
"Anh ở đại đội nào, kíp mấy?", "Chị nhà
hôm nay có về không?", "Ông này ngày xưa bị chúng tôi trêu chọc
suốt"... Những câu chuyện không đầu không cuối cứ thế nối tiếp nhau
trong không gian ấm cúng tình đồng đội. Gần 400 cán bộ, chiến sĩ của
Trung đoàn 260 pháo cao xạ 57 ly gặp nhau tay bắt mặt mừng, trong số họ
có người từ Bắc Giang, Nam Định lên, người từ Vĩnh Phúc xuống, có người
sống ngay tại Thủ đô Hà Nội… Có những cựu chiến sĩ, cựu sĩ quan, có cả
những người vợ, người con cũng về gặp mặt đồng đội của chồng, cha mình.
Các chiến sĩ của Trung đoàn pháo cao xạ 260 năm xưa người ít tuổi nhất
ngoài 60, người nhiều tuổi nhất đã tầm 80, đều lên chức ông nội, ông
ngoại nhưng khi gặp lại nhau họ như trẻ lại trong hồi ức những năm tháng
chiến tranh. Họ ôm chầm lấy nhau, bắt tay nhau thật chặt. Ông Lê Văn
Nam từ Hà Nam lên cho biết: "Về đây gặp lại đồng đội, tất cả đều muốn
biết tin tức của đồng đội đã kề vai sát cánh năm xưa xem ai còn, ai mất
và hoàn cảnh sống hôm nay ra sao. Tuy không giúp được gì nhiều nhưng
biết được thông tin về đồng đội, tôi cũng yên lòng hơn".
Trung đoàn 260 được thành lập vào ngày 25-8-1960 với nhiệm vụ bảo vệ các
mục tiêu trọng yếu của Hà Nội. Trung đoàn nổ phát súng đầu tiên đánh
máy bay xâm phạm bầu trời Thủ đô vào ngày 11-8-1963 và là đơn vị phòng
không đầu tiên hai lần được đón Bác Hồ về thăm trong năm 1963. Đến năm
1966, đại đội 194 của trung đoàn là đơn vị đầu tiên bắn rơi máy bay
trinh sát của Mỹ trên bầu trời Hà Nội. Mùa đông năm 1972, Trung đoàn 260
nổ phát súng đầu tiên mở màn chiến dịch 12 ngày đêm Điện Biên Phủ trên
không lịch sử, trong đội hình chiến đấu của Sư đoàn 361 cùng lực lượng
pháo cao xạ tầm thấp của Thủ đô bắn rơi 1 máy bay F.111 của Mỹ tại khu
vực Lương Sơn, Hòa Bình vào đêm 22-12. Trong suốt thời gian Mỹ ném bom
phá hoại miền Bắc, Trung đoàn 260 đã bắn rơi 49 máy bay Mỹ...
CCB Đào Đình Hy, nguyên đại đội trưởng Đại đội 194, Trung đoàn 260 bồi
hồi nhớ lại: "Trong cuộc chiến đấu 12 ngày đêm cuối năm 1972 chống trả
B52 của Mỹ đánh vào Hà Nội, nhiệm vụ của Trung đoàn là bảo vệ phía tây
của sân bay Nội Bài. Vào đầu giờ chiều ngày 18-12, Sư đoàn 361 tổ chức
họp quân chính nhưng chưa kịp họp thì máy bay F111 của không quân Hoa Kỳ
thả quả bom đầu tiên vào sân bay nên ngay lập tức tất cả các đơn vị đều
được lệnh về vị trí chiến đấu". Là đơn vị pháo cao xạ bảo vệ sân bay
nên Đại đội 194 của Trung đoàn 260 nổ phát súng đầu tiên trong cuộc
chiến 12 ngày đêm lịch sử này. Phụ trách địa bàn quan trọng nhiều lần
bom B52 rơi vào trận địa nhưng rất may là CBCS của trung đoàn không có
ai bị thương. Ngược lại, tinh thần chiến đấu của anh em trong đơn vị lên
cao hơn bao giờ hết, ngay cả các chiến sĩ nuôi quân dù làm nhiệm vụ ở
nhà dân rất xa trận địa cũng không quản ngại hy sinh để ra mặt trận tiếp
đạn cho khẩu đội chiến đấu.
Sau cuộc chiến đấu 12 ngày đêm bảo vệ Thủ đô Hà Nội, cán bộ chiến sĩ
Trung đoàn 260 đã hành quân đến nhiều tỉnh, thành phố khác nhau để thực
hiện nhiệm vụ được giao. Giờ đây, khi trở về với cuộc sống đời thường,
các CCB của Trung đoàn 260 tập hợp nhau lại và tham gia nhiều hoạt động.
Bằng nguồn quỹ tự đóng góp, các CCB Trung đoàn 260 đã xây được nhà tình
nghĩa trị giá 80 triệu đồng cho đồng đội của mình là Lê Hồng Vân ở
Thanh Xuân, Hà Nội bị bệnh hiểm nghèo, có hoàn cảnh khó khăn; hỗ trợ
đồng đội là CCB Lê Văn Thắng ở Khâm Thiên chữa bệnh ung thư và lo mai
táng khi ông qua đời; giúp 4 đồng đội vay vốn làm ăn, mở doanh nghiệp…
Còn nhiều, nhiều hơn nữa những việc làm tình nghĩa mà những người lính
đã góp phần làm nên chiến thắng "Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không" năm
xưa đang dành cho nhau, góp phần tô thắm truyền thống Bộ đội Cụ Hồ. Giữ
được mối liên hệ đoàn kết gắn bó của những người từng chung một chiến
hào, bảo vệ vùng trời Hà Nội.