Bài giảng độc đáo của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân
Sáng ngày 17/11, Phó Thủ tưởng Nguyễn Thiện Nhân cùng
Phó chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội đã tham dự
lễ kỷ niệm 30 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam tại trường trung học Đoàn Thị
Điểm.
Mở đầu bài phát biểu, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân
bày tỏ: “Hàng năm cứ đến dịp 20/11, lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, của các
địa phương đều đến các trường học khắp mọi miền đất nước để khẳng định
rằng, đất nước Việt Nam 4.000 năm lịch sử hôm nay cần các thầy các cô,
để khẳng định rằng các HS của chúng ta vì tương lai của mình, của quê
hương, của đất nước mình cần đến các thầy cô giáo”.

Thông qua câu trả lời của một HS, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã có một bài giảng "độc đáo" dành cho thầy trò trường Đoàn Thị Điểm.
Xoay quanh câu chuyện học thời chiến tranh, Phó Thủ
tướng Nguyễn Thiện Nhân bắt đầu bài giảng của mình với câu hỏi: "Hôm nay
nhân ngày nhà giáo, tôi muốn hỏi chuyện một học sinh lớp 12 có được
không?".
Chỉ
tính riêng năm học vừa qua, Trường trung học Đoàn Thị Điểm (Từ Liêm, Hà
Nội), có 33 học sinh đoạt giải trong kỳ thi học sinh giỏi cấp thành
phố, trong đó có 7 giải Olympic tiếng Anh, 5 giải thi Tiếng Anh và Toán
qua Internet cấp thành phố, 24 giải các bộ môn văn hóa khác. Ngoài ra,
có 4 học sinh đạt giải trong cuộc thi Toán châu Á - Thái Bình Dương, đặc
biệt, học sinh Lê Tuấn Minh - lớp 7S1 đã đạt giải Bạch Kim. Kết quả thi
vào THPT, học sinh đỗ từ 50 điểm trở lên đạt 72,16% và học sinh đỗ vào
các trường THPT chuyên đạt 50%.
Ba
năm liền, trường THCS Đoàn Thị Điểm có thành tích thì vào THPT đứng đầu
huyện Từ Liêm, là một trong 12 trường có tỉ lệ học sinh đỗ vào THPT đạt
điểm cao nhất Hà Nội và là một trong 10 trường có tỉ lệ học sinh đỗ vào
THPT Chuyên ngữ cao nhất toàn miền Bắc. Năm nào trường cũng có học sinh
là thủ khoa kỳ thi THPT Chuyên ngữ hoặc THPT chuyên Amsterdam.
Với
những thành tích trường đã đạt được, nhân dịp này Bộ GD-ĐT quyết định
trao tặng bằng khen của Bộ trưởng cho thầy trò trường Đoàn Thị Điểm. |
Có
lẽ vì lần đầu được tiếp xúc với một vị Phó Thủ tướng nên các HS lớp 12
khá cân nhắc khi giơ tay. Để tránh sự trầm lắng, Phó thủ tướng Nguyễn
Thiện Nhân chuyển sang đối tượng là HS lớp 9. Khác với các anh chị, HS
lớp 9 hồ hởi xung phong lên “giao lưu”. Để trấn an các “học trò” của
mình, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nói: “Tôi sẽ hỏi một câu rất dễ
thôi”.
Sau vài giây làm quen với HS mạnh dạn lên giao lưu và
biết em tên là Phạm Mai Chi - HS lớp 9A2, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện
Nhân bắt đầu đặt câu hỏi: “Em học ở đây bao nhiêu năm rồi?”. “Dạ, cháu
học ở đây 4 năm rồi” - em Mai Chi trả lời.
Nhận được lời hồi đáp, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân
đi vào vấn đề chính: “Em học ở đây 4 năm rồi nên thầy chỉ hỏi em một câu
thôi, em thấy đất nước Việt Nam mình có 3 điều gì em thấy tự hào và
thích nhất?”.
Sau hồi trầm ngâm suy nghĩ, Mai Chi trả lời: “Dạ thưa
bác, cháu thích nhất là truyền thống yêu nước. Thứ 2 là đạo hiếu và
truyền thống uống nước nhớ nguồn của người Việt Nam”.
Đến điều thứ 3 thấy Mai Chi bối rối và rơi vào thế “bí”,
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân gợi ý để “gỡ rối”: “Những năm gần đây
em thấy có điều gì phát triển mà mình cảm thấy tự hào?”. Cũng để trấn an
“học trò” của mình, ông nói thêm: “Ở đây là hỏi bài chứ không không
phải là nhắc bài đâu”.
Với sự quan tâm của “thầy” Nguyễn Thiện Nhân, HS Mai Chi
cũng tìm được đáp án cho mình: “Thưa bác, điều thứ 3 đó chính là sự
phát triển của nền kinh tế đất nước”.
Mặc dù hỏi HS Mai Chi nhưng Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện
Nhân cũng không quên sự tương tác với các em ở phía dưới. Mỗi lần Mai
Chi trả lời, ông đều đặt câu hỏi cho các học trò phía dưới là có đúng
không và nếu đúng thì cho một tràng vỗ tay.
Sau khi mời cô “học trò” của mình về chỗ, Phó Thủ tướng
Nguyễn Thiện Nhân diễn giải: “Như vậy sau khi học gần 4 năm, Mai Chi đã
đưa ra kết luận người Việt Nam có truyền thống yêu nước, điều đó rất là
chính xác. Không có đoàn kết dân tộc, chia sẻ ngọt bùi, quyết tâm giữ
gìn đất nước 4.000 năm qua thì không có nước Việt Nam như ngày hôm nay.
Cách đây đúng 100 năm thì cứ 100 người Việt Nam thì có 95 người không
biết đọc. Còn ngày hôm nay, có 95 người Việt Nam thì có… 96 người biết
đọc, biết viết. Như vậy từ một dân tộc không biết chữ thành một dân tộc
xóa mù chữ và phổ cập được tiểu học, THCS”.
Phó Thủ tướng tiếp tục bài giảng của mình với điều thứ 2
Mai Chi nói là truyền thống uống nước nhớ nguồn. Ông phân tích: “Điều
này rất quan trọng bởi người Việt Nam chúng ta có truyền thống hiếu học.
Khi biết được mình thì sẽ hỏi lại là tại sao có mình. Với cha mẹ sinh
thành ra mình, nuôi nấng mình, có quê hương đùm bọc nên truyền thống
uống nước nhớ nguồn hết sức quan trọng. Ở trường uống nước nhớ nguồn là
nhớ ai? Đó chính là nhớ các thầy cô”.
Với vấn đề ý thứ 3 đó là nền kinh tế đất nước phát
triển, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân bắt đầu “làm khó” HS trường Đoàn
Thị Điểm. “Điều này là đúng nhưng xin cho thầy một ví dụ” - ông đề xuất.
Tưởng rằng HS sẽ cân nhắc trước khi trả lời nhưng Phó
Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân hoàn toàn bất ngờ khi Huệ Chi - HS lớp 6
tiến nhanh về sân khấu đưa ra đáp án: “Cháu thấy nền kinh tế Việt Nam
phát triển nhất đó chính là xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới”.
Câu trả lời của cô HS lớp 6 Huệ Chi đã khiến cho Phó Thủ tướng thật sự bất ngờ.
Để khẳng định đây là kiến thức “thật” của Huệ Chi, Phó
Thủ tướng bắt đầu dò xét: “Vì sao con biết điều này?”. “Dạ, con đọc
thông tin ở trên báo mạng”. Phó Thủ tướng đặt câu hỏi tiếp: “Con đọc hay
bố mẹ đọc hộ con?”. Chỉ khi nghe lời hồi đáp là “con đọc”, ông mới thở
phào và đề nghị HS toàn trường hoan nghênh, biểu dương Huệ Chi.
“Huệ Chi là một bất ngờ của ngày hôm nay, mới học lớp 6
mà biết Việt Nam là đất nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. Mọi năm
chúng ta đứng thứ nhì nhưng năm nay là nhất thế giới. Em biết là do tự
đọc báo mạng chứ không phải là bố mẹ đọc” - Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện
Nhân nói.
Sau lời biểu dương, ông tiếp tục: “Tôi rất vui khi gặp
gỡ các thầy cô, nghe các em HS nói chuyện. Như vậy, trường chúng ta đã
chú trọng được việc giáo dục truyền thống, giáo dục đạo đức và đặc biệt
hơn cả là các em mới học lớp 6 có thể tự vào mạng Internet để tìm kiếm
thêm kiến thức. Đây là điều rất tốt”.
Bài giảng của Phó Thủ tướng kết thúc với sự ủng hộ
nhiệt tình của cô và thầy trường trung học Đoàn Thị Điểm. Trước khi rời
ngôi trường này, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã gửi những lời chúc
tốt đẹp nhất đến đội ngũ thầy cô cùng như toàn HS nhà trường. Phó Thủ
tướng cũng tặng quà, trồng cây và chụp ảnh với thầy trò nhà trường.
Dưới đây là một số hình ảnh của buổi lễ kỷ niệm 30 năm ngày Nhà giáo Việt Nam tại trường Đoàn Thị Điểm:

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân có mặt khá sớm để chung vui với thầy trò trường Đoàn Thị Điểm nhân kỷ niệm 30 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam.

HS trường Đoàn Thị Điểm đón chào Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân.

Buổi
lễ bắt đầu với nghi lễ truyền thống đó là chào cờ và hát quốc ca. Phó
Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích
Ngọc cùng tham gia nghi lễ này.

Những tiết mục ca nhạc với đạo lý uống nước nhớ nguồn trong lễ kỷ niệm.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân "giảng bài" cho thầy và trò trường Đoàn Thị Điểm.

Nữ giáo viên trẻ thay mặt nhà trường tặng hoa chúc mừng Phó Thủ tướng.

Phó Thủ tướng tặng món quà nhỏ cho thầy trò trường Đoàn Thị Điểm.

Phó Thủ tướng cùng lãnh đạo UBND Thành phố Hà Nội trồng cây lưu niệm.

Phó Thủ tướng chụp ảnh lưu niệm với thầy cô trường Đoàn Thị Điểm.

Phút giây gần gũi của Phó Thủ tướng với "học trò" của mình trước lúc chia tay.
(Theo Dantri.com.vn)