 |
Chương trình sẽ diễn ra từ ngày 21-24/11/2012 tại Trung tâm Triển lãm
VHNT Việt Nam (02, Hoa Lư, Hà Nội) với nhiều hoạt động văn hóa phong
phú, có sự tham dự của 05 tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Hồng:
Hà Nội, Hải Phòng, Phú Thọ, Ninh Bình, Bắc Ninh.
Đây là hoạt động kỷ niệm ngày Di sản văn hóa Việt Nam 23/11, và hướng
tới Năm Du lịch quốc gia đồng bằng sông Hồng - Hải Phòng 2013, đồng thời
là hoạt động mở đầu tuyên truyền, quảng bá chuỗi hoạt động được tổ chức
xuyên suốt trong cả năm 2013 tại khu vực Đồng bằng sông Hồng nhằm giới
thiệu đến đồng bào cả nước, bạn bè quốc tế giá trị văn hóa vật thể và
phi vật thể đặc sắc của khu vực Đồng bằng sông Hồng, thu hút khách du
lịch quốc tế và thúc đẩy du lịch nội địa. Đồng thời khẳng định thế mạnh
và tiềm năng của du lịch Việt Nam, đặc biệt là văn hóa, di sản vốn được
xem là tài nguyên du lịch có giá trị để hình thành và phát triển các sản
phẩm du lịch đặc thù, góp phần thúc đẩy tăng trưởng nguồn khách du lịch
và quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam.
Theo Ban tổ chức, nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật phong phú sẽ được
tổ chức trong Ngày di sản văn hóa Việt Nam lần thứ VIII như: Triển lãm
“Văn minh sông Hồng từ Đông Sơn đến Đại Việt" giới thiệu một cách tổng
quan những nét đặc trưng của văn minh sông Hồng - nền văn minh bản địa,
có một sức sống mạnh mẽ, phát triển ổn định từ Đông Sơn tới Đại Việt,
Việt Nam. Nền văn minh này luôn được đổi mới, tiếp thêm sức mạnh, tạo
thành bản sắc văn hóa Việt Nam, làm giá đỡ và bệ phóng cho sự cất cánh
của dân tộc. “Văn minh sông Hồng, từ Đông Sơn đến Đại Việt” sẽ tập trung
làm nổi bật những giá trị văn hóa châu thổ sông Hồng.
Triển lãm tập trung giới thiệu các thành tựu văn hóa vật chất và tinh
thần, đặc biệt nhấn mạnh đến sự phát triển đột biến của ngành luyện kim
thông qua các hiện vật: Trống đồng, công cụ lao động, vũ khí, đồ trang
sức... cùng các tài liệu khoa học phụ: bản đồ các di tích văn hóa Đông
Sơn lưu vực sông Hồng, ảnh Đền Cổ Loa, bản vẽ hoa văn trống đồng thể
hiện đời sống vật chất, tinh thần của cư dân Đông Sơn như: ăn, mặc, ở,
đi lại, lễ hội...
Châu thổ sông Hồng – Trung tâm văn minh Đại Việt: sẽ giới thiệu những
thành tựu của quốc gia Đại Việt với kinh đô Thăng Long trong các triều
đại Lý – Trần – Lê sơ, giai đoạn phát triển đỉnh cao của nhà nước phong
kiến trung ương tập quyền ở Việt Nam trong đó tập trung giới thiệu thành
tựu trong công nghệ sản xuất gốm sứ và các tài liệu khoa học phụ: Bản
tích “Chiếu dời đô” của Lý Công Uẩn, bản đồ Thăng Long thời Lê sơ, bản
ảnh thềm rồng Điện Kính Thiên trong thành cổ Hà Nội, bản ảnh Đền Đồng
Cổ…
Cũng trong khuôn khổ hoạt động của Ngày Di sản văn hóa Việt Nam lần thứ
VIII còn có triển lãm “Tranh dân gian Việt Nam”, giới thiệu các dòng
tranh tiêu biểu, chọn lọc từ các dòng tranh hiện đang lưu giữ tại Bảo
tàng Mỹ thuật Việt Nam: Hàng Trống, Đông Hồ, Kim Hoàng và tranh thờ Vũ
Di (Vĩnh Phúc) mang nội dung gắn liền với tính giáo dục, tập quán và tín
ngưỡng dân gian của dân tộc.
Ngoài ra, còn có triển lãm về Những cánh diều sáo vùng Đồng bằng sông
Hồng sẽ trưng bày gần 50 bộ diều sáo của 13 nghệ nhân thuộc 10 câu lạc
bộ diều đến 7 tỉnh Đồng bằng sông Hồng, trong đó có con diều “Chú Tễu”
đạt kỷ lục guiness với chiều cao 8m của nghệ nhân Quan Hàng Cao. Triển
lãm cũng là cuộc giao lưu giữa các Câu lạc bộ diều vùng đồng bằng sông
hồng, các nghệ nhân từ các tỉnh thành sẽ mang đến đây những cánh diều
phong phú về màu sắc và kiểu dáng để cùng chung vui tại ngày hội này.
Điểm nhấn quan trọng đó là cuộc triển lãm “Huyền thoại cầu Long Biên” –
cây cầu đã trở thành địa danh huyền thoại, là chứng nhân lịch sử của Thủ
đô chứa đựng trong nó bao yếu tố lịch sử, văn hóa, kiến trúc đặc sắc.
Triển lãm sẽ trưng bày hình ảnh về cầu Long Biên xưa và nay; giới thiệu
quyển sách “Cây cầu và Thành phố” của Daniel Biau; “Cây cầu Long Biên và
Thủ đô Hà Nội”…Triển lãm cũng trưng bày và giới thiệu phương án “Bảo
tồn cầu Long Biên”; triển lãm “Cuộc hành trình âm nhạc của Truyền thuyết
Âu Lạc” nhân dịp Festival Long Biên 2013. Tại đây cũng giới thiệu 88
tác phẩm hội họa vẽ về cầu Long Biên của các họa sĩ trong nước và quốc
tế; Tổ chức chiếu phim về cầu Long Biên và giới thiệu “Bộ tranh khắc gỗ
về đời sống thị dân đồng bằng sông Hồng đầu thế kỷ 20” của Henri Oger.
Ngoài ra, trong Ngày di sản văn hóa Việt Nam lần thứ VIII, khán giả sẽ
cùng nghệ nhân và những người nông dân sẽ dựng căn nhà đặc thù miền quê
đồng bằng Bắc bộ với phên dậu tre, vách đất, mái rạ, chum nước, đống
rơm... cùng các nông cụ, lúa mạ và các sản phẩm làm từ lúa gạo. Khách
tham quan còn được hòa mình và trải nghiệm với không gian văn hóa lúa
nước như: cấy lúa, xay thóc, giã gạo, tát nước, làm bánh. Ban tổ chức
cũng dành diện tích để trưng bày và giới thiệu sản phẩm thủ công truyền
thống và thao tác tay nghề của các làng nghề, nghệ nhân vùng đồng bằng
sông Hồng như: thêu Quất Động, gốm Chu Đậu, đồng Đại Bái, gỗ La Xuyên...
Triển lãm cũng tổ chức trưng bày 100 bức thư pháp về những lời dạy của
các bậc tiền nhân của các nhà thư pháp đến từ câu lạc bộ thư pháp Hương
Nam, các nghệ nhân cũng tổ chức hoạt động cho chữ cho khách thăm quan.
Ban tổ chức cũng sẽ tổ chức hội thảo “Phát huy di sản văn hóa dân gian -
thực trạng và nhu cầu phát triển”; Lễ mừng thọ cựu chiến binh tham gia
“Trận Điện Phủ trên không năm 1972”; Chương trình "Tuổi trẻ với Di sản
văn hóa vùng Đồng bằng sông Hồng" và Ngày về nguồn 23/11.
Trong suốt thời gian hoạt động sẽ diễn ra các chương trình nghệ thuật
truyền thống vùng Đồng bằng sông Hồng với các loại hình nghệ thuật đặc
thù như: ca trù, quan họ, chầu văn, hát xoan, chèo, rối nước... của các
đoàn nghệ thuật thuộc các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Ninh Bình,
Phú Thọ, Bắc Ninh.
Ngày di sản văn hóa Việt Nam lần thứ VIII – Ngày về nguồn 23/11/2012,
chủ đề “Khám phá văn minh sông Hồng” hướng tới Năm Du lịch quốc gia Đồng
bằng sông Hồng – Hải Phòng 2013 sẽ diễn ra từ ngày 21-24/11/2012, mở
cửa hàng ngày từ 8h00 – 21h00, tại Trung tâm Triển lãm VHNT Việt Nam
(02, Hoa Lư, Hà Nội).