Bảo tồn di sản văn hóa Hà Nội
Ô Quan Chưởng - Hà Nội
Ảnh: Hồng Vĩnh
Người ta gọi Thăng Long – Hà Nội ngàn năm văn hiến vì nơi đây là kinh đô xưa, thủ đô nay của Việt Nam đã có lịch sử hàng ngàn năm với địa linh, nhân kiệt và đã tạo nên một kho tàng vô cùng quý giá về văn hoá có giá trị và ý nghĩa to lớn không chỉ đối với Việt Nam mà còn đối với khu vực và thế giới. Không ngẫu nhiên mà UNESCO công nhận Hoàng thành Thăng Long, Bia Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Lễ hội Gióng là Di sản văn hoá thế giới. Riêng di sản văn hoá vật thể Thăng Long – Hà Nội về số lượng đã có tới trên 5 ngàn di sản, trong đó khó điểm hết các di sản nổi tiếng và rất độc đáo nhiều người biết đến như Chùa Một Cột, Chùa Hương, Chùa Tây Phương, Hồ Hoàn Kiếm, Hồ Tây, Thành Cổ Loa, Làng cổ Đường Lâm…Nhưng có lẽ còn lớn hơn thế là giá trị di sản văn hoá phi vật thể, cái chủ yếu làm nên lối sống, lẽ sống, cốt cách người Thăng Long – Hà Nội bình dị mà tài hoa, quả cảm mà khoan dung, lịch thiệp nhưng không câu nệ, khuôn sáo, quảng giao mà sâu sắc nghĩa tình.
Sở hữu một gia tài quý giá như vậy, người Thăng Long – Hà Nội trải đời này qua đời khác, mặc cho sóng gió thời gian với thăng trầm lịch sử vẫn giữ cho mình giá trị văn hoá truyền thống ấy như nguồn lực vô địch để tồn tại và phát triển. Bởi thế việc bảo tồn và phát huy những giá trị văn hoá Thăng Long – Hà Nội là một nhu cầu tất yếu khách quan trong sự tồn tại và phát triển của đất nước nói chung, của Thủ đô nói riêng. Sự tác động của các yếu tố chính trị, kinh tế - xã hội cũng có lúc không thuận chiều do chiến tranh, do đời sống vật chất và cả do nhận thức chưa đầy đủ của người quản lý, nhưng dù trong hoàn cảnh nào nhân dân vẫn là lực lượng quyết định bảo vệ những giá trị văn hoá truyền thống Thăng Long – Hà Nội. Thời kỳ đổi mới như mở ra cánh cửa nhận thức đầy đủ hơn về giá trị di sản văn hoá, đồng thời cũng có điều kiện về vật chất và tinh thần để đẩy mạnh việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá Thăng Long – Hà Nội. Sự nghiệp bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá Thăng Long – Hà Nội trong những năm qua đã có hiệu quả rất to lớn, thiết thực. Tuy nhiên, cùng với các thành tựu đó, những vấn đề đặt ra còn cần sự nghiên cứu, thảo luận một cách nghiêm túc mới có câu trả lời đầy đủ và hữu ích.
Đối với di sản văn hóa vật thể, vấn đề đặt ra là làm thế nào để bảo tồn tốt nhất những giá trị văn hoá Thăng Long – Hà Nội khi một loạt các di sản này - chủ yếu có kết cấu gỗ và gạch - đã không còn bền vững sau hàng trăm năm, thậm chí hàng ngàn năm tồn tại? Có những di sản xuống cấp nghiêm trọng nếu không được tu bổ kịp thời có thể sẽ đổ vỡ thành phế tích! Vấn đề tài chính tuy còn hạn chế nhưng không còn là vấn đề khó nhất. Khó nhất lại là việc bảo tồn như thế nào để tránh rơi vào hoàn cảnh " càng bảo tồn, tu sửa càng hỏng di tích”! Vấn đề đặt ra là bảo tồn nguyên gốc hay bảo tồn yếu tố nguyên gốc đang có nhiều ý kiến rất khác nhau, thậm chí trái ngược nhau! Nếu không thảo luận kỹ sẽ tồn tại cách ứng xử không tích cực đó là " nhắm mắt làm liều”, hoặc ngược lại " nhắm mắt làm ngơ” mặc cho di tích có thể xuống cấp đổ vỡ thành phế tích!
Đối với di sản văn hoá phi vật thể, vấn đề đặt ra còn nan giải hơn. Riêng việc khảo sát, sưu tầm, thống kê, đánh giá đã khó khăn, việc lưu giữ và phát huy còn khó khăn hơn. Phần vì các di sản phi vật thể đã có thời kỳ bị quên lãng, các di sản đó thường gắn bó với các cộng đồng truyền thống, có những di sản tồn tại trong chính trí nhớ cộng đồng và tài năng của những con người cụ thể, nếu không được bảo tồn, lưu giữ kịp thời sẽ thất truyền, thậm chí có thể mất đi vĩnh viễn. Một loạt các hội làng được phục hồi có nội dung, hình thức na ná giống nhau, không còn bản sắc riêng vì đã thất truyền trong cộng đồng. Nhiều nghệ nhân mất đi không kịp lưu giữ giá trị nghệ thuật nổi tiếng lúc sinh thời! Nhiều kỹ nghệ như đúc đồng, in khắc tranh, làm giấy, dệt, kim hoàn… đang mai một khó bề hồi phục!
Rõ ràng, riêng việc bảo tồn đã đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết, còn việc phát huy di sản văn hoá như thế nào cũng không ít hơn những vấn đề đặt ra. Đó là đầu tư bảo tồn di sản văn hoá để làm gì? Nó có ý nghĩa gì trong cuộc sống hôm nay? Giới trẻ có thật sự tự hào và tiếp tục gìn giữ những giá trị truyền thống đó hay không? Nếu họ không yêu quý những giá trị đó thì ai sẽ bảo tồn và phát huy nó? Bài toán nan giải giữa việc bảo tồn các giá trị truyền thống và phát triển kinh tế đáp ứng những nhu cầu của đời sống hiện đại không phải lúc nào cũng có lời giải cụ thể! Thêm vào đó, việc giữ gìn giá trị truyền thống với việc tiếp thu những giá trị mới của thời đại không phải lúc nào cũng thuận chiều để có thể đồng hành! Những vấn đề đặt ra thực sự đang đòi hỏi những nhà khoa học, nhà quản lý, những người yêu Hà Nội ở trong và ngoài nước nghiên cứu, thảo luận tìm ra những giải pháp hữu hiệu nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá Thăng Long – Hà Nội.
(Theo daidoanket.vn)