Cái nhìn toàn diện về thơ Việt Nam sau năm 1945
Ngoài việc tổ chức biên soạn và dịch hơn chục cuốn sách về lý thuyết văn hóa học và văn học, PGS-TS Đỗ Lai Thúy còn có 8 cuốn sách viết riêng tập trung ở mảng phê bình văn học và nghiên cứu văn hóa. Trong đó, cuốn sách đầu tiên làm nên tên tuổi của ông là chuyên luận “Mắt thơ” (NXB Lao động, 1992), phê bình phong cách Thơ Mới (1932-1945) một cách thuyết phục, trở thành tài liệu tham khảo không thể thiếu cho những người muốn tìm hiểu phong trào Thơ Mới. 20 năm sau, PGS-TS Đỗ Lai Thúy lại tiếp tục trình ra kết quả nghiên cứu thơ ca với chuyên luận “Thơ như là mỹ học của cái khác”, tập trung nghiên cứu thơ Việt Nam sau năm 1945.
 |
Chuyên luận “Thơ như là mỹ học của cái khác”. |
Sau đỉnh cao phong trào Thơ Mới từ chối thơ niêm luật, cách tân thơ ca triệt để, thơ Việt Nam có những bước tiến gì mới và để lại thành tựu nghệ thuật nào đặc sắc? Tự đề ra câu hỏi đó, PGS-TS Đỗ Lai Thúy đã trả lời bằng tiểu luận hơn 100 trang, lý giải sự chuyển đổi của mô hình thẩm mỹ, cái nhìn thế giới của các nhà thơ và phong cách biểu đạt của đông đảo các hệ nhà thơ Việt Nam sau 1945. Qua đó, ông chứng minh thành tựu nghệ thuật thực sự của thơ ca Việt Nam hậu Thơ Mới với nhiều nét khác biệt.
Ở phần tiếp theo của cuốn sách có tiêu đề “Chân trần đến cái khác”, PGS-TS Đỗ Lai Thúy tập trung nghiên cứu sự nghiệp thơ ca của 7 nhà thơ tiêu biểu nhất sau năm 1945. Phần cuối cuốn sách “Những nẻo đường của cái khác” giới thiệu tiểu sử và trích các bài thơ hay của các nhà thơ nổi bật từ sau năm 1945 đến những nhà thơ đương đại vẫn đang sáng tạo không ngừng.
Với độ dày gần 500 trang đầy công phu, chuyên luận “Thơ như là mỹ học của cái khác” không chỉ khẳng định vị trí nhà phê bình thơ hàng đầu của PGS-TS Đỗ Lai Thúy; quan trọng hơn, chuyên luận còn là công trình đầu tiên có tính hệ thống, giàu chất học thuật, khảo sát kỹ lưỡng thơ ca Việt Nam sau 1945.
(Theo qdnd.vn)