Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Tin tức    Tin tổng hợp
Thứ ba, 04/12/2012 07:35
Khai mạc kỳ họp thứ 6 HĐND Thành phố Hà Nội khóa XIV
Sáng nay, 3/12, kỳ họp thứ 6 HĐND Thành phố Hà Nội khoá XIV đã chính thức khai mạc. Tới dự kỳ họp có Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị.
Kỳ họp thứ 6 HĐND Thành phố Hà Nội sẽ kéo dài trong 5 ngày, kết thúc vào ngày 7/12 và sẽ xem xét, quyết định rất nhiều nội dung quan trọng theo thẩm quyền.

Phát biểu khai mạc kỳ họp, Chủ tịch HĐND Thành phố Ngô Thị Doãn Thanh cho biết, với tinh thần quyết liệt của HĐND, UBND và các cấp, các ngành, Thủ đô đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ trong năm nay: kinh tế vẫn duy trì tăng trưởng; chỉ số giá tiêu dùng hạ nhiệt; cụ thể hóa nhiều quy hoạch ngành, phân khu; ùn tắc và tai nạn giao thông giảm dần; hạ tầng nông nghiệp, nông thôn được quan tâm; an ninh chính trị được giữ vững; nhiều vấn đề bức xúc được quan tâm giải quyết... Tuy nhiên, kinh tế, xã hội của Thủ đô cũng đang bộc lộ nhiều yếu kém: tăng trưởng không đạt mức đề ra, thu ngân sách giảm, sản xuất kinh doanh gặp khó khăn, nhiều doanh nghiệp thu hẹp sản xuất và có nguy cơ phá sản; thị trường bất động sản chưa có dấu hiệu phục hồi; việc làm, đời sống của một bộ phận nhân dân còn khó khăn.... Chủ tịch HĐND Thành phố cho rằng, những vấn đề này cần được các đại biểu HĐND Thành phố phân tích thấu đáo các nguyên nhân, tìm ra giải pháp tích cực trong chỉ đạo, điều hành.

Cũng theo Chủ tịch HĐND Thành phố, kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIII đã quyết nghị nhiều vấn đề quan trọng: thực hiện lấy phiếu tín nhiệm với các chức danh được Quốc hội, HĐND bầu; lấy ý kiến nhân dân về sửa đổi Hiến pháp và đặc biệt là đã thông qua Luật Thủ đô. Đây là những vấn đề mà Thành phố phải triển khai trong năm 2013 và những năm tiếp theo.


Để tiếp tục triển khai các nhiệm vụ phát triển Thủ đô, Chủ tịch HĐND Thành phố cho biết, tại kỳ họp này, HĐND Thành phố xem xét, quyết định về nhiệm vụ kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng của thành phố Hà Nội năm 2012, phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2013; Phê chuẩn tổng quyết toán ngân sách nhà nước năm 2011 của thành phố Hà Nội; Dự toán ngân sách và phân bổ dự toán ngân sách nhà nước năm 2013 của thành phố Hà Nội và kế hoạch đầu tư xây dựng cơ bản từ ngân sách 3 năm 2013 - 2015; Chương trình xây dựng Nghị quyết của HĐND thành phố Hà Nội năm 2013; Chương trình giám sát của HĐND Thành phố năm 2013; Tổng biên chế hành chính, sự nghiệp của thành phố Hà Nội năm 2013; Giá các loại đất năm 2013 trên địa bàn thành phố Hà Nội.


Cũng tại Kỳ họp này, HĐND Thành phố sẽ xem xét, quyết định 4 nội dung chuyên đề gồm: Quy hoạch phát triển công nghệ thông tin của thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; Quy hoạch nghĩa trang, nhà hỏa táng, nhà tang lễ thành phố Hà Nội đến năm 2030, định hướng đến năm 2050; Quy hoạch xử lý chất thải rắn thành phố Hà Nội Nội đến năm 2030, định hướng đến năm 2050; Một số loại phí, lệ phí thuộc thẩm quyền của HĐND Thành phố.


Theo chương trình, trong phiên làm việc buổi sáng, các đại biểu nghe Báo cáo tóm tắt của UBND Thành phố về tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng năm 2012 và phương hướng, nhiệm vụ kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng năm 2013 của thành phố; Thường trực HĐND Thành phố báo cáo hoạt động của HĐND thành phố Hà Nội năm 2012, phương hướng, nhiệm vụ năm 2013; Thường trực Ủy ban MTTQ Thành phố thông báo công tác tham gia xây dựng chính quyền năm 2012, nhiệm vụ năm 2013; Chánh án TAND Thành phố báo cáo công tác xét xử năm 2012, nhiệm vụ năm 2013; Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân thành phố báo cáo công tác kiểm sát năm 2012, nhiệm vụ năm 2013.


Nhiều chỉ tiêu tăng trưởng không đạt kế hoạch


Theo báo cáo về tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2012 được Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Văn Sửu trình bày, năm nay, Hà Nội không đạt nhiều chỉ tiêu, kế hoạch đề ra, trong đó có chỉ tiêu tăng trưởng, thu ngân sách, tạo việc làm... Tuy nhiên, chỉ tiêu giảm nghèo của Thành phố và các chỉ tiêu về an sinh xã hội đều đạt kế hoạch.


Về phát triển kinh tế, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) quý IV ước tăng 8,6% và cả năm 2012 đạt 8,1% - thấp hơn chỉ tiêu kế hoạch và mức tăng cùng kỳ của các năm trước nhưng xu hướng tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước và cao gấp 1,55 lần so với mức tăng của cả nước.


Đạt được mức tăng như vậy chủ yếu do ngành dịch vụ tăng cao hơn mức trung bình và xu thế tăng dần qua các quý. Nông nghiệp sang quý III và IV đã dần phục hồi, trong khi công nghiệp – xây dựng giảm dần tốc độ tăng trưởng. Tăng trưởng dịch vụ cả năm đạt 9,3%, công nghiệp - xây dựng 7,7%, nông - lâm - thuỷ sản 0,4%.


Về các chỉ số khác, năm nay, tổng lượng khách lưu trú tại Hà Nội ước đạt 7,7 triệu lượt, tăng 6,5% so với năm 2011; trong đó, khách quốc tế 1,6 triệu lượt, tăng 27,4%; khách nội địa 6,1 triệu lượt, tăng 2,2%.


Tổng kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn cả năm 2012 ước đạt 10.304 triệu USD, tăng 5,3% - không đạt kế hoạch; trong đó, xuất khẩu địa phương tăng 6,8%. Xuất khẩu khu vực đầu tư nước ngoài vẫn duy trì tăng khá, đạt 9% - cao nhất trong các khu vực kinh tế, khu vực ngoài Nhà nước tăng 3,6%, khu vực Nhà nước tăng 2,6%. Nhập khẩu tính cả năm ở khu vực có vốn đầu tư nước ngoài vẫn tăng 0,7%, trong khi khu vực ngoài Nhà nước giảm 7%; khu vực Nhà nước giảm 9,3%.


Tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn ước đạt 222.500 tỷ đồng, tăng 13,2% - không đạt kế hoạch và thấp hơn năm trước 2011.


Công tác bình ổn giá cả, thị trường hàng hóa được thực hiện tốt. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm 2012 dự báo sẽ được kiểm soát ở mức 1 con số. CPI sau khi giảm liên tiếp 2 tháng 6 và 7, sang tháng 8 và 9 đã tăng cao trở lại chủ yếu do chi phí giáo dục, y tế tăng. Sang tháng 10, CPI chỉ tăng 0,37% so với tháng 9 và so với tháng 12/2011 tăng 5,79%.


Về các chính sách an sinh, xã hội, Thành phố đã quan tâm, chăm lo cho các đối tượng chính sách, người có công, người cao tuổi, hộ nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội; thăm và tặng quà trong các dịp lễ, Tết; giải quyết chế độ ưu đãi đối với người có công, quân nhân, viên chức công an, quốc phòng. Đã vận động quỹ Đền ơn đáp nghĩa được 46,95 tỷ đồng (đạt 260% KH); tặng 9.850 sổ tiết kiệm cho người có công (đạt 265% kế hoạch). Ước cả năm 2012, Thành phố hỗ trợ 23 nghìn hộ thoát nghèo, đạt kế hoạch đề ra.


Công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm được quan tâm. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của suy giảm kinh tế, tỷ lệ thất nghiệp bình quân tăng cao (4,8%, trong khi năm 2011 là 4,5%); số lao động được giải quyết việc làm ước cả năm đạt 135.800 lượt, bằng 97% kế hoạch.


Năm 2013, dự báo kinh tế thế giới tiếp tục khó khăn, diễn biến phức tạp và tiềm ẩn nhiều rủi ro hơn. Thành phố đặt chỉ tiêu tăng tổng sản phẩm trên địa bàn từ 8,0-8,5%; trong đó, dịch vụ 9,0-9,3%, công nghiệp - xây dựng 7,7-8,2%, nông nghiệp 1,8-2,2%; tốc độ tăng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn tăng 15,0-16,5%; tốc độ tăng giá trị xuất khẩu hàng hóa: 9,0-10,0%...


92,5% số vụ án được xét xử, tỷ lệ án bị sửa giảm


Theo Báo cáo kết của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội, năm 2012, toàn ngành đã thụ lý 23.521 vụ án các loại, đã giải quyết 21.749 vụ, đạt tỷ lệ 92,5%. Số vụ án còn lại là 1.772 vụ. So với năm 2011, số vụ án thụ lý tăng 2.417 vụ, tăng 11,45%.


Các loại án tăng chủ yếu là án hành chính tăng 208,6%, án lao động tăng 67,5%, án kinh doanh thương mại tăng 29,2%, án dân sự tăng 14,5%, án hình sự tăng 12,1%... Tuy nhiên, một số loại tội phạm nổi lên của những năm trước, năm nay đã giảm như: Tội giết người thụ lý 103 vụ - 219 bị cáo (giảm 35 vụ - 168 bị cáo); tội cố ý gây thương tích thụ lý 307 vụ - 577 bị cáo (giảm 152 vụ - 113 bị cáo); tội vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ thụ lý 236 vụ - 247 bị cáo (giảm 113 vụ - 112 bị cáo).


Năm 2013, ngành Tòa án Hà Nội tiếp tục đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử các loại án theo chỉ tiêu của ngành; phối hợp với các cơ quan tư pháp, các cơ quan bổ trợ tư pháp và các cơ quan hữu quan cùng cấp, tổ chức xét xử các loại vụ án bảo đảm việc tranh tụng theo tinh thần cải cách tư pháp, không bỏ lọt tội phạm, không xử oan đối với người không có tội; nâng cao chất lượng lập hồ sơ các vụ án dân sự, hôn nhân gia đình, lao động, kinh doanh thương mại và án kiện hành chính; đảm bảo ra quyết định thi hành án phạt tù đối với tất cả người bị kết án…

(Theo Hanoimoi.com.vn)


Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)