Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Tin tức    Tin tổng hợp
Thứ ba, 04/12/2012 08:04
Hồ Quý Ly và kế sách đối phó thù trong giặc ngoài
Qua các chính sách lớn được ban hành và thực thi sau khi Nghệ Tông mất cho đến năm 1400 cho thấy rõ Hồ Quý Ly không thể dừng bước. Đó là loại trừ vương hầu quý tộc hèn kém, bất lực, củng cố xây dựng một nhà nước quân chủ mạnh và tích cực chuẩn bị đối phó với nguy cơ xâm lược đang tới gần.
Đơn thương độc mã

Thượng hoàng Nghệ Tông qua đời đầu năm 1395, vương triều Trần đứng đầu là Thuận Tông (1378 - 1398) - con út của Nghệ Tông lên ngôi lúc mới 11 tuổi. Thuận Tông lấy con gái của Hồ Quý Ly là Thánh Ngân làm vợ và năm 1389 bà được phong làm hoàng hậu. Từ năm 1395, sau khi Thượng hoàng qua đời, Hồ Quý Ly vẫn thờ Thuận Tông theo lời trăng trối của Nghệ Tông: "Bình Chương là họ thân thích của nhà vua, mọi việc nước đều giao cho khanh cả. Nay thế nước suy yếu, trẫm thì già nua. Sau khi trẫm chết, quan gia (chỉ Thuận Tông) nếu giúp được gì thì giúp, nếu hèn kém ngu muội thì khanh cứ tự nhận lấy ngôi vua".

Đây là thời gian Hồ Quý Ly đơn thương độc mã chèo lái con thuyền Đại Việt đang ngày một nguy khốn. Trước mắt ông là tầng lớp vương hầu quý tộc nhà Trần hèn kém, bất tài, kể cả nhà vua, vì quyền lợi riêng của dòng họ đã đứng về phía đối lập với Hồ Quý Ly. Mâu thuẫn này đã đạt đến đỉnh cao khi Thuận Tông lên ngôi.


Rơi vào thế sống còn, Hồ Quý Ly phải tìm con đường thoát bằng cách dùng quyền lực để trấn áp. Mặt khác, Hồ Quý Ly đồng thời tự khẳng định và tăng quyền vị của mình bằng cách thông qua vua Thuận Tông giữ chức Nhập nội Phụ chính thái sư bình chương quân quốc trọng sự Tuyên trung vệ quốc đại vương, đeo lân phủ vàng. Với chức vụ và tước hầu này Hồ Quý Ly đã trở thành người nắm quyền hành cao nhất trong vương triều Trần.

Hồ Quý Ly phải trực tiếp đương đầu với nhiều trở lực (hình minh họa).
Hồ Quý Ly phải trực tiếp đương đầu với nhiều trở lực (hình minh họa).

Đương đầu với nhiều trở lực


Như vậy, sau khi Nghệ Tông mất, Hồ Quý Ly phải trực tiếp đương đầu với nhiều trở lực. Về đối ngoại, về biên giới phía Nam tạm yên ổn, còn phía Bắc thì nguy cơ can thiệp của giặc Minh đã rõ rệt hơn. Về đối nội thì phản ứng gay gắt của quý tộc nhà Trần. Đây là lúc Hồ Quý Ly buộc phải bộc lộ hết nghị lực và tính cách của mình: Hoặc buông trôi mọi việc, phó mặc cho thời cuộc, hoặc tiếp tục đi lên theo hướng đã xác định. Hồ Quý Ly đã chọn con đường đi lên chấp nhận đồng thời đương đầu với hai đối thủ: Vương hầu quý tộc nhà Trần bên trong và kẻ thù xâm lược từ bên ngoài.


Đối với nhà Minh Hồ Quý Ly tìm cách hoà hoãn, tranh thủ thời gian chuẩn bị lực lượng và tìm biện pháp ổn định với Chiêm Thành ở phía Nam. Ông giao nộp cho nhà Minh mỗi thứ một ít theo đòi hỏi của chúng (1395). Ông cho xét duyệt quân ngũ, phát hành tiền giấy, thu hết tiền đồng về kho và trị sở các xứ, sai tướng đi đánh Chiêm Thành (1396) và xây dựng Ly cung ở hương Đại Lại (ở Hà Trung, Thanh Hoá) và xây thành ở động An Tôn (Vĩnh Lạc, Thanh Hoá).


Đối với quý tộc nhà Trần, Hồ Quý Ly thực hiện một loạt chủ trương nhằm hạn chế quyền lực của vương hầu quý tộc, diệt trừ những người chống đối. Hồ Quý Ly định lại quy chế trấn nhậm, bãi bỏ chức xã quan (1397), chủ trương hạn điền (1397) nhằm loại trừ chân rết quý tộc Trần ở các phủ, lộ, giáp, xã trong nhiều vùng của cả nước.           
(còn nữa)



(Theo kienthuc.net.vn)
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)