Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Tin tức    Tin tổng hợp
Thứ tư, 05/12/2012 10:10
Người trẻ nhìn về Hà Nội “Đối mặt với B.52”
Hàng chục nhân chứng sống của những trận bom rải thảm của máy bay B.52 từ 40 năm trước đã tới dự lễ ra mắt cuốn sách “Đối mặt với B.52” (NXB Trẻ ấn hành) sáng 4.12, để cùng một lần nữa chia sẻ những hồi ức về một Hà Nội anh dũng và bền bỉ khi sự sống và cái chết chỉ trong gang tấc.

Những câu chuyện nhỏ của 116 nhân chứng mà các tác giả đã gặp và đưa vào cuốn sách đã xây dựng nên một thiên anh hùng ca về Hà Nội không phải bằng cách thuật lại một chiến thắng lẫy lừng, mà bằng cốt cách, phong thái của người Hà Nội đối mặt với cái chết. Đó là từng chuyện cụ thể, có thật của một nữ diễn viên đoàn kịch Hà Nội, một người mẹ có con nhỏ, nhân viên cửa hàng lương thực, bác sĩ, của những người thợ máy, bộ đội phòng không, kỹ sư lắp ráp tên lửa, người xây dựng hệ thống truyền thanh báo động máy bay... Họ đối mặt với “pháo đài bay” của Mỹ, vượt qua những đau thương mất mát, tìm ra những cách thích ứng linh hoạt và giản dị đến khó tin.

Nhân chứng lớn tuổi nhất sinh năm 1910, vào năm 1972 đã 66 tuổi. Nhân chứng trẻ nhất sinh năm 1966, lúc đó mới lên 6. Thật xót xa khi nghe tâm sự của Nguyễn Hà Phong - cậu bé 6 tuổi năm đó: “Mẹ tôi kể, một trong những từ đầu tiên tôi biết nói là chạy”. Bên cạnh đó là hồi ức của người mẹ - bà Trịnh Thanh Năng: “Ngoài bố, mẹ thì từ đầu tiên Phong biết là chạy. Mỗi khi nghe máy bay, Phong bảo ú, ú... bắt chước tiếng máy bay rồi gọi mẹ... mẹ... bố... bố... chạy... chạy..., giơ tay đòi bế”. Đó là câu chuyện về những ngày tháng mà sự bình yên bị cướp mất của người dân Hà Nội. Tác giả Đào Thanh Huyền nói: “Chúng tôi đã do dự, liệu hồi ức của một cậu bé 6 tuổi có chính xác không. Nhưng hồi ức đó hoàn toàn khớp với bố mẹ. Có nhiều điều có thể quên nhanh, nhưng những gì liên quan đến bom đạn, sống chết sẽ hằn sâu hơn thế”.


Nhóm biên soạn sách gồm 4 người, trong đó có đại tá - nhà báo Nguyễn Xuân Mai - nguyên Tổng Biên tập Báo Phòng không - Không quân - là người đã trải qua những năm tháng chiến tranh phá hoại 1966 - 1972, trực tiếp đưa tin bài về 12 ngày đêm Hà Nội bị ném bom. 3 tác giả còn lại - nhà báo Đặng Đức Tuệ, Đào Thanh Huyền, phóng viên ảnh Trần Phúc Thái, hoặc lúc đó còn quá nhỏ, hoặc sinh sau năm 1972. Đại tá Nguyễn Mạnh Hà - nguyên Viện phó Viện Lịch sử Quân sự VN - cho rằng, đây là một cách dựng lại lịch sử rất sinh động, là cách làm cần khuyến khích. Nếu không có từng câu chuyện của từng con người, sẽ chỉ là một lịch sử chung chung mà những người trẻ hôm nay có thể sẽ không mấy quan tâm. Đặng Đức Tuệ nói, nếu không ghi lại hôm nay thì những ký ức đó cứ xa dần, chính các nhân chứng mới là tác giả thực sự của cuốn sách đầy công phu chỉ hình thành sau gần 2 năm tìm kiếm tư liệu, gặp gỡ, ghi chép.


Là người đã chụp rất nhiều ảnh chiến tranh ở Quảng Trị, ở Hà Nội những ngày năm 1972, nhà báo Chu Chí Thành chia sẻ, cuốn sách là cách tiếp cận lịch sử khác với trước đây. “Không có những câu chuyện, những hình ảnh trong cuốn sách này, thì thế hệ sau sẽ khó biết lịch sử như thế nào, hay liệu chúng ta có chiến đấu một cách mù quáng hay không. Lịch sử, qua những con mắt khác nhau, có thể bị bóp méo. Nhưng với những cuốn sách như thế này thì lịch sử không thể bị bóp méo được”. Chính ông - lúc đó là phóng viên - kể lại rằng cảm giác rất thật của ông và cũng là của người Hà Nội lúc đó, là sự bình tĩnh lạ thường, là lòng tin mãnh liệt để vượt qua tất cả, mà bằng chứng là hạnh phúc của vợ chồng ông hôm nay, sau khi đã cùng nhau ngồi trong hầm ở Quốc Tử Giám mà nghe bom san phẳng một đoạn khu vực Khâm Thiên cách đó không xa.


Và lịch sử có thể sẽ còn tiếp tục được tái hiện qua mắt những người trẻ. Là người đã đồng hành cùng hai tác giả Thanh Huyền và Đặng Đức Tuệ qua cuốn sách trước đó về Điện Biên Phủ, đại tá Nguyễn Mạnh Hà cho biết, có thể ông sẽ còn đi tiếp với họ qua những câu chuyện về đường Hồ Chí Minh trên biển và trên bộ.



(Theo laodong.com.vn)
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)