Thứ năm, 06/12/2012 09:03
"Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương" trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại: Niềm vui nhân lên, trách nhiệm lớn thêm
Hội nghị lần thứ 7 Ủy ban Liên chính phủ Công ước 2003 về bảo tồn văn hóa phi vật thể diễn ra tại Paris (Pháp) đã chính thức xác nhận "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương" của Việt Nam là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Tính đến thời điểm này, "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương" là di sản duy nhất của Việt Nam được UNESCO vinh danh ở loại hình tín ngưỡng.
 |
Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ngày càng ăn sâu trong tâm thức người Việt.
Ảnh: Khánh Nguyên |
Đáp ứng các tiêu chí của UNESCO
Hồ sơ "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương" được Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt
Nam phối hợp với tỉnh Phú Thọ chuẩn bị công phu từ nhiều năm nay. Ban
xây dựng hồ sơ đã tiến hành 2 đợt kiểm kê di sản, chụp ảnh, sưu tầm tư
liệu tại 226 di tích thờ cúng Hùng Vương thuộc 106 xã trên địa bàn tỉnh
Phú Thọ; mua tư liệu ảnh, làm sách "Tuyển tập các công trình nghiên cứu
về Hùng Vương"; điều tra thu thập tư liệu trong và ngoài nước về tín
ngưỡng thờ Hùng Vương.
Theo quy định của UNESCO đối với di sản văn hóa phi vật thể đại diện, hồ
sơ di sản phải đáp ứng được ít nhất 5 tiêu chí, trong đó tiêu chí quan
trọng nhất là di sản có giá trị nổi bật mang tính toàn cầu, khích lệ ý
thức chung của mọi dân tộc trong việc thúc đẩy giá trị đó. Hồ sơ "Tín
ngưỡng thờ cúng Hùng Vương" nêu rõ giá trị của di sản là thể hiện lòng
tôn kính đối với tổ tiên, theo tinh thần "Uống nước nhớ nguồn" và nếu
được UNESCO công nhận, di sản sẽ khích lệ nhận thức của cộng đồng nhiều
quốc gia trên thế giới về lòng biết ơn tổ tiên, về thái độ tôn trọng sự
đa dạng văn hóa.
Kết tinh sức mạnh đoàn kết dân tộc
Theo ông Ngô Đức Thịnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu văn hóa tín
ngưỡngViệt Nam, nhiều quốc gia như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản… cũng
có nghi lễ thờ cúng tổ tiên, phụng thờ nhân vật khai sáng dân tộc. Thế
nhưng, hiếm có nơi nào mà đồng bào các dân tộc trên mọi miền Tổ quốc,
người Việt ở nước ngoài, đều xem mình có chung Quốc tổ, chung một cội rễ
như ở nước ta. Trong tâm thức mỗi người dân Việt, vua Hùng là vị Tổ có
công dựng nên quốc gia Văn Lang, nhà nước đầu tiên, sơ khai của dân tộc.
Vì vậy, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương có vị trí đặc biệt quan trọng
trong đời sống văn hóa tâm linh của các thế hệ người Việt, vừa thiêng
liêng, vừa cụ thể, là điểm tựa tinh thần tạo nên sức mạnh đại đoàn kết
toàn dân tộc.
Ngày nay, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ngày càng ăn sâu, bám rễ trong
tâm thức người dân đất Việt. Nhiều Việt kiều xa quê hương lặn lội về đền
Hùng xin nắm đất ở gần mộ Tổ, xin chút nước ở giếng Ngọc và chân nhang
thờ các vua Hùng ở đền Thượng để mang ra nước ngoài thờ cúng; nhiều tổ
chức, cá nhân đã đóng góp không ít công sức, tiền của tu bổ, tôn tạo di
tích thờ các vua Hùng... Như vậy, tính độc đáo của di sản "Tín ngưỡng
thờ cúng Hùng Vương" khác với những di sản đã được công nhận trước đó,
thể hiện rất rõ ở yếu tố thờ Hùng Vương chính là thờ Quốc tổ, tôn thờ
Hùng Vương là tôn thờ chủ nghĩa yêu nước, tinh thần đoàn kết toàn dân
tộc.
 |
Nhiều hoạt động diễn xướng dân gian đã được phục dựng. Ảnh: Khánh Nguyên |
Cộng đồng nuôi dưỡng di sản
Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương tồn tại và phát triển gắn liền với hệ
thống di tích thờ Hùng Vương. Theo thống kê, tỉnh Phú Thọ hiện có 181 di
tích, cả nước có 1.471 di tích thờ Hùng Vương, vợ con và các tướng lĩnh
của các Vua Hùng thì chừng ấy di tích được nhân dân quanh vùng thờ
cúng, thường xuyên tổ chức lễ hội tưởng nhớ các vua Hùng có công dựng
nước, giữ nước. Bà Lê Thị Minh Lý, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc
gia cho rằng: Bảo tồn và phát huy giá trị di sản "Tín ngưỡng thờ cúng
Hùng Vương" trước hết phải bảo tồn và phát huy giá trị các di tích thờ
cúng Hùng Vương; phục dựng các hoạt động diễn xướng dân gian có từ thời
Hùng Vương. Di sản phải được nuôi dưỡng trong môi trường cộng đồng và
chỉ trong môi trường ấy mới phát huy đầy đủ giá trị.
Khi đón nhận thông tin "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương" trở thành di sản
văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, dư luận dành nhiều sự quan
tâm tới việc các cơ quan hữu quan sẽ xử lý tình trạng "hành chính hóa"
Lễ hội đền Hùng như thế nào. Về vấn đề này, ông Nguyễn Khắc Xương, nhà
nghiên cứu văn hóa dân gian tỉnh Phú Thọ khẳng định: "Không có Nhà nước
thì không có Giỗ Tổ Hùng Vương như hiện nay". Nhìn cả tiến trình lịch
sử, GS Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cho rằng:
"Không có di sản nào tồn tại vững vàng mà không có vai trò của Nhà nước.
Nhưng vấn đề đặt ra là vai trò của Nhà nước đến đâu, như thế nào để
không can thiệp, hạ thấp vai trò của cộng đồng, không hạn chế sự phát
hiện của cộng đồng. Vai trò của Nhà nước đối với Lễ hội đền Hùng nên
dừng lại ở việc tổ chức, chỉ đạo, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho cộng
đồng bảo tồn, phát hiện và nuôi dưỡng các giá trị". Ủng hộ quan điểm bảo
tồn và phát huy giá trị di sản "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương", trực
tiếp là Lễ hội đền Hùng (Phú Thọ) không thể thiếu vai trò của Nhà nước,
ông Ngô Đức Thịnh cho rằng Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương còn bao gồm
nhiều hoạt động văn hóa phi vật thể cần phải giải mã, chẳng hạn như tục
giã bánh dày thì tại sao khi giã bánh phải dùng cối đá, dùng chày bằng
tre có đốt... Khi giải mã được rồi thì cần phổ biến, tuyên truyền đến
mọi tầng lớp nhân dân để di sản có thêm sức sống, sức lan tỏa.
Niềm vui "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương" được UNESCO vinh danh đi liền
với trách nhiệm thực hành bảo tồn và phát huy giá trị di sản ở một tầm
mức cao hơn.
(Theo Hanoimoi.com.vn)
|
|
|
Tin đọc nhiều
Hà Nội từ lâu được bạn bè ...
11:18 | 10/06/2015
Nói về đóng góp của ...
02:58 | 12/12/2013
Bạn có nghe thông tin có ...
08:26 | 14/05/2013
Có lẽ, trong nhiều ...
02:22 | 26/05/2014
Nhìn lại khoảng thời ...
03:26 | 10/10/2014
|