Năm kinh doanh nhọc nhằn của báo chí thế giới
Theo số liệu của Hiệp hội Báo chí Mỹ (NAA), doanh thu
quảng cáo của ngành báo nước này đã giảm 5,1% trong quý III so với cùng
kỳ. Dù vẫn khả quan hơn hai quý đầu, số liệu này cũng đã giảm tới 25 quý
liên tiếp, tính từ 2006. Trong quý III, doanh thu quảng cáo trên báo
mạng tăng 3,6%. Tuy nhiên, mức tăng đó không đủ bù tốc độ giảm 10,5% của
báo in.
Báo chí Anh tình hình cũng không khá hơn. Theo The Guardian,
hãng truyền thông ZenithOptimedia dự tính doanh thu quảng cáo trên các
báo nước này sẽ giảm 250 triệu bảng (402,7 triệu USD) năm nay. Cụ thể,
doanh thu các báo phát hành cả nước sẽ mất 5,1% và các báo địa phương
giảm 9,6%. Zenith cho biết: "Thị trường báo in của Anh đang rất biến
động. Mọi người từng kỳ vọng kết quả kinh doanh tốt mùa hè có thể giúp
ngành này hồi phục phần nào. Tuy nhiên, hy vọng đó đã hoàn toàn bị dập
tắt khi doanh thu tháng 9 và tháng 10 quá tệ".
Năm 2012 cũng chứng kiến hàng loạt vụ xuống dốc của những tờ báo tên tuổi. Cuối tháng 10, tạp chí kinh tế quen thuộc của Mỹ - Newsweek đã tuyên bố ngừng bản in. Từ năm 2013, tạp chí này sẽ chuyển hẳn sang bản điện tử với tên gọi mới - Newsweek Global. Để đọc được tin tức trên tờ báo online này, độc giả sẽ phải trả tiền.
 |
Newsweek sẽ chuyển hẳn sang bản điện tử từ đầu năm sau. Ảnh: AFP |
Ra mắt năm 1933, Newsweek từng được xem là một trong những cái tên đáng gờm nhất làng báo Mỹ. Cùng với đối thủ Time Magazine, họ được xem là hai trong những nguồn thông tin và phân tích tốt nhất trước kỷ nguyên Internet.
Tuy nhiên, báo điện tử bùng nổ đã khiến doanh thu của Newsweek
sụt giảm trầm trọng. Theo những người điều hành, việc tiếp tục giữ báo
in sẽ làm họ thua lỗ khoảng 40 triệu USD mỗi năm. Vì vậy, tổng biên tập Newsweek cho rằng chuyển sang bản online cũng là xu hướng tất yếu trong kỷ nguyên Internet ngày nay.
Mới đây, ngày 3/12, tờ New York Times (NYT)
cũng tuyên bố sẽ cắt giảm thêm nhân sự phòng tin tức. Tổng biên tập Jill
Abrahamson cho biết sẽ chia tay 30 biên tập viên kỳ cựu không thuộc
công đoàn trên tổng số 1.150 nhân sự phòng này. Những người tự nguyện
nộp đơn xin thôi việc từ nay đến 24/1 sẽ được nhận tiền bồi thường. Sau
thời gian đó, nếu chưa đủ con số 30, New York Times sẽ buộc một số nhân viên phải nghỉ việc. Trước đó, năm 2008, phòng tin tức cũng đã bị cắt giảm tới 100 nhân viên.
Dù doanh thu từ xuất bản của tờ báo này vẫn tăng đều đặn, theo phân tích của cả Business Insider và Mashable, chừng đó vẫn không đủ bù cho mức sụt giảm quảng cáo của cả ba báo giấy lớn thuộc Tập đoàn NYT là New York Times, Boston Globe và International Herald Tribune. Doanh thu quảng cáo báo in và báo điện tử giảm lần lượt 10,9% và 2,2% quý III.
Tuy nhiên, NYT và Newsweek không phải là những trường hợp hiếm hoi chịu ảnh hưởng tiêu cực từ ngành quảng cáo thế giới. Tạp chí chuyên về phong cách sống Condé Nast
(Mỹ) hồi tháng 10 đã phải cho nghỉ việc 60 nhân viên, sau khi chia tay
với 180 người khác năm 2008. Lý do họ đưa ra là "kinh tế Mỹ quá khắc
nghiệt".
Chiến lược chỉ duy trì phiên bản The Daily
trên iPad của Tập đoàn News Corp cũng thất bại khi báo này vừa thông báo
chính thức đóng cửa từ ngày 15/12. Ra mắt ngày tháng 2/2011, phí thuê
bao năm của báo này chỉ là 40 USD. Chủ tịch News Corp Rupert Murdoch cho
biết: "Điều không may là chúng tôi không thể tìm được lượng khách hàng
đủ lớn để tiếp tục mô hình kinh doanh này trong dài hạn. Chúng tôi sẽ
rút kinh nghiệm từ The Daily để ứng dụng vào các sản phẩm khác".
(Theo VnExpress.net)