Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Tin tức    Tin tổng hợp
Thứ hai, 10/12/2012 08:41
Kỷ niệm 10 năm ngày mất của nhà thơ Tố Hữu: Nhà thơ của nhân dân
"Giữa những trang phục choáng lộn, lãng mạn, tượng trưng, siêu thực, tân hình thức, Tố Hữu khiêm nhường nhận bộ cánh xuềnh xoàng: Nhà thơ của nhân dân. Với bộ cánh đó, Tố Hữu đã làm nên một sự thật không thể phủ nhận là thơ anh có ảnh hưởng rộng lớn đến mức đáng ghen tị” - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, nhà thơ Hữu Thỉnh nhận định trong Lễ tưởng niệm 10 năm ngày mất của nhà thơ Tố Hữu do Hội Nhà văn Việt Nam vừa tổ chức tại Hà Nội.
Nhà thơ Tố Hữu
 
Nhà thơ của nhân dân
Nhà thơ Hữu Thỉnh cho rằng: Tố Hữu trong thơ và ngoài thơ đều thống nhất trong sự tìm kiếm con đường ngắn nhất đến với nhân dân. Ông cho biết thêm: "Tố Hữu là một đại diện sáng chói nhất của thơ đương đại Việt Nam… Thơ Tố Hữu có nhiều bài, nhiều đoạn có vẻ như không có nghệ thuật gì cả. Chữ nghĩa của ông cứ tay lấm chân bùn từ ngoài đời mà bước thẳng vào thơ. Ấy thế mà nó có sức chấn động biết bao tâm hồn. Lẽ giản đơn là ông đã lần tìm ra nguồn mạch chính nhất của đời sống, cũng là mẫu số chung của hàng triệu con người: Khát vọng độc lập, tự do, khát vọng giải phóng”.
 
Cũng bởi làm thơ với chữ nghĩa "tay lấm chân bùn”, bởi lựa chọn con đường làm nhà thơ của nhân dân mà - theo nhà phê bình Lê Thành Nghị - thơ Tố Hữu và dòng thơ kháng chiến cách mạng dù chưa cho thấy sự đa dạng cần có của văn chương như những đòi hỏi sau này nhưng đã góp phần hình thành nhân cách, tâm hồn của cả một thế hệ Việt Nam.
 
Khẳng định giá trị thơ Tố Hữu, PGS.TS Đoàn Trọng Huy (Giảng viên trường ĐH Sư phạm Hà Nội, tác giả cuốn biên niên về Tố Hữu vừa ra mắt tại lễ tưởng niệm) cho biết: Thơ Tố Hữu nổi bật một phong cách trữ tình cách mạng. Càng cuối đời, Tố Hữu càng thể hiện một hơi thơ liền mạch và dũng tiến, bộc lộ rõ cái tôi thi sĩ hơn, chạm đến nhiều cung bậc cảm xúc của con người cũng như chạm đến bản thể triết luận của một nhà thơ.
 
Nhà thơ Hữu Thỉnh thắp hương tưởng niệm nhà thơ Tố Hữu
 
Thơ Tố Hữu và những kỷ lục
Về những cái nhất của thơ Tố Hữu, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Hữu Thỉnh nhận định: Tố Hữu là người viết nhiều và viết hay nhất về Bác. Tố Hữu viết về Bác với ý nghĩa Bác là tinh hoa, là khí phách, là kết tinh mọi giá trị của nhân dân, của dân tộc như Thủ tướng Phạm Văn Đồng vẫn thường nói. Ở đề tài rất khó này, Tố Hữu vẫn thực hiện được sự kết hợp tài hoa giữa yếu tố cao cả với yếu tố bình thường để Bác hiện lên đúng như Bác nhất.
 
GS. Phong Lê cũng phát hiện thêm về những kỷ lục của thơ Tố Hữu. Với tư cách là người đọc thơ Tố Hữu "chuyên cần nhất”, ông nhận thấy có 3 ấn tượng lớn về một nhà thơ hàng đầu Việt Nam, đấy là: được đọc nhiều nhất, lâu nhất; được thuộc nhiều nhất và được viết nhiều nhất trong thế kỷ XX. Về kỷ lục được viết nhiều nhất, GS. Phong Lê nêu dẫn chứng: Tố Hữu là nhà thơ duy nhất ở Việt Nam có tới 3 cuốn sách viết về ông ngay từ khi ông còn sống và tất cả đều được viết bằng một tình cảm rất chân tình.
 
"…có thứ bị quên đi chậm, có thứ bị quên đi nhanh. Việc làm lạnh lùng và công tâm ấy của thời gian vẫn luôn nằm ngoài ý muốn của cá nhân. Nhưng có một sự thật nhiều người biết, đó là trong suốt cuộc đời làm cách mạng và làm thơ, không một nhà thơ Việt Nam nào được nhớ, được đọc và được thuộc nhiều như Tố Hữu” - nhà phê bình Lê Thành Nghị bình luận.
 
Nhà thơ Vương Trọng cũng góp thêm vào việc phát hiện một kỷ lục của thơ Tố Hữu. Ông cho rằng: Viết thơ về mảng sự kiện, nhân chứng thì thơ Tố Hữu nổi tiếng nhất, bằng chứng là các bài "Hoan hô chiến sĩ Điện Biên”, "Việt Bắc”, "Emily con!”, "Mẹ Suốt”…
 
Hai ái nữ của nhà thơ Tố Hữu
 

Chiều qua (8-12), tại Nhà tưởng niệm Tố Hữu ở Làng quốc tế Thăng Long (Hà Nội) tiếp tục diễn ra buổi tưởng nhớ 10 năm ngày mất của Tố Hữu với chương trình ngâm thơ và biểu diễn các bài hát phổ nhạc từ thơ ông.

Kỷ niệm nhớ nhất là ngồi nhìn ba làm việc
Đây là chia sẻ của TS. Nguyễn Thanh Hoa - trưởng nữ của nhà thơ, người được Tố Hữu đưa vào bài thơ nổi tiếng viết về Bác Hồ năm 1960, bài "Cánh chim không mỏi”. "Ba làm việc rất nhiều. Mỗi ngày ba làm việc hơn chục tiếng đồng hồ, thậm chí có những ngày lên tới 20 tiếng. Do đó ba rất ít có thời gian dành cho thơ. Khi ba làm thơ nghĩa là ba viết những thôi thúc mạnh mẽ trong lòng mình” – TS. Thanh Hoa xúc động chia sẻ về cha mình. Chị còn chia sẻ một điều rất đặc biệt ở người cha mà chị rất mực yêu thương, kính trọng, đó là những khi ba chị giận lắm thì sẽ chuyển sang nói giọng Huế chứ không bao giờ mắng chửi con cái, đánh con lại càng không.
 



(Theo daidoanket.vn)

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)