|
 |
|
Cuốn sách
"Chuyện kể của những người giúp việc Bác Hồ" có nhiều tư liệu chính xác
về Chủ tịch Hồ Chí Minh và những người từng tham gia giúp việc cho
Người. |
|
Đúng
như ông viết: "Chưa hiểu biết thật tường tận lịch sử thì chưa thể có sự
sáng tạo cũng như hư cấu - chưa có sự hư cấu thì chưa có nghệ thuật
phim truyện cùng với xúc cảm màn ảnh thực sự. Tác phẩm điện ảnh lúc này
sẽ giống như một sự bắt chước đơn giản và buồn tẻ".
Từ sự am tường lịch sử, tác giả
dẫn dắt đến sự hư cấu lịch sử trong kịch bản phim. Nhưng hư cấu bao
nhiêu phần trăm là đủ? Hoàng Nhuận Cầm đưa ra điều tâm niệm nhất của ông
khi xây dựng nhân vật lịch sử trong phim truyện: "Theo tôi, chúng ta có
quyền hư cấu 100%. Vấn đề là ở chỗ, làm sao cho sự hư cấu đó góp phần
phát hiện và tìm ra 100% sự thật! Một sự thật thiêng liêng, một sự thật
tự nó đã có sức sống vượt thời gian - vì đó là Sự Thật Lịch Sử". Ông dẫn
ra một ví dụ về sự hư cấu trong một kịch bản mới nhất được viết về lãnh
tụ Hồ Chí Minh có tên là "NHÀ TIÊN TRI".
Trong một phân đoạn nhỏ của bộ
phim, tác giả viết về đoạn Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt tên cho 8 chiến sĩ
Cảnh vệ của mình mang 8 cái tên mới để đảm bảo bí mật là "Trường, Kỳ,
Kháng, Chiến, Nhất, Định, Thắng, Lợi". Địa điểm trong kịch bản: Bên con
suối Điềm Mặc và nương ngô xanh mướt tại ATK. Sau khi Bác đặt tên xong
cho 8 chiến sĩ Cảnh vệ của mình thì cô cấp dưỡng của đội, cắp rổ rau từ
dưới suối chạy vội lại bên Bác và được Bác đặt tên cho là cô Chín!
Chúng ta đã biết, 8 chiến sĩ
cảnh vệ Trường, Kỳ, Kháng, Chiến, Nhất, Định, Thắng, Lợi đều là những
nhân vật có thật. Còn cô cấp dưỡng tên là Chín, cô ấy có thật hay không?
Hoàng Nhuận Cầm khẳng định: "Tôi chắc không một nhà sử học nào lại lẩn
thẩn đi căn vặn tôi: "Làm gì có cô Chín! Chả thấy sử sách nào nhắc tới
cô Chín cả, cô Chín là do tác giả bịa đặt ra". Kết thúc bộ phim, Hoàng
Nhuận Cầm cho cảnh cô Chín đã hy sinh để bảo vệ cuộc họp của Hội đồng
Chính phủ do Bác trực tiếp chủ trì.
Tác giả viết tiếp: "Ngay sau
khi cô Chín hy sinh, tại Hang Bòng, bên ngọn lửa hồng trong đêm tối -
Bác lấy tay quệt nhanh nước mắt, nói khe khẽ: - Tội nghiệp cho cô
Chín!!! Chưa kịp có chồng con gì cả, những người như cô Chín mất là
thiêng lắm đấy!!! Cũng may, Bác còn kịp tặng cô ấy một cái tên...". Đồng
thời nhà biên kịch thêm một lần nữa khẳng định: "Cô Chín là nhân vật
được hư cấu thêm".
Dưới đây, tôi xin có đôi điều
muốn được trao đổi lại với nhà biên kịch Hoàng Nhuận Cầm. Tôi đồng ý
rằng cần phải có sự sáng tạo trong kịch bản. Nhiều câu chuyện dẫu có
thật, qua ngòi bút của nhà văn, nhà thơ, nhà viết kịch đã được hư cấu để
tạo hình tượng. Mất đi sự sáng tạo, tác phẩm không có hồn. Tuy nhiên,
với những sự kiện có thật, con người có thật, địa danh có thật đã đi vào
lịch sử, chúng ta có quyền hư cấu hay không? Việc hư cấu có thể vô tình
thành con dao hai lưỡi khiến những người đi sau tỏ ra nghi ngờ về tính
xác thực của lịch sử hay không? Đó là điều cần thận trọng.
Tôi xin dẫn trực tiếp trong bài
viết nêu trên của Hoàng Nhuận Cầm. Khi ông viết trong kịch bản việc Chủ
tịch Hồ Chí Minh đặt tên cho 8 chiến sĩ Cảnh vệ của Người là Trường,
Kỳ, Kháng, Chiến, Nhất, Định, Thắng, Lợi ở bên con suối Điềm Mặc, có
nương ngô xanh mướt tại ATK là sai lịch sử. Ông Tạ Quang Chiến, người
cận vệ trẻ nhất năm ấy 21 tuổi, nay đã gần 90 tuổi, chắc rằng đọc xong
ông cũng phải tủm tỉm cười vì hư cấu đi quá xa... địa điểm lịch sử!
Ngày Bác Hồ đặt tên cho 8 cận
vệ, đó là ngày 6 tháng 3 năm 1947. Địa điểm: Xã Cổ Tiết, huyện Tam Nông,
tỉnh Phú Thọ (xin tham khảo sách "Chuyện kể của những người giúp việc
Bác Hồ", NXB Thông tấn, 2005, bài "Những người được Bác Hồ đặt tên:
"Trường, Kỳ, Kháng, Chiến, Nhất, Định, Thắng, Lợi", từ trang 161 đến
trang 163 để tường tận hơn sự kiện này do ông Vũ Kỳ kể lại).
Về nhân vật "cô Chín". Đây là
nhân vật có thật. "Cô Chín" có tiểu sử rõ ràng, thuộc diện cán bộ lão
thành cách mạng của Văn phòng Trung ương Đảng.
"Cô Chín" sinh năm 1915, là con
cả trong gia đình họ Ngô ở làng Thổ Quan, phố Khâm Thiên (nay thuộc
quận Đống Đa, Hà Nội), tên hồi nhỏ là Điểu, sau đổi là Ngọc. Đi hoạt
động cách mạng từ năm 1928-1929 trong tổ chức Việt Nam cách mạng thanh
niên, rồi lấy chồng họ Lê nên cô mang họ của chồng và đổi tên thành Lê
Thị Thanh.
Những ngày cách mạng còn bí
mật, cô tham gia hoạt động trong tổ công tác binh vận dưới sự lãnh đạo
của các đồng chí Trường Chinh, Hoàng Văn Thụ, Nguyễn Lương Bằng... và
được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương.
Năm 1941, lãnh tụ Nguyễn Ái
Quốc về nước, cô được đồng chí Nguyễn Lương Bằng giao nhiệm vụ thổi cơm
giúp Bác. Khi đã ngoài tám mươi tuổi, "cô Chín" kể lại: "Bác chuyển đến
đâu, tôi theo đến đó, nhiều nơi lắm, cho đến khi cách mạng thành công
Bác về Hà Nội thì tôi cũng cùng về, rồi khi Bác đi kháng chiến, tôi đi
theo tiếp tục nấu cơm cho Bác... Mà nói là lo cơm nước phục vụ Bác thì
không đúng đâu, chỉ là người thổi cơm cho Bác thôi, vì Bác ăn uống cũng
đơn giản... Tôi cứ theo chân Bác đi dần lên Việt Bắc".
Về tên gọi "cô Chín" của mình,
bà dí dỏm cho biết: "Tám anh phục vụ được Bác đặt tên Trường, Kỳ, Kháng,
Chiến, Nhất, Định, Thắng, Lợi lại vừa đúng khẩu hiệu có tám chữ thôi,
tôi là phận nữ phải chịu lép làm em các anh ấy, nên được Bác đặt cho tên
mới là "cô Chín", tức thứ chín thôi!".
Với 86 năm tuổi đời, hơn 60 năm
tuổi Đảng, 27 năm nấu cơm phục vụ Bác Hồ, "cô Chín" còn được đồng chí
Trường Chinh gọi bằng cái tên thân mật "Cô Chín kim cương" (xin xem bài
"Cưới vợ cho chồng để làm "Cô Chín kim cương" của Thúy Hạnh, nguyệt san
Sự kiện & Nhân chứng, số 94, tháng 10/2001).
Vẫn biết trong nghệ thuật, sáng
tạo là cần thiết. Nhưng đôi khi, sáng tạo lại vấp phải bức tường chắn
quá lớn là sự thật lịch sử. Làm sao để vượt qua bức tường thành này khi
hư cấu lỡ trùng lên lịch sử? Bảo tàng Hồ Chí Minh cùng các nhân chứng
lịch sử như Thiếu tướng - PGS Cao Pha, nghệ sĩ nhiếp ảnh Vũ Năng An và
các nhà nghiên cứu từng bỏ nhiều công sức để tìm kiếm cho thật chính xác
địa điểm Chủ tịch Hồ Chí Minh quan sát trận Đông Khê (1950) mở màn
Chiến dịch Biên giới Thu đông 1950 cũng như nhiều địa danh khác, liệu có
sẵn lòng chấp nhận một địa điểm được Bác đặt tên cho 8 chiến sĩ lại
được chuyển từ xã Cổ Tiết, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ lên Điềm Mặc hay
không?
Hà Nội, 26/11/2012

|