Nguyễn Chí Hiếu: Điều kỳ diệu chỉ đến với những ai biết cố gắng
Quãng thời gian từ năm 2004 đến năm 2008, chàng trai cựu HS Trường
THPT chuyên Lê Quý Đôn (Bình Định) này xuất hiện khá nhiều trên các mặt
báo khi xuất sắc gặt hái nhiều thành tích trong học tập, đặc biệt khi
trở thành sinh viên (SV) giỏi nhất nước Anh năm 2004, và lọt vào top 100
SV giỏi nhất thế giới năm 2006.
Chí Hiếu chia sẻ về những kỷ niệm, trải nghiệm của bản thân trong
thời gian du học và làm việc tại nước ngoài mà anh nghĩ rằng sẽ là những
bài học bổ ích dành cho giới trẻ.
Anh có thể chia sẻ một vài kinh nghiệm để nhận được những suất học bổng giá trị?
Tôi nghĩ may mắn có thể đến với bất cứ ai nhưng những điều kỳ diệu
chỉ có thể đến với những ai biết cố gắng. Vì vậy cần chuẩn bị cho mình
một nền tảng kiến thức vững vàng. Đây là điều kiện cần và đủ để bạn có
thể đạt được các suất học bổng giá trị, và là chìa khóa quan trọng để
giúp bạn thành công trên con đường học vấn sau này, đặc biệt là khi phải
tiếp cận với một nền giáo dục hoàn toàn mới.

Nguyễn Chí Hiếu (trái) trong ngày nhận bằng tiến sĩ - Ảnh: Nguyễn Chí Hiếu cung cấp
|
Cần trang bị cho mình kỹ năng sống, phải hoàn thiện bản thân ở những
mặt khác của cuộc sống chứ không nên chỉ là một con người của sách vở.
Hãy chủ động, tích cực “lăn xả” tìm hiểu thông tin về các cơ hội học
bổng. Trong thời điểm bùng nổ thông tin qua rất nhiều kênh thông tin,
mỗi SV phải là người chủ động đi tìm và lựa chọn thông tin phù hợp với
bản thân mình.
Từng đảm nhiệm nhiều công việc trong nhiều lĩnh vực khác nhau,
anh có thể chia sẻ kinh nghiệm để có thể hoàn thành tốt tất cả công
việc?
|
|
Nguyễn Chí Hiếu (28 tuổi), là cựu HS Trường
THPT chuyên Lê Quý Đôn (Bình Định). Ngoài việc xuất sắc trở thành SV
giỏi nhất nước Anh năm 2004, Chí Hiếu còn vinh dự sở hữu bảng thành
tích:
- Thủ khoa ngành kinh tế trong tất cả các năm học tại Học viện Kinh tế và Chính trị London (LSE).
- 1 trong 100 sinh viên giỏi nhất thế giới năm 2006.
- 1 trong 3 sinh viên tốt nghiệp thủ khoa Học viện LSE.
- Sinh viên tốt nghiệp thủ khoa chuyên ngành kinh tế và khoa học chính trị trong tất cả các trường ĐH ở London.
- Học bổng nghiên cứu sinh tiến sĩ ở ĐH Stanford - Học bổng của Quỹ tiền tệ quốc tế IMF.
- 5 lần đoạt giải thưởng dành cho trợ giảng và giảng viên xuất sắc tại ĐH Stanford.
|
|
|
Khi đảm nhiệm bất cứ công việc gì, hãy biết trân trọng cơ hội quý báu
đó để học hỏi từ công việc và đồng nghiệp, dù cho sau đó công việc có
thích hợp với mình hay không. Vì mỗi kinh nghiệm đều quý báu, sẽ giúp
chúng ta phát triển một mặt nào đó của bản thân. Tuy sẽ có công việc phù
hợp với tính cách của mình, có công việc hoàn toàn đối lập, nhưng hãy
làm việc với suy nghĩ: mỗi công việc là một cơ hội đáng quý để hoàn
thiện bản thân.
Đối với tôi, làm việc trong ngân hàng tài chính giúp tôi phát triển
chuyên môn và lấp đầy khoảng trống giữa sách vở và thực tiễn một cách
hiệu quả nhất. Đó là một công việc thú vị và nhiều thử thách, giúp tôi
“luyện tập” bộ não mỗi ngày mới theo kịp với tốc độ của ngành tài chính
ngân hàng. Khi giảng dạy ở ĐH Stanford giúp tôi vững vàng hơn trong vai
trò là một người thầy, tăng cường khả năng truyền đạt và giao tiếp. Với
công việc nghiên cứu chính sách ở IMF đã giúp tôi có một cái nhìn ở tầm
vĩ mô và tác động của các chính sách kinh tế vĩ mô đến nhiều mặt của các
nước đang phát triển trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Hay việc
quản lý và phân tích dữ liệu giúp tôi hoàn thiện hơn những kỹ năng
chuyên môn, các thuật toán và lập trình ở mức độ sâu hơn.
Hiện tôi làm tại một công ty tư vấn tại Singapore, với công việc phân
tích, thiết kế và thực hiện các chiến lược xâm nhập thị trường Đông Nam
Á.
Đâu là lý do của những “rẽ ngang” bất ngờ trong công việc như vậy?
Sở dĩ tôi từng “ôm đồm” nhiều công việc trong nhiều lĩnh vực vì bản
thân tôi rất thích sự trải nghiệm và thay đổi. Tôi không thích một cái
gì đó lặp đi lặp lại bởi thấy mình như một con robot được lập trình sẵn,
mà muốn mỗi ngày đối với tôi là một trải nghiệm mới. Một công việc mà
ngày nào cũng làm những chuyện giống nhau, lặp đi lặp lại ngày này qua
tháng khác, tôi thấy cứ như là mình giậm chân tại chỗ dù công việc có ổn
định và tốt đẹp đến đâu đi nữa. Nên tôi thích mỗi ngày là một thử thách
cho bản thân để tôi được học những điều mới mẻ và phát triển bản thân
mỗi ngày.
Tuy công việc hiện tại của tôi là vậy, nhưng đi đâu và làm gì trong
những năm sau đó thì tôi chưa chắc chắn, bởi tôi không thích vẽ ra một
đường thẳng duy nhất và cứ chăm chăm đi theo con đường đó.
Giờ đây, tôi thấy sự lựa chọn trước mắt của mình khác hoàn toàn với
bạn bè từng học với mình. Nhưng tôi thích và thấy vui, vì những gì tôi
chọn phù hợp với tính cách và suy nghĩ của mình. Hơn nữa lúc nào tôi
cũng là chính mình mà không phải đi theo một con đường mòn mà xã hội hay
nhiều người nghĩ và vẽ ra cho tôi đi.
Học tập và từng làm việc ở khá nhiều nước trên thế giới, liệu anh đã từng nghĩ một ngày nào đó sẽ làm việc tại quê nhà?
Với tôi, đã đi du học 10 năm nay, tôi vẫn nhớ mình là người VN, vẫn
giữ gìn những giá trị của văn hóa VN cho bản thân, vẫn tự hào nói thao
thao bất tuyệt về những cái hay cái đẹp của VN với bạn bè nước ngoài,
vẫn có những gắn bó bền chặt với VN, vẫn có những lúc ngồi nhớ VN day
dứt, vẫn ngày ngày lên mạng đọc báo VN, vẫn vui với những tiến bộ phát
triển và vẫn buồn với những tiêu cực ở nhà… Và tôi có thể trả lời ngắn
gọn: Biết đâu ngày đó rất gần!
Còn bây giờ, tôi thích đi, tôi đi rất nhiều. “Đi bụi” chứ không phải
là du lịch giải trí. Tôi đi không phải để diện một vài bộ đồ đẹp, chụp
vài tấm hình ở một nơi nổi tiếng hay đi shopping là xong. Mỗi lần tôi
đi, tôi ăn, ở, di chuyển và sống như người bản địa vì đó là cách học tốt
nhất đối với tôi. Tôi đi để biết và để học: biết về thiên nhiên, lịch
sử, văn hóa; học từ chính cuộc sống và con người ở mỗi vùng miền tôi đi
qua. Ngoài ra, đi để thử thách và hoàn thiện bản thân mình khi phải ứng
phó với mọi khó khăn, thử thách trong quá trình “đi bụi”. Đi để thấy bản
thân và những gì mình biết còn quá nhỏ bé. Đi để mình vẫn là chính
mình.
(Theo thanhnien.com.vn)