Vừa qua, Công ty Văn hóa Trí Việt
(First News) đã tổ chức một buổi ra mắt sách đầy ấn tượng tại Trường ĐH
KHXH-NV TPHCM. Không phải ngẫu nhiên mà đơn vị này chọn ngôi trường trên
làm nơi ra mắt sách, cuốn sách Bí quyết thành công sinh viên nhắm rất
cụ thể đối tượng sinh viên. Bên cạnh đó, là một cuốn sách mang tính trao
đổi, thảo luận, việc chọn ngôi trường mang đậm tính xã hội là một lựa
chọn hợp lý. Phần giao lưu đầy sôi nổi tại buổi ra mắt sách đã cho thấy
lựa chọn của người làm sách không sai lầm.
Trước đó, Công ty CP
Phát hành sách TPHCM (Fahasa) cũng đã tổ chức một buổi quảng bá sách
giống như thế. Nhưng lần đó, nội dung sách là vấn đề về tài chính quốc
tế nên địa điểm được chọn là ĐH Văn Lang, nơi có đông sinh viên học tài
chính kế toán.
|
Tác giả Vikrom Kromadit trực tiếp quảng bá sách của mình ở Việt Nam. |
Ngay cả việc mời các tác
giả nước ngoài qua giao lưu giới thiệu sách cũng không còn dàn trải như
trước đây. Như trường hợp nhà văn trinh thám của Ý Gianrico Carofiglio
khi qua Việt Nam liền được gắn kết với cây bút nữ Di Li, một nhà văn trẻ
hiếm hoi cũng có sáng tác về trinh thám (Trại Hoa đỏ) nhằm tạo dấu ấn
cho bạn đọc. Nhà văn thiếu nhi người Anh khi qua Việt Nam quảng bá cho
bộ truyện thiếu nhi Lão Kẹo Gôm cũng gây ấn tượng mạnh với phong cách
trình diễn đậm chất ngộ nghĩnh theo kiểu diễn viên hài cho thiếu nhi.
Có
lẽ ấn tượng nhất là màn hỗ trợ quảng bá sách có sự tham gia của cả một
vị thái tử. Đó là lần ra mắt cuốn sách Popo tìm bạn với sự tham dự của
thái tử Đan Mạch Frederik André Henrik Christian. Các em thiếu nhi Việt
Nam có dịp tròn xoe mắt khi thấy một hoàng tử bằng xương bằng thịt, điển
trai theo đúng phong cách châu Âu mà các em hay đọc trong sách cổ tích
phương Tây.
Quảng bá sách thành công mang lại
rất nhiều lợi ích, thế nhưng để thành công lại không phải chuyện dễ
dàng. Trong giới làm sách, người ta hay nhắc đến sự kiện cuốn sách Lê
Vân - Yêu và sống như một bài học cay đắng của quảng bá sách sai lầm.
Ban đầu, cuốn sách cực kỳ ăn khách, được xem là một hiện tượng xuất bản
lớn vào lúc đó. Thừa thắng, nhà làm sách tổ chức giao lưu tác giả với
bạn đọc tại Cung VH Lao Động. Thật ra, đó được xem là thông lệ của làm
sách, sách ăn khách thì tổ chức giao lưu để tăng thêm ấn tượng.
Thế nhưng, cuộc giao lưu đã biến
thành thảm họa khi bạn đọc từ chỗ trao đổi đã quay sang phê phán đả kích
tác giả vì những chi tiết bất nhất trong sách. Kết quả, ngay sau cuộc
giao lưu, cuốn sách bắt đầu bị bạn đọc thờ ơ, đào thải và nhà làm sách
đã phải nhanh chóng bán ngay bản quyền tác phẩm mà trước đó là món hàng
nóng.
Gần đây nhất, sự cố bộ truyện tranh khoa học thiếu nhi Why
cũng được xem là một tai nạn đáng tiếc trong việc tổ chức quảng bá sách.
Ngay trong buổi ra mắt chính thức với báo chí, các phóng viên đã phát
hiện ra hàng loạt lỗi sai cơ bản của sách và kết quả là ngay trong lễ ra
mắt, các nhà làm sách cũng đồng thời thông báo quyết định thu hồi. Đây
được xem là một sự cố hy hữu trong thị trường sách từ trước đến nay.
Quảng
bá sách được xem là một bước phát triển tất yếu của văn hóa đọc, thế
nhưng không phải cứ chi phí cao, hoành tráng là có thể thành công. Với
sách, cần hơn hết vẫn là sự tinh tế và quảng bá đúng thực chất với bạn
đọc.
|
|
Quảng bá sách - Còn phải nhìn mặt sách lậu
Các nhà làm sách khi được hỏi đều
có một đáp án chung: “phải xem sách thế nào đã!”. Có tác phẩm chi phí
làm sách thấp nhưng chi phí quảng bá lại rất cao, lên đến 25%-30% tổng
chi phí. Ngược lại có cuốn chi phí làm sách lớn, phần quảng bá lại không
đáng kể vì sách nổi tiếng sẵn rồi. Không những thế, những người có kinh
nghiệm làm sách tiết lộ, dự định quy mô quảng bá còn phải nhìn mặt các
đầu nậu làm sách lậu nữa. Quảng bá lớn quá, cánh làm lậu đoán là sách sẽ
hút bạn đọc, thế là đổ xô vào làm lậu, sách thật bán không được, chỉ
chết người làm sách chân chính. |
|
|
|
(Theo sggp.org.vn)
|