Văn phòng Chủ tịch nước họp báo công bố một số luật sửa đổi
Luật Xuất bản số 30/2004/QH11 được Quốc hội thông
qua ngày 03/12/2004, đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số
12/2008/QH12 để đáp ứng yêu cầu về thực thi cam kết của Việt Nam khi gia nhập Tổ chức Thương mại
thế giới (WTO). Qua hơn 7 năm thi hành, Luật Xuất ban đã tạo hành lang pháp lý
tương đối thuận lợi cho hoạt động xuất bản tạo điều kiện để hoạt động này phát
triển một bước cả về số lượng và chất lượng, góp phần nâng cao dân trí, đáp ứng
nhu cầu đọc của nhân dân ngày càng đa dạng. Tuy vậy, Luật Xuất bản hiện hành
cũng đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập như: Chưa kịp thời thể chế hóa đầy
đủ một số chủ trương, định hướng mới của
Đảng về hoạt động xuất bản. Một số quy định hiện hành còn thiếu đồng bộ với một
số luật có liên quan được ban hành sau đó. Quy định về liên kết xuất bản, in ấn
xuất bản phẩm chưa đầy đủ, chưa xác định rõ trách nhiệm của từng chủ thể tham
gia dẫn đến hiện tượng buông lỏng quản lý trong hoạt động liên kết ở nhiều nhà
xuất bản, tình trạng in lậu ngày càng gia tăng, khó kiểm soát. Đồng thời, quy
định về tiêu chuẩn, nhiệm vụ, quyền hạn đối với các chức danh lãnh đạo nhà xuất
bản, biên tập viên còn thiếu, chưa tạo điều kiện để nâng cao chất lượng đối với
đội ngũ này. Luật hiện hành cũng chưa bao quát điều chỉnh đối với các cơ sở phát
hành xuất bản phẩm nên việc thành lập cơ sở phát hành không theo quy hoạch, hầu hết chỉ tập trung
tại các địa bàn đô thị, đông dân cư còn ở các vùng nông thôn, vùng núi, vùng
sâu vùng xa, biên giới hải đảo còn hết sức hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu.
Các xuất bản phẩm điện tử hiện nay đã xuất hiện
dưới nhiều hình thức đa dạng như một xu thế tất yếu của phát triển công nghệ,
trong khí đó Luật Xuất bản hiện hành với chỉ một điều đề cập đến việc xuất bản
phẩm trên mạng internet thực sự là chưa đủ. Do đó, cần được sửa đổi, bổ sung để
điều chỉnh những vấn đề mới phát sinh trong hoạt động thực tiễn nhưng vẫn đảm
bảo tính linh hoạt trong việc quản lý loại hình xuất bản mới này.
Với những thiết bị công nghệ tiện ích, cách đọc sách báo truyền thống của độc giả
đã có nhiều thay đổi. (Ảnh: ST từ Internet)
Tại kỳ hợp thứ tư, ngày 20/11/2012 Quốc hội khóa
XIII đã biểu quyết thông qua Luật Xuất bản mới, có hiệu lực thi hành từ ngày
01/7/2013, thay thế Luật Xuất bản số 30/2004/QH11 đã được sửa đổi, bổ sung một
số điều theo Luật số 12/2008/QH12.
Luật xuất bản được xây dựng với mục đích kế thừa và
phát huy những ưu điểm của các quy định trong luật hiện hành, đồng thời sửa
đổi, bổ sung những quy định mới nhằm khắc phục những bất cập, hạn chế phát
sinh.
(Phòng DV-XB&TT)