Những người đi tìm lịch sử
Ông Nguyễn Trần Ất, cựu cán bộ Trung tâm
Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia - một trong những nhân chứng lịch sử
của trận Điện Biên Phủ trên không, bồi hồi nhớ lại: Khi đế quốc Mỹ cho
hàng loạt B52 ném bom rải thảm xuống Hà Nội, hàng chục vạn người dân đã
phải đi sơ tán.
Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều người không
hề nao núng, bám trụ với Hà Nội sống và chiến đấu trước sự tàn phá của
bom đạn. Ấn tượng nhất là cảnh ngồi trong căn hầm trú ẩn, tai ù đi vì
tiếng B52 gào rú, đặc biệt, giọng nói bình tĩnh của phát thanh viên được
truyền đi qua các hệ thống loa phóng thanh: "Đồng bào chú ý! Đồng bào
chú ý! Máy bay địch cách Hà Nội 100 km… 50km… 30km... Các lực lượng vũ
trang vào vị trí chiến đấu. Đồng bào nhanh chóng xuống hầm trú ẩn..." đã
in sâu vào trong tiềm thức của chúng tôi, ông Ất nói.
Còn đối với ông Nguyễn Bá Kinh, bác sỹ
khoa Ngoại - Bệnh viện Bạch Mai thì ấn tượng nhất là hình ảnh những
gương mặt trẻ thơ đầy máu, được đưa lên từ đống đổ nát, hoang tàn. Là
những tòa nhà bị bom tàn phá nặng nề và đâu đó dưới đống gạch vỡ ấy là
tiếng kêu khóc của những người vẫn còn sống. Là những ngày đêm thức
trắng để cấp cứu, giành giật lại sự sống cho từng người bị nạn.
Ông Kinh và ông Ất chỉ là hai nhân chứng
sống của 12 ngày đêm lịch sử trong số rất nhiều nhân chứng có mặt ở buổi
tọa đàm “Năm 1972-Tư liệu và ký ức của người Hà Nội và chiến tranh phá
hoại của đế quốc Mỹ” do Trung tâm Văn hóa Pháp tổ chức vừa qua. Với sự
góp mặt của những nhân chứng, hình ảnh Hà Nội cách đây 40 năm đã được
tái hiện với những khoảnh khắc đáng nhớ nhất của năm 1972. Đó là những
dòng người sơ tán, những câu chuyện về các đợt ném bom vào Hà Nội, những
ngôi nhà đổ nát hòa trộn trong máu và nước mắt của hàng ngàn người dân
bị chết hoặc bị thương.
Ông Olivier Tessier đến từ Viện Viễn Đông
Bác cổ Pháp (EFEO), có gần 20 năm nghiên cứu về Hà Nội, là người trực
tiếp điều hành, tổ chức chuỗi chương trình kỉ niệm 40 năm chiến thắng
Điện Biên Phủ trên không cho biết: Đối với một sự kiện lịch sử đã ăn sâu
trong tâm thức người Việt Nam, chúng tôi không mong đem đến điều gì mới
chưa từng được biết đến mà cố gắng phản ánh cách nhìn từ cả hai phía,
phía Pháp và phương Tây cũng như chính người Việt Nam, về cuộc sống thời
kỳ đó.
Phim, ảnh tư liệu và các tài liệu được
cung cấp từ những nguồn tài liệu khác nhau tại Việt Nam như: Thông tấn
xã Việt Nam, Bảo tàng Phòng không - Không quân, Hãng phim Tài liệu Khoa
học Trung ương... và tại Pháp (Viện Nghe nhìn quốc gia, Cục Thông tin và
sản xuất nghe nhìn La Défense, Trung tâm lưu trữ Ngoại giao La
Courneuve) cùng với các nguồn tư liệu của tư nhân do chủ sở hữu cung cấp
(ông Jean-Marc Gravier, ông Alain Wasmes, ông Nicolas Cornet, ông Chu
Chí Thành). Trong đó nhiều tài liệu chưa từng được công bố tại bất kỳ
đâu.
Hà Nội vẫn lãng mạn
Mười hai ngày đêm ấy không chỉ là những
mất mát đau thương, đó còn là chút gì đó rất bình dị, gần gũi qua các
bức ảnh đời thường, qua lời kể của hàng trăm nhân chứng lịch sử. Nhiều
bức ảnh, nhiều câu chuyện đã khiến công chúng phải cảm động rơi nước
mắt. “Nhưng vẫn còn đó một Hà Nội khác lãng mạn và đầy tình người. Có
hoa, có những nụ hôn và những cái siết tay rất chặt khi một ai đó nghe
nói người thân của người bên cạnh chết vì bom đạn” - ông Ất nhớ lại.
“Là người đưa ra ý tưởng tìm về một Hà Nội
ngoài bom đạn, máu và chiến thắng vào cuốn sách (Đối mặt với B52- Hồi
ức Hà Nội 18/12/1972-29/12/1972) nhưng ký ức của hơn 100 nhân chứng được
tìm đến để phỏng vấn đã đưa chúng tôi tới một hình ảnh khác không chỉ
mang đậm những nét kinh hoàng. Thông qua những cuộc trò chuyện, chúng
tôi biết được, nghe được nhiều hơn thế. Bởi Hà Nội, người Hà Nội dù
trong hoàn cảnh thế nào cũng vẫn có sự lãng mạn riêng. Rất Hà Nội. Lãng
mạn trong cả cảnh hoang tàn. Và Hà Nội những ngày tháng ấy không chỉ có
máu và nước mắt” - nhà báo Đào Thanh Huyền chia sẻ.
Tham gia buổi tọa đàm có những nhân chứng
không xuất hiện trong cuốn sách cũng tự nguyện đứng lên chia sẻ những
gì mình đã trải qua. Họ nhớ lại hình ảnh Hà Nội đêm Noel các nam thanh,
nữ tú của Hà thành cũng như nhiều tỉnh, thành lân cận vẫn kéo về xung
quanh Nhà thờ lớn chung vui ngày lễ. Hình ảnh hồ Gươm lung linh sắc màu
vào buổi tối gió rét với những đôi thanh niên nam nữ nắm tay nhau đi dạo
xung quanh hồ. Họ nhớ Hà Nội sống cuộc sống thời chiến vào ban đêm
nhưng ban ngày mọi hoạt động vẫn diễn ra bình thường, những làng hoa ven
đô chẳng ngừng khoe sắc…!
(Theo baohaiquan.vn)