Nhân kỷ niệm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam anh hùng (22/12), Báo Đầu tư xin lược đăng bài viết này.
Kỷ
niệm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam, bên cạnh niềm tự hào về
một quân đội bách chiến bách thắng, còn là dịp để chúng ta nhận thức
một cách đầy đủ, sâu sắc hơn tất cả những gì mà quân đội của chúng ta đã
từng và đã trải, đã chiến đấu, hy sinh, để trưởng thành lớn mạnh, để
thắng lợi vẻ vang; là dịp để chúng ta tôn vinh tất cả những thế hệ đã
hiến dâng cuộc đời mình cho vinh quang của dân tộc, cho độc lập, tự do
của đất nước; là dịp chúng ta tưởng nhớ những người đã mất và cố gắng
làm tròn trách nhiệm của những người còn sống, đang sống... Ngày 22/12
sẽ mãi mãi là một Ngày Anh Hùng!
Nhưng
ý nghĩa của ngày này chỉ trở nên thật đầy đủ khi chúng ta phát huy thật
tốt trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ và xây dựng đất nước hôm nay.
Mấy vấn đề thực tế
Có
thể thấy được nguyện vọng thiết tha của mọi đảng viên và công dân trong
thực hiện nhiệm vụ bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ, trên đất liền,
vùng trời, vùng biển của Tổ quốc, trong xây dựng Đảng, củng cố Nhà nước,
xây dựng đất nước, trong việc không ngừng nâng cao đời sống nhân dân.
Đó luôn là nguyện vọng, là quyền đòi hỏi chân chính và cấp bách. Đòi hỏi
ấy đang đứng trước những thách thức to lớn.
Tôi
muốn trước hết đề cập đến vấn đề kinh tế và tư tưởng. Kinh tế có mạnh,
tư tưởng có vững, cả dân tộc có đoàn kết thống nhất thì quân đội mới có
khả năng để trở thành một quân đội vô địch. Không có một quân đội mạnh
trên nền tảng một xã hội chia rẽ, mất tinh thần, không sẵn sàng chiến
đấu, đất nước thiếu sinh lực. Sức mạnh của quân đội, sức mạnh bảo vệ Tổ
quốc phải trên cơ sở sức mạnh của quốc gia.
Về
kinh tế, sau nhiều năm đất nước phát triển đầy hưng phấn, nay do nhiều
nguyên nhân, cả bên trong và bên ngoài, đang lâm vào tình trạng suy
giảm. Nguyên nhân bên trong có nhiều nhưng trong đó phải kể đến khuyết
điểm của lãnh đạo và quản lý...
Về
tư tưởng, chưa bao giờ như trong vòng một năm qua xuất hiện rất nhiều
dư luận, trong đó có những tư tưởng và dư luận nguy hiểm, gây chia rẽ
trong Đảng, giữa Đảng với nhân dân; cá biệt có người đòi “phi chính trị
hóa quân đội”.
Tình
trạng suy giảm kinh tế và sự suy thoái về tư tưởng chính trị nếu không
được sớm chặn đứng, sẽ đặt tương lai của đất nước ta trước thử thách
khốc liệt. Đúng như nhận định của nghị quyết TW4 (khóa XI) là những nguy
cơ đó liên quan đến sự “tồn vong” của chế độ, đồng thời nó cũng đe dọa
trực tiếp đến sự thành công của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ
quốc.
Chúng ta phải làm gì?
Trước
hết, với tư cách là người có trọng trách trong Đảng và là người đứng
đầu Nhà nước CHXHCN Việt Nam, tôi xin khẳng định rằng: Đảng, Nhà nước ta
không bao giờ bán nước cho các thế lực bên ngoài như những kẻ xấu vu
cáo.
Dù còn những khuyết điểm, yếu kém, nhưng Đảng và Nhà nước ta không có lợi ích nào khác ngoài lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân.
Hành
động bán nước hay những việc làm tương tự sẽ chịu sự nguyền rủa, oán
hận của các thế hệ sau này, cũng như chúng ta từng phê phán nghiêm khắc
những nhân vật và những chế độ như thế trong lịch sử.
Thái
độ cần thiết hiện nay, dù có khác biệt nào chăng nữa, thì tất cả các
giai tầng xã hội, các tầng lớp nhân dân cần hành động với một động cơ
duy nhất, đó là vì lợi ích của dân tộc, vì sự ổn định chính trị, vì sự
bình yên của xã hội để làm ăn và phát triển kinh tế, cần đẩy mạnh hơn
nữa quá trình đại đoàn kết, hòa giải và hòa hợp dân tộc. Mọi hành động
phá hoại mục đích đó hoặc khoét sâu thêm những bất đồng để đẩy đất nước
đến bờ vực của sự hỗn loạn phải bị loại trừ và lên án.
Thái
độ tích cực đó cần được thể hiện trong mọi khía cạnh của cuộc sống,
trong đó có việc cấp bách hiện nay là tiếp tục kiên trì thực hiện có
hiệu quả nghị quyết TW 4 (khóa XI).
Đây
thật sự là một yêu cầu khó khăn, đòi hỏi sự tỉnh táo, sự quyết tâm, sự
đoàn kết nhất trí và bản lĩnh của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta. Tôi
nhận thức sâu sắc rằng nhân dân ta, các lực lượng vũ trang ta trông đợi
vào kết quả thực chất của công cuộc này để củng cố lòng tin của mình
vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước ta.
Đây
là thời cơ chính trị chúng ta phải nắm lấy, tạo ra sự chuyển biến mới
như một cột mốc trong quá trình phát triển. Được như vậy, sức mạnh của
chúng ta sẽ tăng lên gấp bội, trong đó có sức mạnh quốc phòng - an ninh.
Tôi
ý thức một cách rõ ràng rằng để thực hiện hữu hiệu các mục tiêu bảo vệ
và xây dựng Tổ quốc không chỉ bằng những lời hô hào, kêu gọi. Lúc này
rất cần lòng nhiệt huyết, niềm tin và sự chung tay, góp sức của toàn dân
tộc.
Quân
đội và các lực lượng vũ trang ta, càng không phải ngoại lệ, không chỉ
với những vấn đề thuần túy quốc phòng - an ninh, mà cả với các vấn đề
quốc kế dân sinh.
Sức mạnh của dân tộc chúng ta
Thực hiện hiệu quả những công việc nói trên cũng là góp phần thiết thực nâng cao năng lực quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc.
Xét
cho cùng, cái gốc của bảo vệ Tổ quốc cũng chính là lòng dân. Lòng dân
chính là sức mạnh không có giới hạn. Chúng ta đã nói nhiều đến “thế trận
lòng dân”, “nền quốc phòng toàn dân”, nghệ thuật quân sự độc đáo của
chúng ta chính là “nghệ thuật chiến tranh nhân dân”.
Đó cũng là đặc trưng của Quân đội nhân dân Việt Nam, có truyền thống từ ngàn xưa. Dân là gốc.
Thời
bình, quân đội phải giúp dân, cùng với Đảng, chính quyền và dân chăm lo
phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, hướng vào những vùng sâu vùng
xa có nhiều khó khăn; biên giới và hải đảo mà có dân cũng là cách bảo vệ
biên giới và hải đảo tốt nhất...
Sách
trắng quốc phòng của Việt Nam ghi rõ “sức mạnh quốc phòng được xây dựng
bằng nguồn lực mọi mặt của đất nước và con người Việt Nam, kết hợp sức
mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, đồng thời tranh thủ sự hợp tác, giúp
đỡ của các nước bè bạn có chung mục đích đấu tranh cho hòa bình, độc
lập và phát triển của khu vực và thế giới.
Việt
Nam không tham gia bất kỳ hoạt động nào sử dụng vũ lực hay đe dọa sử
dụng vũ lực với các nước khác, nhưng sẵn sàng tự vệ chống lại mọi hành
động xâm phạm lãnh thổ trên bộ, vùng trời, vùng biển và lợi ích quốc gia
chính đáng của Việt Nam; không chạy đua vũ trang nhưng chúng ta luôn
củng cố sức mạnh quốc phòng đủ để tự vệ”.
Sức
mạnh của chúng ta phải là ở sức mạnh của chính nghĩa, được thế giới ủng
hộ. Việt Nam phải là “lương tri của thời đại” như thế giới từng tôn
vinh.
Sức
mạnh của chúng ta phải là sức mạnh của lòng dân, của tinh thần đoàn
kết, nhất trí toàn dân tộc. Đất nước sẽ không thể đứng vững bởi sự chia
rẽ. Sự chia rẽ dân tộc chính là cơ hội cho những kẻ xâm lược.
Sức
mạnh của chúng ta là ở truyền thống quật cường đã được hình thành từ
hàng ngàn năm lịch sử, từng là nguyên nhân để chúng ta chiến thắng mọi
kẻ thù hung bạo.
Sức mạnh của chúng ta còn là sức mạnh của cách đánh, khả năng tác chiến và cách thắng.
Độc lập và phát triển đất nước luôn là mục tiêu và động lực chính yếu của dân tộc chúng ta.
Khi
có kẻ thù nào xâm lược nước ta, thì như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng
định: “Chúng ta thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước,
nhất định không chịu làm nô lệ”. Chúng ta sẽ huy động tất cả mọi sức
mạnh để tự vệ và chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược.
*
* *
Hôm
nay không phải lần đầu tiên tôi cảm thấy vô cùng tự hào về Quân đội
Nhân dân Việt Nam anh hùng, tự hào về hình ảnh “Anh bộ đội Cụ Hồ” - một
biểu tượng không chỉ đẹp về thể chất mà còn ở những nét đẹp của tinh
thần đoàn kết, nỗ lực vượt qua khó khăn, gian khổ, trên hết là tình yêu
Tổ quốc, yêu nhân dân nồng nàn, sâu lắng và có những nét nổi trội khó có
thể thấy được ở những đội quân nào khác...
Trong niềm xúc động, tự hào đó, tôi xin dừng bài viết này bằng việc dẫn câu thơ của nhà thơ Vũ Cao, như một lời nhắn nhủ:
“Anh đi bộ đội sao trên mũ
Mãi mãi là sao sáng
dẫn đường...”
(Theo baodautu.vn)