Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Tin tức    Tin tổng hợp
Thứ năm, 02/07/2009 10:12
Hà Nội: Phân luồng lại giao thông - Chưa gỡ được “nút rối”
Người dân buộc phải đi vòng, xa, tốn xăng, mất thời gian... Đó là một vài hệ quả không mong muốn của việc phân luồng lại các nút giao thông trọng điểm ở Hà Nội diễn ra 1 tháng nay.
Theo ghi nhận của PV Dân trí, việc phân luồng lại giao thông ở một số tuyến đường, giao lộ hay ách tắc như: Nguyễn Chí Thanh - đường Láng - Trần Duy Hưng, Kim Mã, Nguyễn Trãi, Phố Huế - Bạch Mai - Trần Khát Chân - Đại Cồ Việt, Giải Phóng…, cái lợi có nhưng chưa nhiều; trong khi cái hại đã khiến nhiều người dân bức xúc.

Mất thời gian, bất tiện, tốn xăng…

Phương án của Sở GTVT Hà Nội trong cách thức tổ chức phân luồng giao thông là dùng dải phân cách cứng bịt ngã 3, ngã 4, sau đó mở ngã rẽ mới cách nút giao cắt cũ khoảng 100-200 mét. Tuy nhiên, việc tổ chức phân luồng cho đến nay chưa được nhiều người đồng tình, ủng hộ, đặc biệt là ở những tuyến đặc thù như Nguyễn Trãi và các giao lộ lớn.

Không thể phủ nhận việc phân luồng giao thông đã ít nhiều giảm tải được lưu lượng phương tiện và ùn tắc giao thông, đặc biệt là vào các giờ cao điểm, trên địa bàn Hà Nội. Song, từ khi bố trí các rào chắn barie và dải phân cách theo “hệ thống” thì giao thông lại có thêm những rối rắm không mong muốn.
 
Phân luồng giao thông tại ngã tư Nguyễn Chí Thanh - đường Láng - Trần Duy Hưng
 
Ngã tư Nguyễn Chí Thanh - đường Láng - Trần Duy Hưng là nút giao thông trọng điểm. Từ khi hệ thống rào chắn barie được thiết lập, người và phương tiện thực hiện lưu thông theo các hướng đi thẳng và đi vòng, cụ thể: đi thẳng hướng Nguyễn Chí Thanh - Trần Duy Hưng và ngược lại; hướng đi vòng từ đường Láng - Trần Duy Hưng - đường Láng và đường Láng -Nguyễn Chí Thanh - đường Láng. Nút giao thông Phố Huế - Bạch Mai - Trần Khát Chân - Đại Cồ Việt cũng phải lưu thông theo các hướng tương tự.

Theo ghi nhận của PV, khi lưu thông theo hướng đi vòng, người tham gia giao thông buộc phải di chuyển thêm vài trăm mét từ ngã tư đến ngã rẽ và từ ngã rẽ đến ngã tư để chuyển hướng lưu thông.

Anh Hiếu (ở quận Cầu Giấy) bày tỏ: “Tôi thấy phân luồng giao thông bằng rào chắn barie ở các ngã tư trọng điểm là không hợp lý. Ví như khi tôi lưu thông trên đường Láng đến Ngã Tư Sở sẽ không được đi thẳng luôn mà lại phải đi lòng vòng vào đường Trần Duy Hưng rồi lại trở ra đường Láng mới có thể đi tiếp hướng đường Láng - Ngã Tư Sở… Kiểu di chuyển như vậy rất mất thời gian, bất tiện và tốn xăng... ”.
 
Từ đường Láng bên này sang đường Láng bên kia phải đi vòng mấy trăm mét

Thực tế, việc đi vòng, đi xa đồng nghĩa với việc phương tiện tham gia giao thông bắt buộc phải tiêu hao thêm 1 lượng xăng xe nhất định tương ứng với quãng đường. Chỉ bằng phép tính nhẩm đơn giản cũng có thể tính ra số phí xăng xe mà người điều khiển phương tiện phải chi thêm vì việc phân luồng.

Trên đường Kim Mã, những ngã tư lớn như Kim Mã - Ngọc Khánh - Vạn Bảo, Kim Mã - Giang Văn Minh - Giảng Võ đã lập rào chắn, còn lối rẽ cho các phương tiện được bố trí ở ngã ba hoặc gần bến xe Kim Mã. Tuy nhiên, điều đáng bàn ở đây là các ngã rẽ này khá hẹp nên khi các phương tiện phía trước rẽ thì các phương tiện đi thẳng không thể lưu thông, khu vực bến xe Kim Mã vốn đã phức tạp lại “được” bố trí thêm lối rẽ nên chuyện ùn tắc lại thường xuyên xảy ra.

Bị cảnh sát bắt lỗi vì đèn chỉ dẫn bất cập

Nằm trong kế hoạch của Sở GTVT, hàng loạt rào chắn, dải phân cách được dựng lên trên đường Nguyễn Trãi. Những tưởng việc tổ chức giao thông như thế này sẽ mang lại nhiều cái lợi, nhưng sau 1 tháng phân luồng, rất nhiều người dân phải “kêu trời”.

Vốn dĩ đường Nguyễn Trãi có đặc thù là nhiều giao cắt và lối rẽ, nay các điểm giao cắt này đã được rào barie nhưng chính tại các giao lộ này hệ thống đèn giao thông vẫn hoạt động bình thường khiến người đi đường không biết nên dừng lại hay đi tiếp khi có đèn đỏ.

Bên cạnh đó, ở một số điểm giao thông không còn giao cắt còn có sự hiện diện của lực lượng cảnh sát giao thông. Theo đó, nếu khi đèn đỏ mà người điều khiển phương tiện vẫn đi tiếp thì sẽ bị cảnh sát bắt lỗi và lập biên bản.
 
Không còn điểm giao cắt, nhưng đèn chỉ dẫn vẫn hoạt động bình thường 24/24.

Chị Thái (ở quận Thanh Xuân) cho biết: “Tôi thấy có đèn đỏ ở điểm giao thông không còn giao cắt là vô lý nên vẫn đi thẳng nhưng ngay sau đó tôi bị bắt lỗi vượt đèn đỏ. Tôi thật không thể hiểu…”.

Ngược lại, trên đường Kim Mã, ở tất cả các giao lộ đã phân luồng, không có bóng dáng CSGT nên các phương tiện lưu thông cứ chạy suốt, còn hệ thống đèn chỉ dẫn thì bật xanh liên tục và hoạt động 24/24 gây lãng phí điện năng.

Trên đường Giải Phóng, ngã tư trước cổng bệnh viện Bạch Mai đã được xây dải phân cách cố định, tuy nhiên việc phân luồng tại điểm này lại không hề có biển chỉ dẫn phương tiện lưu thông đã khiến nhiều người phải ngơ ngác.

Ngoài ra, tại các ngã rẽ mới mở chưa có gờ giảm tốc, chưa có lối dành cho người đi bộ, biển chỉ dẫn đặt không đúng chỗ (biển quay đầu thì có rào chắn, hướng lưu thông đi thẳng thì lại có biển chỉ dẫn rẽ phải - PV) nên gây “khó” cho lưu thông.
 
CSGT vẫn "chốt" ở điểm không còn giao cắt nhưng còn đèn đỏ trên đường Nguyễn Trãi
 
Trước tất cả những bất cập trên, PV Dân trí đã nhiều lần đến Sở GTVT Hà Nội để ghi nhận thông tin phản hồi của đơn vị chức năng, nhưng sau rất nhiều nỗ lực và chờ đợi thì PV vẫn chỉ nhận được câu trả lời rằng: “Đã chuyển công văn, chưa có lịch làm việc, sếp đi họp…”.
 
Được biết, liên quan tới vấn đề này, Giám đốc Sở GTVT đã phê chuyển Thanh tra Sở này làm việc với Dân trí.


Theo Dân Trí


Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)