Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Tin tức    Tin tổng hợp
Thứ ba, 25/12/2012 08:53
Nặng tình với sách
Giữa nhịp sống ồn ào, huyên náo của khu phố cổ Hà Nội, ngôi nhà bốn tầng gắn biển hiệu "Nhà sách cũ số 5 Bát Ðàn" dường như trở nên lạc điệu. Nhưng thật bất ngờ, cửa hàng sách cũ ấy đã tồn tại suốt 30 năm, vượt qua dòng chảy thời gian để trở thành một địa chỉ không thể thiếu với những người yêu sách.


 
Ông Phan Trác Cảnh giới thiệu những cuốn sách cũ viết về Hà Nội.

Cách cổng nhà sách im ỉm khóa trái thoạt đầu làm tôi ngần ngại, chỉ khi được chủ nhân ngôi nhà - ông Phan Trác Cảnh mời vào, được hướng dẫn đi vòng qua phòng khách để lên cầu thang, cả thế giới sách hiện ra khiến tôi thỏa thuê, mê mẩn. Từng chồng sách cũ được bó ngay ngắn, xếp dọc lối đi tạo thành một vòng xoáy trôn ốc dẫn tôi lên thẳng thư phòng tầng ba, nơi có bộ tràng kỷ nằm chính giữa, lọt thỏm trong không gian bốn bề ngập tràn sách, thoang thoảng mùi giấy cũ. Chủ nhân nhà sách cũng toát lên phong thái thâm trầm, kín đáo, điềm đạm, kiệm lời tựa những bậc Nho gia xưa. Ông đưa tôi đi thăm một vòng quanh thư phòng. Góc này là báo và tạp chí xuất bản từ những năm đầu thế kỷ 20 với Ðông Dương tạp chí, Nông Cổ Mín Ðàm, Phong hóa, Sự thật, Cờ Giải phóng, Ðộc lập... Góc kia là những văn tự Hán Nôm, những cuốn sách nghiên cứu về văn học, âm nhạc dân tộc, âm nhạc tiền chiến... Ðồ sộ nhất phải kể đến kho tàng sách thuộc lĩnh vực Việt Nam học, trong đó có những cuốn là bản gốc mà chỉ mình ông mới có. Có cả những cuốn sách hơn 100 năm tuổi như Kỷ niệm về Huế của Parchichel (xuất bản năm 1867), hay Hán văn tân giáo khoa thư (xuất bản năm 1928)..., được ông luôn trân trọng nâng niu như báu vật. Tất cả các đầu sách đều được cẩn thận sắp xếp, phân chia theo từng thể loại, từng lĩnh vực, hoặc theo địa danh..., cho nên giữa núi sách ngồn ngộn, vị chủ nhân già vẫn có thể nói chính xác vị trí của từng quyển.

Ở một vị trí trang trọng của thư phòng là hơn 300 cuốn sách viết về Hà Nội. Sinh ra và lớn lên ở mảnh đất Thăng Long nghìn năm văn hiến, ông Cảnh đặc biệt có hứng thú tìm hiểu về văn hóa Hà Nội. Ông khoe với tôi cuốn sách cổ nhất viết về Hà Nội mà ông có, đó là cuốn Hà Nội chỉ nam của Nguyễn Bá Chính (in năm 1923), một cuốn dư địa chí chỉ dẫn tên phố, tên đường, các hiệu sách, quán ăn, điểm vui chơi của Hà Nội xưa. Tác phẩm được sưu tầm kỳ công nhất là trọn bộ Văn hóa tùng biên xuất bản tại Hà Nội từ năm 1951 đến năm 1954, mà ông mất tới năm năm mới tập hợp đầy đủ. Trong đó, cuốn được ông đọc đi, đọc lại nhiều lần là Chuyện Hà Nội của Vũ Ngọc Phan (xuất bản năm 1941), một tác phẩm mà theo ông, có cái nhìn rất tinh tường và sâu sắc khi đề cập đến những góc khuất của Hà Nội.

Với ông, sách là duyên và đồng thời cũng là nghiệp. Cái nghiệp ấy "vận" vào ông từ những ngày còn thơ bé, kể từ khi ông đặc biệt say mê những áng văn chương của Tự lực văn đoàn, cho tới khi ông trở thành giáo vụ của Trường đại học Tổng hợp, rồi về hưu vào năm 1983 và mở thư viện sách cũ. Ðến nay, ông vẫn không quên những tháng ngày dành dụm từng đồng lương, từng bữa sáng, từng bao thuốc lá, đến các điểm bán sách báo cũ trên phố Phan Ðình Phùng, phố Ngô Thì Nhậm... để mua sách. Chiếc xe máy cà tàng còn theo ông về tận Bắc Ninh, Hà Nam, Nam Ðịnh... để thu thập những sách quý. Nói về quãng thời gian vất vả, nhưng đôi mắt của ông vẫn ánh lên niềm vui sướng và tự hào tột độ, bởi với ông, không có gì hạnh phúc hơn cảm giác tìm thấy đầy đủ một bộ sách, nhất là những sách quý không tái bản, hoặc vẫn còn nguyên chữ ký của tác giả. Hơn 30 năm tìm kiếm và đau đáu nỗi niềm với sách đã cho ông một gia tài vô giá, đó là hàng vạn cuốn sách quý mà đến ngay cả chủ nhân của nó cũng không thể thống kê chính xác số lượng, chỉ ước chừng nặng khoảng mười tấn. Sống trong thời đại công nghệ thông tin, người ta vẫn hay lo lắng về sự mai một của nền văn hóa đọc, nhưng ông Phan Trác Cảnh vẫn tự tin, văn hóa đọc sẽ không bao giờ mất được, bởi được tiếp cận, cảm nhận cái "hồn sách" ẩn trong chất giấy cũ sờn đen là thứ cảm giác đặc biệt, mà không một phương tiện nào có thể thay thế.

Là người bán sách, nhưng cũng là người sưu tầm sách, cho nên ông luôn trân trọng, quý mến những bạn đọc yêu sách. Giáo sư Phan Huy Lê là một trong những người bạn thường xuyên đàm đạo chuyện sách cùng ông. Suốt nửa đời gắn bó với thư viện sách cũ, có biết bao kỷ niệm vui buồn, nhưng ông nhớ nhất là kỷ niệm đã lâu với một người khách Nhật Bản. Năm đó, khi vừa tìm được cuốn sách viết về lịch sử Việt Nam ở thư viện của ông, người khách này đã vui sướng đến trào nước mắt, hôn lia lịa lên bìa sách. Cảm giác xa lạ với một vị khách nước ngoài bỗng nhiên tan biến, thay vào đó là sự thân tình, gần gũi được kết nối bởi niềm đam mê chung dành cho sách... Ông còn kể cho tôi nghe câu chuyện về lá thư được gửi đi từ trại giam Vĩnh Quang (Vĩnh Phúc) của một chàng trai trẻ cách đây vài năm. Từng dòng chữ nắn nót, ngay ngắn và chân thật bày tỏ nguyện vọng muốn được xin ông vài cuốn sách cũ để khai sáng tri thức và lương tri đã khiến ông vô cùng xúc động. Ông trân trọng chọn lựa rồi đóng gói cẩn thận những cuốn sách gửi về địa chỉ được ghi trong lá thư, với mong muốn chàng trai trẻ và những người như anh sớm hoàn lương...

Sắp bước sang tuổi 80, nhưng ông Phan Trác Cảnh vẫn chưa cho phép mình được nghỉ ngơi. Bên cạnh công tác sưu tầm, tuyển lựa sách, ông còn tự mình biên soạn những tuyển tập sách quý để mục đích phục vụ công tác nghiên cứu, thống kê, gìn giữ, lưu truyền. Ðáng kể nhất phải kể đến các công trình: Người Mường ở Việt Nam (đã biên soạn đến tập 15), Chợ Việt Nam (đã biên soạn đến tập 3), Hát Ả đào (đã biên soạn đến tập 4), Nghiên cứu về người Hoa ở Việt Nam (đã biên soạn đến tập 13), Dân tộc Chăm-pa bằng tiếng Việt, tiếng Anh và tiếng Pháp (đã biên soạn đến tập 50), Cuộc Nam tiến của dân tộc Việt Nam (đã biên soạn đến tập 3)... Ông nói, còn vài năm nữa, khi người con trai lớn của ông nghỉ hưu sẽ tiếp nối ông quản lý, chăm nom thư viện sách cũ này... Ông Phan Trác Cảnh đã trở thành một trong 36 chân dung tiêu biểu nhất của Thủ đô được giới thiệu trong cuốn Người Hà Nội do NXB Thế giới phát hành nhân kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, như sự ghi nhận về một con người luôn nặng tình với sách.




(Theo nhandan.org.vn)
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)