Đã thành thói quen, tối nào chị Liên cũng đọc truyện cho con gái 4 tuổi
trước khi ngủ vì theo chị tập cho trẻ đọc sách sớm sẽ dễ hình thành
niềm đam mê sách cho con sau này. Vậy là từ khi con vài tháng tuổi, chị
đã ngâm nga kể những mẩu chuyện dân gian thần tiên, huyễn hoặc. Con lớn
thêm chút nữa, chị mua rất nhiều các loại sách, truyện tranh, truyện cổ
tích về đọc. Mỗi tối, chị đều dành nửa tiếng kể vài chuyện cho con dễ đi
vào giấc ngủ.
"Tôi lựa sách rất cẩn thận, luôn lựa mua của nhà xuất bản có tiếng.
Ngay cả khi đọc, tôi cũng chỉ chọn những mẫu chuyện đơn giản, nhẹ nhàng,
có bài học phù hợp với độ tuổi của con", chị nói.
Dù vậy, chị Liên không thể nghĩ, cô con gái 4 tuổi của mình lại "nhát"
như vậy. Tối qua, chị đọc cho con nghe truyện Nàng Bạch Tuyết và 7 chú
lùn, mô típ nàng công chúa xinh đẹp và mụ phù thủy không có gì đáng nói.
Tuy nhiên, trong mẩu chuyện này của nhà xuất bản Dân Trí có chi tiết mụ
phù thủy sai bác thợ săn giết Bạch Tuyết. Văn phong đoạn này khiến chị
Liên cũng ghê sợ:
"...Người đi săn vâng lệnh đem cô bé đi. Khi bác lấy dao ra chọc tiết
thì cô bé vô tội van khóc... Lúc đó một con hoẵng nhảy tới, bác giết con
hoẵng, lấy tim gan về nộp cho hoàng hậu, nói dối là tim gan Bạch
Tuyết. Người đàn bà độc ác đó sai đầu bếp xào xáo cho mụ ăn. Mụ đinh
ninh đó là tim gan Bạch tuyết, ăn kỳ hết".
Vì chăm chú vào câu chuyện nên đọc đến đoạn này chị cũng chăm chú hơn,
giọng đọc cao hơn. Có lẽ vì thế, chị thấy con gái la lên, lấy tay che
mặt. Rồi tối đó, cháu bị ám ảnh, mơ ác mộng.
 |
Không ít bậc phụ huynh đặt ra câu hỏi liệu truyện cổ tích có còn thích hợp với trẻ. |
Nghe lời khuyên của mấy người hàng
xóm, chị Hải (bán hàng ở chợ Mỹ Đình) cũng tìm mua mấy cuốn cổ tích cho
cu Bốp con chị bớt nghịch khi ở nhà cùng bà giúp việc.
Cu Bốp 6 tuổi, khá năng động. Cậu thích được nghe mẹ đọc truyện nhưng
thường chỉ thích đọc đi, đọc lại những truyện quen thuộc. Trong đó cậu
thích nhất là truyện Nói dối như Cuội và học theo tính cách nhân vật này.
Bố mẹ bận đi làm, Bốp thường ở nhà cùng bác giúp việc. Dạo này Bốp rất
thường bày trò trêu bà giúp việc như nhốt bà trong nhà tắm, đổ nước
xuống sàn làm bà bị ngã, hay là vứt đồ đạc ra nhà vừa dọn xong.
"Hôm qua đi làm về, mình thấy bác giúp việc bị ngã trên sàn, còn con
mình đứng bên cười khúc khích. Mình tức quá tạt mông con vài phát. Thằng
bé mếu máo 'Cho mẹ, cho bà vào rọ trôi sông, con bay lên trời làm
Cuội".
Chị Hải lờ mờ nhận ra, con mình đang học theo các trò thông manh của
nhân vật Cuội và làm y hệt. "Câu chuyện này chỉ đơn giản là các trò Cuội
hại người, cuối cùng lại còn được làm vua. Đáng lẽ mình không nên cho
con đọc các truyện không có bài học thế", chị Hải cho biết thêm.
Một bạn đọc tên Ngân tâm sự chị rất khó khăn để lựa chọn truyện cho con.
Cụ thể, thời gian qua báo chí phản ánh các yếu tố bạo lực, sex quá
nhiều trong truyện tranh, dễ ảnh hưởng đến con trẻ, chị quyết không lựa
chọn. Thay vào đó, chị mua những cuốn truyện cổ tích chọn lọc của nhà
xuất bản có uy tín.
"Tôi mang truyện về đọc hết một lượt rồi mới dám đọc cho con. Thật
không ngờ hầu như truyện nào cũng có bạo lực, chém giết, câu từ vô cảm,
nhiều chi tiết lạ lùng. Truyện cổ tích ngày xưa tôi đọc đâu có thế", chị
Ngân bày tỏ.
Bà mẹ hai con dẫn chứng, trong truyện Cô bé lọ lem mới có các
tình tiết ngày xưa chị đọc không có như cô chị ghẻ của Lọ Lem cắt ngón
chân, gót chân, chặt bàn chân cho vừa chiếc giầy làm hoàng hậu, hay bầy
chim mổ mắt các cô chị ghẻ.
"Một số phiên bản của truyện Cô bé quàng khăn đỏ quá nhảm nhí,
vô cảm như để con sói hiếp dâm và ăn thịt hai bà cháu cô bé quàng khăn
đỏ. Những truyện như Nàng Tô thị, Hòn Vọng phu hay Sự tích ông đầu rau
có chứa các yếu tố loạn luân, trái với luân thường đạo lý, tuyệt đối
không được cho trẻ đọc", chị Ngân nói.
Bà mẹ trẻ băn khoăn không biết các yếu tố bạo lực trong truyện có ảnh
hưởng gì tới con và nên lựa chọn cho con đọc các loại truyện như thế
nào? Truyện cổ tích liệu có còn phù hợp với trẻ?
"Có người phân tích trẻ sẽ bị ảnh hưởng, sợ sệt hay học theo các tình
tiết, văn phong bạo lực, có người lại bảo không cần lo lắng vì trẻ còn
nhỏ không biết gì. Hoặc nếu có biết cũng để trẻ học được tư tưởng ở hiền
gặp lành, ở ác gặp ác của người xưa. Tôi không biết nên thế nào?", chị
Ngân mong muốn có được câu trả lời.
Trước tiên để an toàn cho sự phát triển của hai con, bà mẹ này đều phải
"kiểm duyệt" các truyện, tức lựa chọn, đọc trước các truyện, thậm chí
là thêm bớt, hay sửa nội dung của một số câu chuyện.