
Trong 12 ngày cuối năm 1972, giữa mưa
bom bão đạn, dưới đề mục "Viết tại chỗ về Hà Nội - Điện Biên Phủ", Báo
Nhân Dân đã giới thiệu những kỳ tích anh hùng của Hà Nội 12 ngày đêm
chiến đấu kiên cường, chiến thắng oanh liệt qua những bài viết ngắn gọn
xúc tích của nhiều nhà văn có tên tuổi cũng như của công nhân, cán bộ,
trí thức… Trận chiến vừa kết thúc, Sở Văn hóa - Thông tin Hà Nội đã chọn
21 bài trong chuyên mục này để in thành sách "Hà Nội - Điện Biên Phủ".
Và sau khi Hiệp định Paris được ký kết năm 1973, Nhà xuất bản Phổ thông
(tiền thân của NXB Văn hóa - Thông tin) tập hợp một số bài viết trong
chuyên mục "Hà Nội - Điện Biên Phủ" của Báo Nhân Dân và bổ sung in thành
tập "Những người chiến thắng".
Trực tiếp và gần như vẹn nguyên cảm xúc của sự kiện, những bài viết
trong hai cuốn sách này đã mang theo không khí của Hà Nội một thời kỳ
không thể nào quên.
Ngày ấy, người Hà Nội đi sơ tán, cửa nhà khép vội, mấy hôm sau trở về mà
đồ đạc không hề suy xuyển; xe đạp của ai để quên bên đường qua đêm cũng
không bị mất. "Vợ chồng bác Viễn mừng rối rít vì bốn con vịt đã được
anh em bảo vệ bắt nhốt lại không thiếu con nào" (Hàng xóm nhìn nhau thắm
thiết hơn của Chu Văn Mẫn). GS Tôn Thất Tùng kể lại trong bài "18 năm
sau Điện Biên Phủ", trong lúc khó khăn nhất, "không có nữ y tá nào vắng
mặt trong giờ cao điểm, và ngay các chị bị vùi lấp ở khu Khâm Thiên cũng
kịp thời chui ra để vào làm việc ngay đêm ấy". Nhà văn Tô Hoài, khi đó
làm trưởng ban đại diện "Ở một khối phố", cho hay: "Chúng tôi đem các
dụng cụ và túi cứu thương để sẵn bên bờ tường. Những cái cặp gập để bó
gãy xương, những câu liêm và gầu tát nước chữa cháy, những chiếc cuốc
chim để moi và cứu sập". Trong bài "Một người mẹ trẻ", tác giả Đoan
Phượng làm người đọc bàng hoàng: chị Hạnh ở An Dương có con chết vì bom
B-52. Hàng xóm sợ chị đau đớn ngất đi, nhưng chị đã lặng lẽ nhặt trong
đống đổ nát áo len, áo sợi, cả đôi tất ni-lông nho nhỏ mua bằng tiền
thưởng năng suất vừa qua rồi gói lại thành một bọc, mang đến gặp ban đại
biểu khối phố và nói: "Tôi muốn giúp các cháu mồ côi vì bom Mỹ bằng
chính quần áo của con tôi nay không còn nữa!". Nhà văn Sơn Tùng, trong
"Ba nét tình người" kể chị Thân ở Ngõ Chợ Khâm Thiên, có con chết bom
đêm 26-12, nhưng sáng hôm sau người ta vẫn thấy chị nén nỗi đau ngồi sau
quầy bán gạo, "vì cuộc sống của dân, cửa hàng không thể nghỉ!". Một em
gái nhỏ, chít khăn tang, nhỏ nhẹ nói với chị: "Cô ơi, cô ghi cho cháu
hai suất gạo. Nhà cháu có bảy người nhưng bị chúng giết mất năm rồi",
"Cô ơi, cô đừng xóa tên người nhà cháu. Cháu muốn giữ quyển sổ này mãi
cô ạ". Chi tiết này đã trở lại với sức truyền cảm mãnh liệt trong bộ
phim "Em bé Hà Nội" vào hai năm sau đó.
40 năm đã qua, đọc mỗi trang viết trong "Hà Nội - Điện Biên Phủ", chúng
ta vẫn thấy ngồn ngộn thực tế sinh động của cuộc chiến đấu hào hùng. Từ
trong đau thương, mất mát vẫn ánh lên đạo lý và lòng thương người như
thể thương thân của cả triệu người dân Thủ đô khi đó. Những trang viết
quý giá ấy đã trở thành "sử biên niên", có tác dụng gợi mở sáng tác cho
văn nghệ sĩ, không chỉ là hôm qua, hôm nay mà cho cả ngày mai.