 |
Tới dự Lễ dâng hương có Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị, Phó Thủ
tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim
Ngân, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo, Chủ tịch HĐND
Thành phố Hà Nội Ngô Thị Doãn Thanh cùng đại diện các sở, ban, ngành của
Trung ương và Hà Nội, đông đảo các tầng lớp nhân dân Thủ đô.
Cách đây tròn 40 năm, trong 12 ngày đêm máu lửa, không quân Mỹ đã giết
hại gần 300 dân thường vô tội của Thủ đô, trong đó có nhiều người già,
trẻ em và Khâm Thiên là một trong khoảng 100 địa điểm đã phải hứng chịu
sự tàn phá nặng nề của bom đạn Mỹ.
Phát biểu tại lễ tưởng niệm, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị đã
xúc động nhớ lại những ngày tháng hào hùng năm xưa, bồi hồi tưởng nhớ
tới những công dân của Hà Nội đã ngã xuống trong những ngày cuối tháng
12/1972.
Bí thư cho biết, chiến thắng Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không lịch sử
là chiến thắng của tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, là
bản anh hùng ca bất tử trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của
dân tộc ta, một mốc son chói lọi được lớp lớp cán bộ, chiến sĩ và nhân
dân Thủ đô viết nên bằng lòng dũng cảm vô song và bản lĩnh trí tuệ sáng
ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam và bằng cả những hi sinh,
mất mát và đau thương vô cùng to lớn.
 |
Trong 12 ngày đêm ấy, mặc dù đế quốc Mỹ đã điên cuồng tiến hành cuộc tập
kích chiến lược bằng siêu pháo đài bay B52 nhưng chúng đã không thể đè
bẹp được ý chí quật cường, tinh thần yêu nước, bất khuất của quân và dân
Hà Nội, của dân tộc Việt Nam anh hùng. Biến đau thương thành sức mạnh
để trả thủ cho đồng bào Khâm Thiên và những công dân của Hà Nội đã ngã
xuống vì bom đạn của kẻ thù, trong 12 ngày đêm chiến đấu quả cảm, quân
và dân Thủ đô đã bắn rơi 81 máy bay các loại, trong đó có 34 siêu pháo
đài bay B52, lập nên chiến công vĩ đại. Ý chí tinh thần quyết thắng của
quân dân Hà Nội thực sự là pháo đài thép được thế giới tôn vinh là thành
phố của lương tri và phẩm giá con người.
Tự hào về chiến thắng Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không, cảm phục những
người dân Hà Nội đã kiên cường vượt lên đau thương, thử thách, sự hi
sinh, mất mát của những người đã ngã xuống ngay tại địa danh Phố Khâm
Thiên, chứng tích lịch sử, Bí thư khẳng định, các thế hệ người Hà Nội
hôm nay quyết tâm đem hết sức lực, trí tuệ cùng đoàn kết chung sức xây
dựng Thủ đô thân yêu ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại, xứng đáng
với những người đã ngã xuống và với sự tin yêu của đồng bào cả nước.
Sau phát biểu của Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị, lãnh đạo Đảng, Nhà
nước, Thành phố cùng đại diện các lực lượng vũ trang, nhân dân, các cơ
quan, đoàn thể… của Hà Nội đã dành một phút mặc niệm và dâng hương trước
Đài tưởng niệm.
 |
Có mặt trong dòng người đang xúc động dâng nén hương thơm trước đài
tưởng niệm vong linh những người đã ngã xuống, bà Lê Thị Minh Huệ, 70
tuổi, một nhân chứng lịch sử cho biết, trong 12 ngày đêm ấy, bà là một
bác sĩ quân y, được giao chuẩn bị cơ số thuốc cấp cứu chấn thương, trực
chiến đề phòng máy bay Mỹ oanh tạc.
Khoảng 21h ngày 26/12/1972, bà nghe tiếng còi báo động của Thành phố,
tiếng phát thanh viên trên hệ thống loa thúc giục mọi người xuống hầm
trú ẩn. Một lúc sau, chưa nghe tiếng máy bay Mỹ, bà đã thấy hệ thống
súng phòng không của bộ đội bảo vệ Thủ đô đan lưới lửa chi chít lên bầu
trời và những con rồng lửa của bộ đội tên lửa từ nhiều phía xé gió vun
vút bay lên. Rồi nhà đất rung chuyển, tiếng nổ dồn vang, khói lửa bốc
lên mù trời, điện mất…. Bà được đồng chí trực chiến cho biết, máy bay
B52 Mỹ đã ném bom rải thảm ở Khâm Thiên bên số lẻ, từ Ô Chợ Dừa qua Ngõ
chợ Khâm Thiên, nơi dân cư đông đúc nhất.
Được lệnh cử đi cấp cứu, giúp dân, bà Huệ đã khẩn trương xuống địa bàn.
Ập vào mắt bà là cảnh người dân kêu khóc gọi nhau, cảnh đào bới cứu
người bị sập hầm, cứu cột điện bị sập đổ, ngổn ngang người chết, người
bị thương, những mảnh thịt, cánh tay bị đánh văng vì bom đạn… Chỉ trong
đêm ấy, bà cũng đã mất đi 10 người thân yêu.
Đứng trên nền ngôi nhà 51 Khâm Thiên, nay là Đài tưởng niệm với hình
tượng người mẹ trẻ giang hai tay đỡ đứa trẻ bị giặc Mỹ sát hại, bà không
ngăn được nước mắt nhớ lại, đêm ấy, ngôi nhà này cũng bị trúng bom. Khi
nhân dân tới cứu sập ngôi nhà, họ đã tìm thấy xác người mẹ trẻ và đứa
con còn nguyên vẹn. Người mẹ khi đó đang chui vào gầm cầu thang để cứu
con, đúng lúc trúng bom Mỹ và hai mẹ con đã chết trong tư thế ôm nhau
che chở.
Câu chuyện của bà Huệ khiến người nghe ai cũng bùi ngùi. Em Nguyễn Hương
Giang, học sinh lớp 8C Trường THCS Huy Văn, cũng tham gia dâng hương
tại Lễ tưởng niệm cho biết, hôm nay tới đây, em đã hiểu thêm và càng tự
hào hơn về truyền thống hào hùng của ông cha. Là một người con của Thủ
đô, em sẽ cố gắng học tập thật tốt để không phụ sự hi sinh của những
người đã ngã xuống cho Hà Nội, đất nước có ngày độc lập, thống nhất hôm
nay.