Số phận trớ trêu của hai nhà văn đoạt giải Nobel
Nauy mới đây đã nhận chức chủ tịch Tổ chức đặc nhiệm
quốc tế về Giáo dục, Hồi tưởng và Nghiên cứu Holocaust. Nước này đồng
thời cũng triển khai kế hoạch lấy năm 2009 làm năm tưởng niệm cuộc đời
và sự nghiệp của một trong những người nhiệt tình ủng hộ Đức Quốc xã.
Đó chính là Knut Hamsun (1859-1952), tác giả của những tiểu thuyết nổi tiếng như Hunger, Pan và Growth of the Soil,
người từng đoạt giải Nobel năm 1920. Trong số các tác phẩm của Hamsun,
Joseph Goebbels - Bộ trưởng Tuyên truyền của Đức quốc xã - đặc biệt mê Growth of the Soil. Chính Goebbels đã dịch và xuất bản cuốn sách thành một ấn phẩm đặc biệt để binh lính Đức đọc trong Thế chiến II.
Đáp trả lại sự ân sủng này, Hamsun bày tỏ thái độ
hoan hỉ chào đón Đức quốc xã vào chiếm đóng Nauy. Ông từng hai lần có
các cuộc gặp cá nhân với Goebbels và Adolf Hitler. Năm 1943, nhà văn
còn gửi giải thưởng Nobel, như một món quà, tặng Goebbels.
 |
Nhà văn Knut Hamsun. |
Thế chiến II kết thúc, Hamsun bị bắt vì tội phản bội
nhưng không phải ra tòa vì ông được chứng thực "gặp phải những bất ổn
về thần kinh". Tất nhiên, nhà văn cũng phải nhận những hình phạt nhất
định vì ông còn là thành viên của Nasjonal Samling - một đảng phát xít
ở Nauy.
Tất cả những điều đó không ngăn cản chính phủ Nauy
trong việc tổ chức Năm Hamsun 2009. Sự kiện kỷ niệm 150 năm ngày sinh
Hamsun này diễn ra với hàng loạt hoạt động lớn, các cuộc triển lãm, xây
tượng đài và in hình ông trên đồng tiền xu của Nauy.
Nữ hoàng Nauy Sonja chính là người tham gia khởi động
chuỗi sự kiện này. Trong số tư liệu của Hamsun được đưa ra trưng bày,
thậm chí có cả một bài viết, trong đó nhà văn ca ngợi, Hitler là "một
chiến binh của nhân loại, một vị tiên tri mang đến sự công bằng cho mọi
quốc gia".
Nữ hoàng phát biểu: "Tôi cho rằng, chúng ta đồng thời phải nghĩ đến cả hai chuyện này".
"Cả hai chuyện này", rõ ràng, theo ý bà, là chuyện
Hamsun với tư cách là một nhà văn và Hamsun với tư cách là kẻ ủng hộ
Đức Quốc xã. Còn ý nghĩ thứ ba nảy ra với chúng ta là, thực tế, gia
đình Hoàng gia từng phải chạy trốn khỏi Nauy trong khi Hamsun, đang
dang rộng vòng tay, đón Đức quốc xã vào chiếm đóng nước này.
Sự trớ trêu này sẽ càng bật nổi hơn nếu so sánh với thái độ mà Hoàng gia Nauy dành cho Sigrid Undset, nhà văn đoạt giải Nobel năm 1928, người kịch liệt lên án Đức Quốc xã.
 |
Nhà văn Sigrid Undset. |
Undset (1882-1949) nổi tiếng với bộ ba tiểu thuyết Kristin Lavransdatter.
Tất nhiên, Joseph Goebbels không ưa gì các tác phẩm của bà. Năm 1940,
Undset phải rời bỏ Nauy để tránh sự săn đuổi của Đức Quốc xã. Nhà văn
cư trú tại New York. Bà trở thành đồng chủ tịch của Ủy ban khẩn cấp cứu
người Do thái ở châu Âu - một tổ chức từng gây áp lực buộc chính quyền
Roosevelt phải ra tay cứu người Do Thái trước sự sát hại của Đức Quốc
xã.
Thế nhưng, chính quyền Oslo chưa hề có kế hoạch tổ
chức năm Undset, không có dự định xây tượng đài hay mở triển lãm nhằm
ghi nhớ đóng góp của bà. Chừng đấy thiếu sót đã đủ tệ. Nhưng mọi việc
càng trở nên mỉa mai hơn khi Nauy nhận chức chủ tịch Tổ chức đặc nhiệm
quốc tế về Giáo dục, Hồi tưởng và Nghiên cứu về Holocaust có sự tham
gia của 26 quốc gia châu Âu nhằm nâng cao ý thức của các thế hệ sau về
tội ác của Đức quốc xã.
Trong một bài phát biểu vào tuần trước, tiến sĩ
Manfred Gerstenfeld, chủ tịch Trung tâm Jerusalem đã đặt ra nghi vấn về
sự thích hợp của Nauy trong vai trò chủ tịch Tổ chức đặc nhiệm quốc tế
về Giáo dục, Tưởng nhớ và Nghiên cứu về Holocaust: "Quốc gia này không
xứng đáng đảm nhận một vị trí như vậy khi mà trong cùng một năm, họ lại
tổ chức ngợi ca một người ngưỡng mộ Đức quốc xã như Hamsun",
Gerstenfeld viết.
Trong những năm 1940, Undset và Hamsun đã có sự lựa
chọn riêng: Undset đứng về phía lẽ phải; Hamsun đứng về phía cái ác.
Ngày nay, Nauy cũng phải lựa chọn, giữa tôn vinh Holocaust và báng bổ
nó. Họ không thể đồng thời muốn cả hai.
Theo VnExpress