
Dấu tích “đường nước” lớn thời Lý. Ảnh: Vũ Hoa
Di tích có giá trị
Cuộc khai quật đã tìm ra dấu tích kiến trúc thời Lý mà các nhà khảo cổ
tạm gọi là "đường nước" lớn rộng 2m, cao 2m, được xây bằng gạch vuông,
gạch bìa, cọc gỗ chạy suốt chiều Đông - Tây của hố khai quật; dấu tích
móng tường chạy song song với "đường nước", rộng 1,6m. Dấu tích kiến
trúc thời Trần cũng được phát lộ, gồm dải trang trí "hoa chanh" nằm trên
móng tường thời Lý; hệ thống cống thoát nước với hai nhánh chạy dọc
theo hướng Bắc - Nam và Đông - Tây nằm trên "đường nước" thời Lý; dấu
tích bó nền dài 4,7m chạy theo chiều Đông - Tây; hệ thống móng đầm và
móng trụ tạo thành hai hàng đối xứng từng cặp chạy dài theo chiều Đông -
Tây. Các nhà khoa học cũng phát hiện ra dấu tích kiến trúc thời Lê với
nền gạch vuông, gạch vồ màu xám và màu đỏ; dấu tích kiến trúc thời
Nguyễn với cống thoát nước dài 2m, rộng 1,1m gồm hai thành cống được xếp
bằng đá xanh và gạch vồ xám.
Theo PGS-TS Tống Trung Tín, Viện trưởng Viện Khảo cổ học, kết quả khai
quật một lần nữa khẳng định tầng văn hóa Thăng Long - Hà Nội rất dày ở
độ sâu từ 0,5m đến 4,2m. Các lớp văn hóa từ thời Lý đến thời Nguyễn đan
xen và chồng xếp lên nhau nằm ở vị trí trục trung tâm Hoàng thành. Cuộc
khai quật cũng khẳng định sân gạch vồ lát từ khu vực Đoan Môn có thể lan
rộng đến phía trước nền điện Kính Thiên.
TS Tống Trung Tín cho biết thêm, các nhà khoa học cũng đã tìm thấy dấu
tích kiến trúc của hai thời kỳ khác nhau trong thời Trần chồng lên nhau.
Cụ thể, lớp kiến trúc thời Trần phía trên đã xuất lộ gồm có 5 móng trụ
hình tròn và hình vuông, bó nền bằng gạch bìa nhỏ, sân nền gạch vuông,
dự đoán thuộc thời Trần muộn (thế kỷ XIV). Lớp kiến trúc thời Trần phía
dưới gồm một cống nước chạy theo hướng Bắc - Nam và có nhánh chạy về
phía Tây đổ nước vào lòng "đường nước" lớn thời Lý. Miệng cống có lót
một viên gạch hoa mang phong cách nghệ thuật điển hình của thời Trần thế
kỷ XIII.
Còn nhiều câu hỏi
Cuộc khai quật đã làm rõ hơn cấu trúc móng của kiến trúc thời Lê với hai
rãnh thoát nước ở hai bên. Đặc biệt, trong lớp móng này có nhiều mảnh
gốm sứ thời Lê sơ, Lê Trung hưng nên giới khảo cổ học nảy sinh hai ý
kiến về niên đại. Đây có thể là móng thời Lê sơ được thời Lê Trung hưng
sử dụng lại hay đây là móng thời Lê Trung hưng xây dựng mới trên cơ sở
thời Lê sơ?
Đây cũng là lần đầu tiên các nhà khoa học tìm thấy dấu tích kiến trúc
thời Lý đích thực ở khu vực bắc Đoan Môn. "Đường nước" lớn xây bằng gạch
"khổng lồ" chưa bao giờ thấy trong bất cứ di tích khảo cổ nào ở Việt
Nam. Việc kích thước quá lớn, xây dựng rất kỳ công của di tích khiến cho
giới nghiên cứu đặc biệt chú ý và tìm cách lý giải quy mô, chức năng
của nó. Hiện tại có 4 giả thiết. Thứ nhất, đó là "đường nước" có liên hệ
chặt chẽ với móng tường nhằm phục vụ cho việc thoát nước của một khu
vực quan trọng thuộc trung tâm Hoàng thành Thăng Long thời Lý. Giả thiết
thứ hai, đó là dấu tích tâm linh có quan hệ chặt chẽ đến phong thủy của
khu vực trung tâm Hoàng cung thời Lý. Giả thiết ba, đó là một loại dấu
tích có chức năng đặc biệt nào đó có quan hệ trực tiếp tới các vua Lý mà
hiện nay chưa thể lý giải ngay được. Giả thiết bốn không cho đây là
"đường nước" vì kích thước quá lớn mà có thể là dấu tích móng nền kiến
trúc lớn của khu vực trung tâm Hoàng thành thời Lý.
Một hiện tượng khảo cổ học đáng chú ý nữa là việc tìm thấy rất ít các
mảnh gốm sứ tại đây. Theo chuyên gia nghiên cứu các kinh đô Nhật Bản,
trong hoàng cung, những cung điện quan trọng liên quan tới các nghi lễ
đại triều quốc gia thường tìm thấy rất ít đồ gốm sứ. Phải chăng khu vực
đang khai quật thuộc vị trí trung tâm trên trục trung tâm của Hoàng cung
thời Lý? Nếu như vậy thì dấu tích kiến trúc Đoan Môn thời Lý, Trần ở
đâu? Phải chăng nó sẽ dịch lên phía Bắc hoặc phía Nam của "đường nước"
thời Lý? Đó vẫn là những câu hỏi chưa có lời giải.
Theo TS Tống Trung Tín, sau khi xử lý xong hiện trường, các nhà khoa học
sẽ phủ giấy mec và lấp lại hố khai quật để bảo vệ an toàn cho di tích.
Tuy nhiên, PGS-TS Trần Đức Cường, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học (Viện
Khoa học xã hội Việt Nam) cho rằng, phương án lấp đất là vạn bất đắc dĩ.
Theo ông, chỉ còn hơn một tháng nữa là đến Tết Âm lịch, nên tạo điều
kiện để người dân được vào tham quan ít nhất là trong dịp Tết vì đây
cũng là một cách hay để bảo tồn di tích.