Năm 2012 được đánh giá là năm thắng lợi của di sản Việt Nam. Đầu tiên là
Vịnh Hạ Long đón nhận bằng công nhận danh hiệu Kỳ quan thiên nhiên thế
giới mới do Tổ chức New7Wonders trao tặng (4-2012). Tháng 6-2012, Việt
Nam tiếp tục đón nhận tin vui khi tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương (Phú
Thọ) được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của
nhân loại. Một di sản khác là Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm (Bắc Giang) được
công nhận là Di sản Tư liệu ký ức thế giới khu vực châu Á- Thái Bình
Dương. Hiện, UNESCO đang xem xét chuẩn bị đề nghị đưa đàn đá, kèn đá Tuy
An của Việt Nam trở thành di sản Văn hóa.
Ngày Di sản Việt Nam diễn ra vào 23-12 cũng là một trong những sự kiện
đáng nhớ với loạt hoạt động tôn vinh những giá trị của di sản Việt Nam.
Trong đó, nổi bật là sự kiện khánh thành quần thể di tích văn hoá Chăm
tại Hà Nội.
Chuỗi hoạt động văn hoá, nghệ thuật kỷ niệm 40 năm “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”
 |
Làng hoa Ngọc Hà, nơi ghi dấu chiến công hiển hách của quân, dân Thủ đô bắn rơi máy bay B52 của Mỹ |
Với những chương trình lớn như “Vang mãi bản hùng ca”, “Hà Nội - Điện
Biên Phủ trên không”; các cầu truyền hình “Huyền thoại Hà Nội – Điện
Biên Phủ”, “Bản hùng ca Hà Nội”… Đây là sự kiện chính trị lớn, ôn lại
truyền thống hào hùng của người dân Hà Nội và cả nước trong sự kiện
chiến thắng “ Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” (12-1972/12-2012).
Đặc cách trong xét giải thưởng về văn học nghệ thuật
Trong đó 2 nhạc sĩ đã được trao giải thưởng Hồ Chí Minh, 27 nhạc sĩ được
giải thưởng Nhà Nước cùng 4 Nghệ sĩ Nhân dân, 29 Nghệ sĩ Ưu tú và 4 Nhà
giáo Ưu tú cho chuyên ngành âm nhạc. Trước lễ trao giải thưởng này diễn
ra, báo giới tốn khá nhiều giấy mực về giải thưởng với khá nhiều chuyện
tranh luận trong việc xét chọn gương mặt xứng đáng. Nhạc sĩ Phạm Tuyên
sau khi không có tên trong danh sách đề cử đã được xét đặc cách nhận
giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học, nghệ thuật.
Liên hoan phim Quốc tế hà Nội
Tháng 11/2012, Bộ Văn hóa, Thể thao, Du lịch chỉ đạo Cục Điện ảnh VN
triển khai tổ chức Liên hoan phim (LHP) Quốc tế Hà Nội lần 2, sau 2 năm
kể từ khi LHP Quốc tế Hà Nội đầu tiên được tổ chức năm 2010, nhân kỷ
niệm 1000 năm Thăng Long. LHP Quốc tế Hà Nội 2012 thu hút được 38 quốc
gia và vùng lãnh thổ gửi phim tham dự. LHP Quốc tế Hà Nội với nỗ lực tổ
chức chiếu phim cùng lúc trên 9 cụm rạp tại Hà Nội giới thiệu nhiều tác
phẩm điện ảnh xuất sắc, nổi tiếng khắp thế giới đã đưa đến cho khán giả
cái nhìn toàn cảnh về điện ảnh thế giới nói chung, điện ảnh châu Á nói
riêng. Tuy nhiên, sau Liên hoan, phim Việt Nam bị thất thế hơn so với
những phim nước ngoài. Giới phê bình điện ảnh trong nước đánh giá năm
2012 là năm thụt lùi của điện ảnh Việt Nam.
Nhiều sự kiện trong hoạt động sân khấu
Nổi bật là sự kiện sát nhập không thành hai Nhà hát kịch, đó là Nhà hát
kịch Việt Nam và Nhà hát Tuổi trẻ; Liên hoan sân khấu toàn quốc; Liên
hoan Ca trù; Liên hoan Xiếc; Hội nhạc sĩ Việt Nam phục dựng thành công
vở nhạc kịch Cô Sao của nhạc sĩ Đỗ Nhuận.
Mạnh tay xử lý các vi phạm hoạt động biểu diễn
Việc ban hành Nghị định 79/2012-NĐ/CP của Chính phủ quy định về biểu
diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; thi người đẹp và người mẫu đã
tạo một hành lang pháp lý cho cơ quan quản lý trong việc xiết chặt hơn
quản lý hoạt động biểu diễn. Theo đó, các cơ quan quản lý đề xuất việc
xử lý mạnh tay hơn những trường hợp vi phạm, ngoài phạt tiền tăng lên
còn kèm theo các hình thức xử lý khác như không được xuất hiện trên sân
khấu, không được phép đóng phim và quảng cáo, tham gia biểu diễn, giao
lưu văn hóa ở nước ngoài... trong khoảng thời gian cụ thể.
Với sự mạnh tay của cơ quan quản lý, nhiều nghệ sĩ đã bị xử phạt như Thu
Minh, Thái Hà, Võ Hoàng Yến vì mặc phản cảm, ca sĩ Cao Thái Sơn vì hát
nhép, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng vì hành động phản cám với sư thầy trong một
chương trình từ thiện…
Bùng nổ chương trình truyền hình thực tế
 |
Chương trình “Giọng hát Việt” mua bản quyền từ “Theo Voice” của Hà Lan |
Năm 2012 “bùng nổ” nhiều chương trình truyền hình thực tế. Trong đó,
những chương trình mua bản quyền nước ngoài gần như “chiếm sóng” như
“Giọng hát Việt” mua bản quyền từ “Theo Voice” của Hà Lan, Vietnam’s Got
Talent, Vietnam’s Idol, “So you think you can dance”, Vietnam’s next
top Model… Các chương trình này ngoài yếu tố giải trí, đã tạo nên nhiều
dư luận trái chiều, thậm chí nhiều lúc gây “bão” dư luận khi mà các tài
năng được tìm kiếm chưa tương xứng với thực lực.
Xu hướng thưởng thức nghệ thuật mới
Đời sống âm nhạc trong nước có sự thay đổi rõ rệt trong điều kiện kinh
tế khủng hoảng. “Gu” thưởng thức của công chúng yêu nhạc thay đổi, hướng
về những không gian âm nhạc ấm cúng, đơn giản, sang trọng, thiên về
“nghe” hơn là những “chiêu trò”. Một loạt chương trình âm nhạc đẳng cấp,
mang tính định kỳ được hình thành, tạo nên xu hướng âm nhạc mới, như
series “In the Sportlight”, “Câu chuyện âm nhạc”, “Cửa sổ âm nhạc”… Điều
đáng nói, trong thời kỳ kinh tế khó khăn, nhưng nhiều chương trình có
giá vé cao lên tới vài triệu đồng mỗi cặp vẫn “cháy vé”.
Thu phí tải nhạc trên mạng
Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Việt Nam (RIAV) và Công ty CP Tập đoàn MV
(MVCorp) thực hiện thu phí tải nhạc bắt đầu từ ngày 1-11-2012 với mức
phí 1000 đồng/bài. Sự kiện này lập tức gây chú ý cho cộng đồng mạng,
những người thường xuyên nghe nhạc trực tuyến. Đại diện của 18 trang web
nghe nhạc trực tuyến lớn đã đồng ý ký thỏa thuận thu phí tải nhạc trực
tuyến. Giới nghệ sĩ bày tỏ sự hưởng ứng với việc này bằng cách thực hiện
khá nhiều chương trình, khẩu hiệu “Nghe có ý thức” để hưởng ứng với hy
vọng qua đây, cộng đồng mạng sẽ sử dụng những bản thu thanh chất lượng
cao, loại bỏ bản rác. Tuy nhiên thời điểm này việc thu phí vẫn gặp không
ít bất cập và lúng túng, đã gây ra không ít trăn trở cho người sử dụng.
Làn sóng K-Pop và thị hiếu của giới trẻ Việt
Làn sóng K-Pop với sự hiện diện của các ngôi sao Hàn Quốc có sự ảnh
hưởng lớn tới thị hiếu của giới trẻ Việt Nam. Nhiều chương trình tạo cơn
sốt vé, điển hình là chương trình Đại nhạc hội Việt – Hàn diễn ra tháng
3-2012, Festival K-Pop lần đầu tiên tổ chức tại Việt Nam nhân dịp kỉ
niệm 20 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam- Hàn Quốc
(12/1991- 12/2012). Điều đáng nói, giới trẻ Việt Nam đã bộc lộ sự quá
khích, đôi khi là a dua, ngộ nhận tình cảm với thần tượng. Văn hoá thần
tượng, cách ứng xử nơi đám đông của giới trẻ đang được báo động và trở
thành “điểm nóng” của làng giải trí trong năm 2012.