
Được làm quen với sách từ nhỏ, bé sẽ dễ dàng hình thành tình yêu sách vở. Ảnh: Đan Thư.
Hầu như lần nào đi siêu thị hay trong những dịp 1/6, tết trung thu..., chị Bích Phương (quận 7, TP HCM) luôn mua tặng cô con gái 5 tuổi của mình những cuốn sách.
Tuy nhiên, nhiều cuốn truyện tranh chị chưa kịp đọc cho con nghe đã bị
bé Bim tô vẽ nguệch ngoạc, xé bìa, xé ruột, biến thành khăn giấy lau
bàn. Tuổi thọ của những cuốn sách trong nhà chị không quá một tuần, thậm
chí nhiều cuốn tồn tại không quá một ngày.
So sánh thấy một cuốn truyện tranh cho bé giá khoảng mươi mười lăm
nghìn, chỉ bằng một lần bé đi đu quay hay tô tượng…, chị lại vui vẻ bỏ
cuốn sách vừa bị bé làm xấu đi, mua lại một cuốn khác. Nhiều khi chị ném
cả cuốn truyện tranh bé vừa làm rách bìa vào đống giấy báo bán ve chai
của mình. Bé Bim lại rất hào hứng với trò biến sách thành ve chai để…
kiếm tiền cho mẹ. Đôi khi chị cũng băn khoăn: rõ ràng là bé rất hào hứng
khi mẹ dẫn đi hiệu sách nhưng lại chẳng biết giữ gìn những cuốn sách
của mình. “Hy vọng sau này lớn lên, nó sẽ hiểu và yêu quý sách”, chị
Phương nói.
Theo thạc sĩ tâm lý Phạm Thị Thúy, giảng viên Học viện Hành chính quốc
gia (cơ sở tại TP HCM), ứng xử như chị Phương là không nên. Muốn con yêu quý sách vở, bản thân bố mẹ cũng phải thể hiện là những tấm gương trân trọng sách vở. Chia
sẻ trong buổi nói chuyện chuyên đề “Cây non… dễ uốn?” tại TP HCM cuối
tuần qua, chị Thúy kể rằng khi các con lỡ tay làm rách sách, chị đều cẩn
thận lấy băng dính dán lại. Với những cuốn sách phải “vá víu” như vâỵ
chị vẫn trân trọng cất lên giá sách.
Chị bảo, kể cả khi có điều kiện mua lại được một cuốn khác mới hơn mình
cũng không bao giờ mua, vẫn nâng niu những cuốn sách cũ để bé thấy được
giá trị của chúng. Nếu cuốn sách vừa bị bé làm rách, làm nhàu nhĩ, cha
mẹ đã sẵn sàng bỏ đi, thì sau này bé cũng dễ dàng chỉ coi sách như là
giấy lộn.
Để con yêu quý sách vở, nhà sách nên là điểm ưu tiên đầu tiên khi dẫn bé đi chơi của cha mẹ.
Chia sẻ trong buổi hội thảo “Giáo dục đạo đức cho con: những thách thức
của cha mẹ” tại TP HCM vừa qua, anh Trần Việt Quân, tổng giám đốc công
ty Bách Khoa Computer, đồng thời cũng là một người rất tâm huyết với
công tác nuôi dạy trẻ kể rằng nhà sách luôn đứng đầu trong danh sách các
địa chỉ đi chơi của cả 3 đứa con nhà anh ngay từ thời chưa đi mẫu giáo.
Anh nói rằng dù chưa biết đọc nhưng được đến nhà sách thường xuyên giúp
các bé yêu quý sách vở. Môi trường ở nhà sách vốn văn minh thân thiện,
đầy tri thức, những người đến đây chủ yếu đều yêu sách vở… rất có ích
cho sự phát triển của bé. Cậu con thứ hai nhà anh hơi hiếu động, thời
gian đầu mới vào hiệu sách, bé đối xử với các cuốn sách như những món đồ
chơi.
Từ kinh nghiệm và nghiên cứu của mình về vấn đề nuôi dạy trẻ, anh biết
nếu bé tiếp xúc với điều gì nhiều, bé sẽ dễ hình thành tình yêu với vật
đó. Vì thế, anh nói với bác bảo vệ và những người quản lý hãy để bé
chơi, nếu cuốn nào bé làm hỏng anh sẽ mua về. Sau này, cậu con trai của
anh đã thực sự trở thành người bạn thân thiết của nhà sách đó. Bước vào
tuổi học sinh, con trai anh rất yêu sách vở và luôn tự giác học tập, bố
mẹ không hề phải nhắc nhở.
(Theo giadinh.vnexpress.net)