Chủ nhật, 06/01/2013 05:10
Nhà khoa học người Hà Nội ở thành phố mang tên Bác
"Là một người gốc Hà Nội, được phân công vào Nam công tác, để có thể đóng góp vào sự phát triển của thành phố mang tên Bác đang vươn mình mạnh mẽ và để được trọng dụng, giao những cương vị quan trọng là điều không phải dễ dàng, là cả một chặng đường phấn đấu không ngừng". Đó là chia sẻ của PGS, TS Nguyễn Trọng Hòa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP Hồ Chí Minh khi trò chuyện với phóng viên Báo Hànộimới.
 |
PGS, TS Nguyễn Trọng Hòa. |
Từng tốt nghiệp đại học ở Hungary chuyên ngành kiến trúc, chàng trai trẻ
Nguyễn Trọng Hòa khi đó chỉ mới 27 tuổi nhưng đã được Bộ Xây dựng tin
tưởng phân công vào làm cán bộ giảng dạy tại Đại học Kiến trúc TP Hồ Chí
Minh. Sau đó có thời gian ông công tác tại Viện Quy hoạch - Thiết kế
tổng hợp (Bộ Xây dựng). Thời điểm này, thành phố đang chuyển mình mạnh
mẽ, đặc biệt là về quy hoạch đô thị. Đến năm 1989, kiến trúc sư trẻ
Nguyễn Trọng Hòa được Nhà nước cử đi học Tiến sỹ tại Hungary chuyên
ngành quy hoạch đô thị. 5 năm sau, khi đã bảo vệ thành công luận án tiến
sỹ, TS Nguyễn Trọng Hòa một lần nữa được Bộ Xây dựng tin tưởng điều về
thành phố mang tên Bác tiếp tục làm cán bộ giảng dạy và sau đó trở thành
Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kiến trúc TP Hồ Chí Minh. Năm 2004, ông
được điều về làm Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP Hồ Chí Minh. Bốn
năm sau, tức năm 2008, UBND TP Hồ Chí Minh điều động ông về giữ cương vị
Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển thành phố.
PGS, TS Nguyễn Trọng Hòa là người gốc Hà Nội, khi được điều động vào Nam
công tác, ông không một chút mảy may do dự. Giải thích về điều này,
PGS, TS Nguyễn Trọng Hòa giãi bày: "Cha mẹ mất khi tôi còn rất nhỏ, sống
giữa quê hương nhưng cũng chẳng có người thân bên cạnh, ra đi cũng là
cách làm nguôi ngoai tâm hồn. Vào thành phố trẻ năng động đất phương Nam
và gắn bó gần như cả đời tại đây có thể là một cái duyên". Lấy vợ ngoài
Bắc nhưng con cái của ông được sinh ra và lớn lên trong Nam, PGS, TS
Nguyễn Trọng Hòa đã từ lâu xem TP Hồ Chí Minh là quê hương thứ hai của
mình. Ông từng nói, thông thường quê hương thứ hai lại gắn bó và thân
thuộc hơn quê gốc của mình. Tuy nhiên, từng ngày từng giờ, PGS, TS
Nguyễn Trọng Hòa luôn theo dõi từng "nhịp thở" của Hà Nội. Mọi chuyển
động của Thủ đô ông đều thuộc nằm lòng.
PGS, TS Nguyễn Trọng Hòa cho biết, Viện Nghiên cứu Phát triển TP Hồ Chí
Minh luôn có sự liên kết chặt chẽ với Viện Nghiên cứu kinh tế - xã hội
TP Hà Nội. Chính vì vậy, không những theo dõi mọi sự chuyển động của Hà
Nội mà ông còn có những đóng góp rất quan trọng cho sự phát triển của
Thủ đô ngàn năm văn hiến. Hiện PGS, TS Nguyễn Trọng Hòa còn giữ cương vị
là Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch - Phát triển đô thị Việt Nam, đồng thời
là Ủy viên BCH Trung ương Hội Kiến trúc sư Việt Nam.
Có thể thấy, bộ mặt đô thị TP Hồ Chí Minh khang trang, văn minh, hiện
đại như ngày hôm nay luôn gắn liền với vai trò của Sở Quy hoạch - Kiến
trúc và Viện Nghiên cứu Phát triển TP Hồ Chí Minh, trong đó, không thể
không nhắc đến đóng góp của PGS,TS Nguyễn Trọng Hòa. Đặc biệt ông là một
trong những người tham gia thực hiện đồ án điều chỉnh quy hoạch chung
xây dựng TP Hồ Chí Minh đến năm 2025 (đã được TP phê duyệt). Nói về vấn
đề này, ông say sưa như quên hết xung quanh: "Đồ án đã xác định rất rõ
các hướng phát triển chủ lực, hay còn được gọi là hành lang phát triển
chính của thành phố. Đó là hướng tây bắc với sự hình thành của đô thị
tây bắc - nơi sẽ kết nối TP bằng đường bộ tới các nước ASEAN; hướng đông
nam với sự hình thành của đô thị cảng Hiệp Phước sẽ giúp TP tiến về
phía biển, phát triển kinh tế biển. Ở hướng đông bắc sẽ phát triển các
khu đô thị đại học ở Thủ Đức, khu công nghệ cao ở quận 9… giúp TP kết
nối với các đô thị ở Đông Nam bộ, miền Trung và miền Bắc. Ở hướng tây
nam với các khu dân cư, khu công nghiệp mới ở khu vực Bình Tân, Bình
Chánh sẽ giúp TP gắn kết với khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và miền Tây
Nam bộ".
Khi nhắc về Hà Nội - nơi sinh ra mình - PGS, TS Nguyễn Trọng Hòa bùi
ngùi nhớ lại: "Hà Nội ngày xưa và ngày nay khác nhiều lắm. Đứng ngay
chính mảnh đất ấy, gần gũi với chính những con người ấy cũng đã thấy nhớ
rồi huống gì khi đi xa. Tuy nhiên, khi đi xa mới thấy Hà Nội không lẫn
vào đâu được. Hà Nội có những góc phố, con đường và đặc biệt là con
người rất đặc trưng. Càng đi xa, người ta càng thêm nhớ". Khi được hỏi
về những mong mỏi của ông đối với Hà Nội, PGS, TS Nguyễn Trọng Hòa chia
sẻ: "Chỉ mong Hà Nội phát triển năng động nhưng đừng để mất đi những gì
"dịu dàng, duyên dáng" vốn có. Trong quá trình hội nhập, có những nét
văn hóa của người Hà Nội đã dần mai một đi. Nếu Hà Nội quay trở lại cái
cốt cách của con người như xưa thì hay biết mấy".
Trong câu chuyện với chúng tôi, PGS, TS Nguyễn Trọng Hòa rất kiệm lời
khi nói về những thành tích và đóng góp của mình. Nhưng không thể phủ
nhận những đóng góp to lớn của cá nhân PGS, TS Nguyễn Trọng Hòa trong
tiến trình phát triển của thành phố mang tên Bác vốn được xem là đầu tàu
kinh tế của cả nước. Bây giờ, dù đã gần 60 tuổi, ông vẫn còn khát khao
cống hiến không ngừng, và sự cống hiến đó luôn diễn ra âm thầm. Được
biết, hiện PGS, TS Nguyễn Trọng Hòa vẫn còn tham gia công tác giảng dạy.
Có lẽ, con người tài năng ấy đã chọn cho mình con đường cống hiến không
ngừng như thế - đào tạo ra những lớp thế hệ trẻ đi sau nối tiếp sứ mệnh
của ông.
(Theo Hanoimoi.com.vn)
|