 |
Trời rét đậm, nhiều người già và trẻ em phải nhập viện. Ảnh: Bá Hoạt |
Trẻ em, người già dễ mắc bệnh
Bác sỹ Cấn Phú Nhuận, Trưởng khoa Khám bệnh (BV Nhi TƯ) cho biết, đợt
rét này, bệnh nhi nhập viện mỗi ngày dao động từ 1.900 - 2.000 lượt
khiến các phòng khám đều quá tải. Trẻ đến khám (chủ yếu dưới 6 tháng
tuổi) với triệu chứng ho, sốt, viêm phế quản, viêm phổi, tiêu chảy… và
bệnh thường diễn biến xấu rất nhanh, dễ gây biến chứng nặng.
Bác sỹ Cấn Phú Nhuận khuyến cáo, khi con bị sốt dịch, cha mẹ cần tránh
dùng thuốc kháng sinh vì không có tác dụng mà còn hại người, chỉ nên
dùng thuốc hạ sốt để trẻ tránh bị sốt cao dẫn đến co giật. Cha mẹ cũng
lưu ý trẻ bị tiêu chảy phải bổ sung nhiều nước, dinh dưỡng, tránh để mất
nước. Khi trẻ sốt, đi ngoài phải đến ngay cơ sở y tế để điều trị kịp
thời; mặc ấm, đeo khẩu trang cho trẻ khi ra đường; thường xuyên vệ sinh
mũi, họng bằng nước muối sinh lý...
Đối với người có tuổi, thời tiết lạnh, hanh khô cũng là nguyên nhân gia
tăng gấp đôi số bệnh nhân nhập viện do bị viêm phổi, hen phế quản, tăng
huyết áp, tai biến mạch máu não, tắc nghẽn mạch máu… Bác sỹ Nguyễn Đức
Hiền, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu nội (BV Đa khoa Xanh Pôn) cho biết,
người cao tuổi nhập khoa cấp cứu chủ yếu về tim mạch, đột quỵ não. Đây
là những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong. Để phòng cũng như phát hiện,
xử lý sớm bệnh mạch vành, tránh biến chứng nhồi máu cơ tim dẫn đến đột
tử, đối với người đã có tiền sử mắc bệnh về tim, đặc biệt là người cao
tuổi, trẻ em không nên đứng hóng gió, không để nhiễm lạnh đột ngột ngay
cả lúc tắm. Cơn đau xuất hiện thoáng qua ở giữa ngực, sau xương ức, cảm
giác như bóp nghẹt... rất đáng phải lưu tâm, vì nếu bỏ qua những dấu
hiệu này rất dễ gây đột tử. Mọi người vẫn nên duy trì tập thể dục hằng
ngày nhưng nên tập trong nhà; không uống nước lạnh, uống đủ nước để nâng
cao thể trạng (uống khoảng 1,5-2 lít nước/ngày) bằng nhiều loại khác
nhau như nước lọc, nước canh, nước hoa quả, nước chè...
Bảo đảm cho người bệnh đủ ấm
Nhằm giảm thiểu tác hại do thời tiết diễn biến bất thường, Bộ Y tế vừa
yêu cầu các địa phương tăng cường tuyên truyền đến người dân về các
phương pháp phòng, chống rét như: nhà cửa phải được che chắn kỹ, phải
mặc quần áo đủ ấm trước khi đi ra ngoài... Bộ Y tế cũng cảnh báo về các
tai nạn như ngộ độc khí CO2 do sưởi ấm bằng than tổ ong trong nhà kín,
bỏng lửa hoặc tử vong trẻ em do chở bằng xe máy đi ngoài trời rét; ngạt
thở trẻ em do mặc quá nhiều quần áo ấm; trẻ em tại các nhà trẻ không bảo
đảm điều kiện chăm sóc, cách ly và dinh dưỡng kém có thể mắc bệnh viêm
đường hô hấp cấp do virút. Các cơ sở khám, chữa bệnh bảo đảm đủ cơ số
thuốc cấp cứu, giường bệnh, chuẩn bị sẵn sàng các phương tiện cấp cứu để
xử lý kịp thời những trường hợp cấp cứu…
Tại Hà Nội, TS Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội vừa đi kiểm tra
một số bệnh viện, trạm y tế về công tác khám, chữa bệnh, phòng chống
rét cho bệnh nhân. Qua kiểm tra BV Đa khoa Hà Đông, BV Đa khoa Thanh Oai
và Trạm Y tế Cao Viên (huyện Thanh Oai), các đơn vị đã chủ động bố trí
máy sưởi, điều hòa hai chiều làm ấm tại phòng hồi sức cấp cứu, phòng sơ
sinh, phòng bệnh của trẻ em dưới 6 tuổi, phòng đẻ, mổ; bố trí đủ chăn,
chiếu, đệm cho người bệnh. Giám đốc Sở Y tế yêu cầu lãnh đạo các cơ sở y
tế khác trên địa bàn thực hiện nghiêm túc văn bản chỉ đạo của ngành,
khẩn trương có biện pháp chấn chỉnh và xử lý một số khoa phòng chưa thực
hiện tốt việc phòng chống rét cho bệnh nhân. Các đơn vị tiếp tục rà
soát cơ sở vật chất, bổ sung thêm máy sưởi, lắp điều hòa hai chiều, mua
thêm chăn ấm, quần áo cho người bệnh, đặc biệt là nâng cao ý thức, tinh
thần phục vụ người bệnh một cách tốt nhất.
Trời rét dưới 10 độ C:
Các trường bảo đảm kế hoạch chăm sóc, giáo dục học sinh
Ngày 7-1, HS các trường mầm non, tiểu học trên địa
bàn TP Hà Nội tiếp tục được nghỉ học do nhiệt độ xuống dưới 10 độ C. Tuy
vậy, theo ghi nhận, hoạt động hành chính của các trường diễn ra bình
thường. Những phụ huynh vì bận công việc, không nắm được lịch nghỉ học
của con vẫn có thể gửi con đến trường. Đại diện ban giám hiệu một số
trường tiểu học cho biết 100% giáo viên đến trường làm việc và tổ chức
ôn tập cho những HS có mặt tại trường.
Do đặc thù, tỷ lệ trẻ mầm non đi học trong ngày hôm qua ở
các quận, huyện khá chênh lệch. 100% trẻ mầm non ở huyện Chương Mỹ, Mỹ
Đức nghỉ học. Toàn quận Hai Bà Trưng có hơn 400 trẻ đi học; tỷ lệ trẻ đi
học ở quận Hoàng Mai là 15%, Đông Anh 19%, Thanh Xuân 40%... cao nhất
là huyện Thanh Oai với 50% số trẻ đi học. Hiệu trưởng Trường Mầm non B
(ở quận Hoàn Kiếm) Bùi Thị Hải cho biết: Phụ huynh hoàn toàn có thể yên
tâm khi gửi trẻ đến trường. Mặc dù sĩ số chỉ bằng 1/3 ngày thường nhưng
nhà trường vẫn tổ chức chăm sóc chu đáo bằng cách pha thêm nước gừng cho
các bé uống để giữ ấm cơ thể. Lãnh đạo các trường đều khẳng định, đã
chủ động kết nối với đơn vị cung ứng đáp ứng đủ thực phẩm, tránh dư thừa
hoặc thiếu hụt, đặc biệt là bảo đảm dinh dưỡng cho HS bán trú trong
những ngày trời rét. Các trường cũng được yêu cầu tăng cường phương tiện
chống rét cho HS như thảm xốp, điều hòa, chăn, bình nóng lạnh… và chỉ
tổ chức các hoạt động trong lớp.
Minh Đức |