"Cát trọc đầu": Nhìn cát thấy người!
“Cát trọc đầu” của Nguyễn Quang Vinh là
cuốn tiểu thuyết viết về cuộc chiến đã qua. Trần trụi, nóng bỏng, khủng
khiếp. Không chỉ là thực tế của bom rơi đạn nổ chết chóc đau thương. Mà
là những số phận người, sự tráo trở của anh hùng và hèn nhát, nhân văn
và độc ác, sự khuất lấp và đánh tráo những giá trị thực và giả.
 |
Hình ảnh bìa của "Cát trọc đầu" mới được ra mắt |
Đọc
theo từng con chữ của tác giả là nóng như cát nóng, bỏng như cát bỏng,
rát như cát rát, cứ từng trang từng trang quất liên hồi vào mặt người
đọc thực tế của chiến trường, thực tại của cuộc chiến. Cách viết của tác
giả là kể, kể tuần tự, kể cụ thể, phơi bày trần trụi việc và người,
tung ra dồn dập các sự kiện, chi tiết, có những chi tiết khủng khiếp, từ
đó phơi bày những nhân vật con người trong cuộc sống chết với bom đạn.
Nhà
văn - nhà biên kịch Nguyễn Quang Vinh, chia sẻ: “Mới đầu,trong bản thảo
thứ nhất, tôi đặt tên là Vú Cát,với ý định triển khai một không gian
tiểu thuyết rộng lớn, tập trung vào giai đoạn chiến tranh chống mỹ trên
đất Quảng Bình khới lửa. Sau đó,tôi thu hẹp lại, thay đổi tên sách thành
Cát trọc đầu, tập trung mô tả trong không gian tiểu thuyết giữa hậu
phương và mặt trân đường Hồ Chí Minh trong chiến tranh để có điều kiện
khắc họa kỹ hơn các số phận nhân vật.
Với
quyết tâm cần phải dựng lại không khí, số phận chiến tranh một cách
trung thực nhất có thể, "Cát trọc đầu" không ngại ngần đi sâu vào những
nhân vật "tiêu cực", có tư chất khốn nạn, cơ hội trong chiến tranh, mà
thời đó cho đến sau hậu chiến, loại nhân vật này ít được nhắc tới, hoặc
miêu tả một cách hời hợt, chiếu lệ.
"Cát trọc
đầu" như là một hình dung cụ thể về địa hình của các mỏm cát làng quê
Quảng Bình, nó như những cái đầu trọc thời trẻ con chúng tôi, về ý nghĩa
nào đó, tôi muốn qua sự hình dung này, để gửi một thông điệp rằng, đây
là cuốn tiêu thuyết viết thẳng, cọ xát, trung thành và phô diễn hết mọi
thứ tôi biết, tôi cảm về chiến tranh,không vòng vo, không giấu giếm, nó
trọc như thế, trần trụi như thế, để từ đó, người đọc nhận diện rõ ràng
cả về vẻ đẹp và những xấu xa của những con người trong cuộc chiến”.
Thực
tế trong tiểu thuyết là chiến tranh, nhưng kẻ thù giấu mặt ở trên cao,
còn trên mặt đất là những con người chống chọi với sắt thép dội xuống,
gian khổ hy sinh đã đành, nhưng họ còn phải chống chọi với sự thoái hóa
nhân cách của những kẻ lợi dụng chiến tranh để trục lợi cho mình. Nhân
vật Nguyễn Hữu Bá được tác giả mô tả trong suốt quá trình lợi dụng chiến
tranh như vậy.
Nhà văn Nguyễn Quang
Vinh là tác giả của nhiều tiểu thuyết, kịch bản điện ảnh, kịch bản phim
truyền hình, kịch bản sân khấu và là tổng đạo diễn nhiều chương trình
nghệ thuật như: Ngã ba Đồng Lộc, Chuyện tình bên dòng sông, Cô gái mang tên dòng sông, Lập nghiệp, Ốc đảo vua...
Cuốn
tiểu thuyết kết thúc khi Bá, sau bao mưu mô ở chiến trường tìm cách bảo
mạng và chiếm đoạt công sức xương máu của đồng đội thanh niên xung
phong, đã trở về hậu phương trong ánh hào quang giả tạo, vay mượn của
người từ mặt trận về.
Hậu phương không biết
sự thật của ánh hào quang ấy. Người có thể xé toang ánh hào quang ấy thì
đang ngần ngại. Và người đọc lo lắng, băn khoăn, hoảng sợ nữa, khi nghĩ
tiếp quá trình tiến thân của nhân vật này.
Đúng
như tác giả tâm sự: “Khi sống ở nơi chỉ có sỏi, đá, đói nghèo và khắc
nghiệt, con người mới sống thực nhất với mình. Họ bộc lộ cả khát vọng
lẫn hằn học, cao cả lẫn ti tiện, lãng mạn lẫn thực dụng”. “Cát trọc đầu”
khép lại trang cuối nhưng mở ra một nội dung khác mà tác giả vẫn đang
tiếp tục, theo đuổi số phận các nhân vật của mình sau hòa bình, và chắc
chắn, với sức viết luôn đưa ra những con chữ nóng bức sự thật, với khả
năng thu hút đọc giả, "Cát trọc đầu" phần tiếp theo sẽ mang đến cho độc
giả một bối cảnh mời, hòa bình nhưng khốc liệt của cuộc sống hôm nay, để
cuối cùng, cuộc chiến đấu với cái ác vẫn tiếp tục...
(Theo danviet.vn)