Công bố 3 luật và 1 nghị quyết
Từ ngày 2-7: bỏ hình phạt tử hình với 8 loại tội phạm
Chiều
2-7, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức họp báo công bố lệnh của Chủ tịch
nước về việc công bố Luật Lý lịch tư pháp; Luật Trách nhiệm bồi thường
của Nhà nước, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự và
Nghị quyết của Quốc hội về việc thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số
điều của Bộ luật Hình sự.
Ghi thông tin cấm quản lý DN trong lý lịch tư pháp
Theo
Luật Lý lịch tư pháp (LLTP) vừa được công bố, ngoài trường hợp công dân
Việt Nam, người nước ngoài đã hoặc đang cư trú tại Việt Nam có quyền
yêu cầu cấp phiếu LLTP thì cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan nhà nước,
tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội cũng có quyền yêu cầu cấp
phiếu LLTP để phục vụ công tác điều tra, truy tố, xét xử; quản lý nhân
sự; hoạt động đăng ký, kinh doanh, thành lập quản lý doanh nghiệp, hợp
tác xã.
Thông tin về cấm đảm nhiệm chức
vụ, thành lập, quản lý DN, HTX theo quyết định tuyên bố phá sản cũng
được quy định rõ tại chương III của luật, bao gồm những nội dung cơ bản
về nguồn thông tin, nhiệm vụ cung cấp thông tin và việc cập nhật, xử lý
thông tin LLTP khi hết thời hạn bị cấm.
Cụ thể hóa các hành vi gây thiệt hại mà Nhà nước có trách nhiệm bồi thường
Xét
điều kiện thực tế của Việt Nam hiện nay, Luật Trách nhiệm bồi thường
của Nhà nước chỉ quy định trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong
lĩnh vực quản lý hành chính và tư pháp (các thiệt hại do hoạt động xây
dựng pháp luật gây ra chưa được Nhà nước bồi thường). Luật cũng quy
định trách nhiệm bồi thường của Nhà nước đối với các thiệt hại trong
quá trình thi hành án dân sự và hình sự.
Đáng lưu ý, về phạm vi trách
nhiệm bồi thường trong lĩnh vực quản lý hành chính nhà nước, luật đã
liệt kê 11 nhóm hành vi mà nếu gây ra thiệt hại thì Nhà nước có trách
nhiệm bồi thường (thiệt hại do các hành vi khác không được bồi thường),
song cũng có điều khoản bổ sung, theo đó, Nhà nước có trách nhiệm bồi
thường trong các trường hợp khác nếu được pháp luật quy định.
Bỏ hình phạt tử hình với 8 loại tội phạm
So
với Bộ luật Hình sự hiện hành, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ
luật Hình sự đã bỏ khung hình phạt tử hình đối với 8 loại tội phạm:
hiếp dâm; lừa đảo chiếm đoạt tài sản; buôn lậu; làm, tàng trữ, vận
chuyển, lưu hành tiền giả, ngân phiếu giả, công trái giả; tổ chức sử
dụng trái phép chất ma túy; chiếm đoạt tàu bay, tàu thủy; đưa hối lộ;
phá hoại vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự. Luật bổ sung
thêm tội khủng bố với hình phạt cao nhất là tử hình.
Bên cạnh
đó, trong lần sửa đổi, bổ sung này có 13/23 điều luật được điều chỉnh
nâng mức định lượng tối thiểu để truy cứu trách nhiệm hình sự. Một số
tội danh mới về xâm phạm trật tự quản lý kinh tế được bổ sung; trong đó
có quy định rõ ràng, cụ thể các hành vi vi phạm trong lĩnh vực quyền sở
hữu trí tuệ cần phải xử lý hình sự để đáp ứng yêu cầu của các điều ước
quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Để luật đi vào cuộc sống
một cách thuận lợi, Nghị quyết về việc thi hành luật nêu rõ, kể từ ngày
1-1-2010, tất cả các điều khoản của luật được áp dụng để điều tra, truy
tố, xét xử và thi hành án đối với người thực hiện hành vi phạm tội từ 0
giờ ngày 1-1-2010.
Riêng đối với các điều khoản về
bỏ hình phạt tử hình đối với một số tội và phi hình sự hóa đối với một
số hành vi phạm tội thì có hiệu lực ngay kể từ ngày Chủ tịch nước công
bố luật này. Nghị quyết cũng quy định hiệu lực hồi tố đối với một số
điều khoản của luật.
Theo Sài Gòn Giải Phóng