Khai quốc trạng nguyên
Lịch sử các kỳ thi tuyển chọn hiền tài
đã bắt đầu từ đầu triều Lý. Tuy nhiên, danh hiệu Trạng nguyên chỉ chính
thức xuất hiện từ khoa thi năm 1247, thời vua Trần Thái Tông. Trong
khoa thi này, nét đặc biệt là cả 3 sĩ tử đỗ đầu đều là những người trẻ.
Trạng nguyên Nguyễn Hiền mới có 13 tuổi, Bảng nhãn Lê Văn Hưu 18 tuổi và
Thám hoa Đặng Ma La 14 tuổi. Vì vậy Trạng nguyên Nguyễn Hiền được coi
là khai quốc trạng nguyên của nước ta.
|
 |
|
Đền thờ Trạng Hiền tại Nam Định. |
Đỗ Trạng nguyên là một vinh dự rất lớn. Lệ thường là Vua sẽ ban
mũ áo, cho đi ngựa dạo phố 3 ngày và cho người hộ tống về quê làm lễ
vinh quy bái tổ. Tuy nhiên, trong kỳ thi 1247, một biến cố xảy ra đã
khiến Trạng Hiền không được hưởng những lễ nghi đặc biệt đó.
Sử không chép năm mất của
Nguyễn Hiền. Tuy nhiên, theo tài liệu ở di tích Trạng nguyên Nguyễn Hiền
thì ông mất vào khoảng năm 1256 – 1257.
Sau khi ông mất, huyện Thượng Hiền được đổi tên ra huyện
Thượng Nguyên để tránh tên húy của ông. Đồng thời Vua Trần cũng lệnh cho
dân quê ông lập đền thờ và phong ông là thượng đẳng thần. Ngày nay đền
thờ Trạng nguyên nằm tại làng Dương A, Nam Thắng, Nam Trực, Nam Định.
|
Theo lời kể của ông Nguyễn Minh
Nguyên, hậu duệ đồng thời là trưởng tộc chi họ Nguyễn ở quê Trạng Hiền
(làng Dương A, Nam Thắng, Nam Trực, Nam Định), sau khi công bố kết quả
thi, Trạng hiền cùng 2 vị Bảng nhãn, Thám hoa được vào cung yết kiến nhà
vua. Tại triều đình, thấy Trạng nguyên còn nhỏ quá, vua Trần Thái Tông
mới hỏi: “Trạng học ai?”. Trạng trả lời: “Tâu bệ hạ, thần sinh nhi tri
chi, hữu nghi tắc vấn tăng nhất nhị tự”. Tạm dịch nghĩa là: “Thần sinh
ra đã biết, có một đôi chữ không hiểu thì hỏi ông sư ở chùa làng”.
Nghe câu trả lời của Trạng, Trần Thái
Tông cho là Trạng tự kiêu, không biết lễ phép nên hạ chỉ: “Trạng còn nhỏ
tuổi chưa biết lễ nên cho về quê 3 năm để học lễ rồi sẽ bổ dụng”. Vậy
là Trạng Hiền lại phải lủi thủi về quê mặc dù rõ ràng đã đỗ đầu. Ông
Nguyễn Minh Nguyên bình luận: “Cụ lúc ấy còn ít tuổi cho nên có sao nói
thế, thêm nữa là những người có tài thì thường hay ngang. Nhưng tôi cho
là đúng bởi vì nếu không có tài năng thiên bẩm thì làm sao có thể học
thông kinh sử để thi đỗ Trạng nguyên khi mới 13 tuổi. Hơn nữa, theo lưu
truyền của dân chúng ở đây thì nhà Trạng gần chùa. Cụ sư trụ trì chùa có
mở một lớp dạy học nhưng Trạng không theo học mà chỉ đứng nghe lỏm và
được sư ông cho mượn sách đọc”.
Hai lần đánh giặc bằng bút
Không được bổ dụng, Trạng Hiền lại
phải trở về quê. Tuy nhiên, thời gian này, ở phương Bắc, triều Tống đã
đi đến hồi diệt vong, quân Mông Cổ đang đánh đến những mảnh đất cuối
cùng của Trung Quốc và bắt đầu dòm ngó sang nước Nam ta. Sứ giả Mông Cổ
qua lại nước ta thường xuyên hơn để dò la tin tức, thăm dò thực lực của
ta cũng như đem theo các yêu sách quá đáng của Chúa Mông Cổ để đo phản
ứng của triều đình nhà Trần.
Dựa theo gia phả và các lưu truyền từ
thời cổ, ông Nguyễn Minh Nguyên cho biết: Một lần sứ giả Mông Cổ mang
thư của triều đình họ sang nước ta. Trong thư chỉ có một bài thơ gồm 4
chữ là:
“Lưỡng nhật bình đầu nhật
Tứ sơn điên đảo sơn
Lưỡng vương tranh nhất quốc
Tứ khẩu tung hoành gian”
Ngoài bài thơ, bức thư không viết thêm
chữ nào nữa khiến triều đình không hiểu được thông điệp. Trong lúc khó
khăn, Trần Thái Tông nhớ đến Trạng Hiền bèn cho người về quê tìm. Sứ giả
về làng tìm Trạng, đi đường gặp một thanh niên nằm ngửa bụng ở bên một
cái cồn (gò đất nổi lên giữa cánh đồng). Thấy lạ sứ giả mới hỏi, người
kia trả lời là ta đang phơi sách. Ông Nguyên nói thêm, hiện giờ ở đây
vẫn có địa danh cồn Phơi sách. Có lẽ là liên quan đến sự tích này.
|
 |
|
Bàn thờ trong đền ghi bài thơ của sứ Mông Cổ mà Trạng giải mã được. |
Khi sứ giả tìm được Trạng rồi liền truyền lệnh của vua Trần
triệu Trạng về triều đình. Rất ngạc nhiên, Trạng đáp: “Nhà Vua trách ta
chưa học lễ, nay thấy nhà vua cũng chưa giữ lễ, ta chưa thể về Triều”.
Sứ giả về tâu lại, Vua giật mình nghĩ ra bèn sai mang mũ áo, cùng xe
ngựa rước Trạng lên kinh.
Khi Trạng đã về kinh, nhà vua bèn mang
thư của Mông Cổ cho Trạng xem để dịch thông điệp. Vừa lướt qua Trạng đã
hiểu ngay nội dung. Toàn bộ 4 câu thơ của bài thơ chỉ miêu tả một chữ
Điền. Hai chữ Nhật đặt cạnh nhau thì thành chữ Điền. Bốn chữ Sơn ở quay
đầu vào nhau cũng thành chữ Điền. Hai chữ Vương đặt ngang dọc và chồng
lên nhau là chữ Điền. 4 chữ Khẩu xếp lại thành 2 hàng ngang dọc cũng là
chữ Điền. Trạng giải ra được nội dung khiến Triều đình giữ được quốc thể
còn sứ Mông Cổ thì rất khâm phục. Người Mông Cổ biết nước Nam có người
tài, chưa dễ gì đánh được.
Sau lần này, Vua Trần Thái Tông phong
cho Trạng Hiền ngay chức Ngự sử đài kiêm đông các đại học sĩ Thượng thư
bộ Công. Trạng được ở chức vụ vừa can gián nhà vua, giám sát quan lại
vừa phụ trách việc xây dựng của triều đình, thể hiện sự tin tưởng của
triều đình và cá nhân vua Thái Tông đối với Trạng.
Lại lần khác, sứ Mông Cổ mang sang bức
thư chỉ có 2 chữ “Thanh Thúy”. Trạng Hiền đọc xong liền phê ngay vào
thư là “Thập nhị nguyệt xuất tốt” và tâu vua Trần nên đưa quân ra biên
giới phòng thủ vì tháng 12 giặc sẽ động binh. Nguyên chữ “thanh” gồm chữ
thập, chữ nhị ở trên và chữ nguyệt ở dưới, chữ “thúy”gồm chữ xuất và
chữ tốt ghép lại. Quân Mông Cổ đến đầu biên giới thấy ta đã có chuẩn bị
nên lại rút quân về. “Thế là cụ tôi hai lần đánh giặc bằng bút. Tiếc là
cụ mất sớm nên năm 1258 lúc Mông Cổ xâm lược lần thứ nhất cụ không còn
nếu không thì cụ còn cống hiến được nhiều cho đất nước” - Ông Nguyên tâm
sự.
|
 |
|
Ông Nguyễn Minh Nguyên, hậu duệ của Trạng Hiền. |
Cùng với các giai thoại đã kể trên, ông Phạm Xuân Hinh, phó ban
quản lý di tích đền thờ Trạng nguyên Nguyễn Hiền ở xã Nam Trực nói rằng,
chính Trạng Hiền là người đầu tiên đề xuất đắp đê quai vạc ở sông Hồng
để chống lụt. Ông nói: “ Sống ở một vùng quê hạ lưu sông Hồng nên Trạng
đã thấm thía cảnh lụt lội mất mùa nên khi được bổ nhiệm làm Thượng thư
bộ Công, Trạng đã đề xuất với triều đình cho tổ chức nhân dân đắp đê
quai vạc ở sông Hồng để chống lụt. Chắc thời đó cũng chỉ đắp được một
vài đoạn thôi chứ không được toàn bộ đâu nhưng quan trọng phải ghi công
cụ là người đầu tiên đề xuất và đứng ra phụ trách đốc thúc việc đắp đê
để bảo vệ mùa màng”.
Ngoài ra người ta còn lưu truyền rất
nhiều giai thoại khác về Trạng. Chẳng hạn chuyện Trạng nặn voi đất biết
đi bằng cách cho 4 con cua vào chân, 2 con bướm làm tai và 1 con đỉa làm
vòi. Hay những vế đối của Trạng với sứ giả. Những câu chuyện này ta
thấy trùng với giai thoại về các danh nhân khác. Ngay như giai thoại
Trạng giải nghĩa 2 chữ “Thanh thúy”, có tài liệu lại cho rằng đó là thư
của quân Mạc gửi quân Trịnh và đã được Phùng Khắc Khoan giải mã. Vì tất
cả các giai thoại đều không hề được chính sử nhắc tới cho nên giờ đây
không thể xác định được nguyên gốc của ai. Dù sao Trạng Hiền là một nhân
vật có thật với thành tích 13 tuổi đỗ Trạng nguyên quả là hiếm có trong
lịch sử và là tấm gương để các thế hệ học sinh tự hào và học tập.
Trạng nguyên Nguyễn Hiền
sinh năm 1235 tại làng Dương Miện, phủ Thượng Hiền, trấn Sơn Nam Hạ.
Xuất thân trong một gia đình nông dân nghèo, cha mất sớm. Hai mẹ con
Nguyễn Hiền ở trong một ngôi nhà nhỏ bên cạnh chùa làng. Sớm được tiếp
xúc với môi trường học tập lại cộng với thiên tư tuyệt vời nên Nguyễn
Hiền chỉ nghe lỏm mà cũng thông hiểu. Sư ông quý mến lại cho mượn sách
vở nên chẳng bao lâu Nguyễn Hiền đã tiến bộ vượt bậc, giỏi hơn cả học
sinh giỏi của trường và nổi tiếng thần đồng khắp vùng.
Năm 1247, khi mới 13 tuổi
Nguyễn Hiền được người lớn dẫn lên kinh để thi và đã đỗ Trạng nguyên
trong khoa thi đầu tiên đặt danh hiệu này, trở thành Khai quốc Trạng
nguyên của Đại Việt.
|