Di sản văn hóa-niềm vui và nỗi lo
Bộ Văn hóa-Thể thao và
Du lịch (VH-TT-DL) đã công bố 10 sự kiện văn hóa tiêu biểu năm 2012.
Nhiều sự kiện trong số ấy là những hoạt động, việc làm theo kế hoạch đã
định, hẳn nhiên chưa thỏa mãn mong đợi và nhận thức của tất cả mọi
người. Nhưng đáng chú ý trong 10 sự kiện Bộ VH-TT-DL đưa ra, có 3 sự
kiện liên quan trực tiếp đến di sản cha ông để lại, đó là: Tín ngưỡng
thờ cúng Hùng Vương; Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm được UNESCO vinh danh; Lễ
công bố Vịnh Hạ Long là một trong bảy Kỳ quan thiên nhiên mới của thế
giới.
Cha ông để lại di sản
văn hóa, đó là để lại tư tưởng, triết lý sống, ý chí, khí phách và tâm
hồn người Việt. Di sản được thế hệ hôm nay trân trọng, dày công thuyết
trình để thế giới vinh danh là những giá trị chung của nhân loại, đó là
việc nên làm. Những di sản được vinh danh tầm quốc tế ấy, thêm những
bằng chứng về nước Việt ta “vốn xưng nền văn hiến đã lâu”, là một dân
tộc có chiều dài lịch sử, văn hiến, có sức mạnh tinh thần lớn lao, có đủ
bản lĩnh và tài trí để hội nhập trong thế giới hiện đại.
Nhưng, di sản văn hóa
trong năm qua đã để lại những câu chuyện buồn. Vụ việc phá dỡ, làm mới
chùa Trăm Gian ngay giữa Thủ đô được báo chí phanh phui, các cơ quan
chức năng vào cuộc xử lý đối tượng vi phạm, chỉ là một ví dụ, một phần
nổi của tảng băng chìm. Di sản cũ và mới trên khắp đất nước ta rất nhiều
nơi đứng trước nguy cơ bị xâm hại, hoang tàn, bị chính cuộc sống hôm
nay vùi lấp. Chỉ riêng di sản quân sự thời đại Hồ Chí Minh đã có quá
nhiều điều bận lòng. Nhóm phóng viên Báo QĐND đã có vệt bài phóng sự
điều tra cuối năm 2011 phản ánh tình trạng xuống cấp, không ngang tầm,
mai một, biến dạng các di sản quân sự, được đại biểu Quốc hội quan tâm
chất vấn thành viên Chính phủ trong nghị trường, nhưng xem ra tốc độ
trùng tu tôn tạo quá chậm.
Mấy trăm năm sau con
cháu chúng ta sẽ lấy gì của thời đại hôm nay để trình với UNESCO đề nghị
vinh danh đây? Chúng ta đang cầm "vàng" của cha ông để lại, ngoài việc
chúng ta phải có nghĩa vụ trao truyền, thì thời đại nào cũng phải bổ
sung, vun đắp, có thế dòng chảy văn hóa mới không bị đứt quãng. Chắc
chắn UNESCO sẽ chỉ vinh danh cho ta những cái gì là thực của ta, còn
những thứ lai căng, cóp nhặt, khắp thế giới này đâu đâu chả có; những
thứ làm ẩu, làm vụng, vụ lợi rút ruột công trình, chạy theo đồng tiền…
sẽ sớm nở tối tàn, không được gọi là văn hóa.
 |
Di tích chiến thắng đồn Phai Khắt (Cao Bằng)-Chiến thắng đầu tiên của quân đội ta chưa được đầu tư tôn tạo xứng tầm. Ảnh: X.B |
Văn hóa đọc vẫn là câu hỏi lớn
Văn hóa đọc đang bị vùi
dập trước các phương tiện nghe nhìn. Trách người đọc không yêu văn hóa
đọc cũng đúng một phần, phần ngọn. Cái gốc của vấn đề là bên cạnh ưu thế
vượt trội (chưa nói đến hậu quả) của phương tiện nghe nhìn là sự xuống
dốc không phanh của những thứ cho người ta đọc. Với văn chương, cơn khát
văn chương Việt như vẫn triền miên khi làng văn đếm đầu ngón tay những
cuốn sách giàu tri thức, bổ ích, lý thú; lại nhan nhản những thứ sách rẻ
tiền kiểu “sát thủ đầu mưng mủ” ra cuối năm 2011. Nhiều cuốn sách đội
lốt trường phái này nọ, tư duy này nọ nhưng thực ra hết sức dung tục,
phản văn hóa. Xu hướng rẻ tiền hóa với tình, tiền, tù tội… ngập tràn và
vấy bẩn văn chương, nhiều người viết văn hùng hục lao vào cái mảng đề
tài câu khách, để đến lúc công chúng mệt oải ra với những thứ văn chương
ấy, và không thể mang về nhà cho người thân cùng đọc, mặc dù nó được
xuất bản công khai! Chưa kể, một số lượng tác phẩm văn học “sến” đang
được dịch tràn lan, chất lượng không được thẩm định, không định hướng
thẩm mỹ cho người đọc trẻ; một số lượng lớn sách bói toán, thuật tướng
số, phong thủy... áp đảo các quầy bán lẻ, các nhà ga, bến tàu. Quả là
ngày nay số lượng sách quá nhiều, nhưng tri thức trong ấy thì tỷ lệ
nghịch.
Nếu văn hóa đọc không
phục hưng, dòng sữa văn hóa truyền thống dân tộc mát lành và cả những
kiệt tác văn chương thế giới cùng những phát kiến vĩ đại của nhân loại
sẽ trở nên vô nghĩa.
Nghệ thuật biểu diễn sôi động nhiều gam màu
Điều đáng mừng là năm
qua các cơ quan quản lý nhà nước đã thể hiện quyết tâm lập lại trật tự
kỷ cương trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn. Thực tế còn nhiều điều
đáng nói, nhưng có quyết tâm ắt có kết quả, thậm chí thấy các cơ quan
nhà nước nói quyết tâm dẹp bỏ cái lộn xộn, phản cảm, nhắng nhít… nhân
dân đã mừng rồi. Dư luận nhân dân luôn mong muốn đời sống tinh thần xã
hội thực sự lành mạnh, trong sáng, thậm chí là mong “bao giờ cho đến
ngày xưa”. Nhiều người lạc quan cho rằng đang có một xu hướng lành mạnh
hóa trở lại trong nghệ thuật biểu diễn. Bằng chứng là những ca sĩ thực
tài, không cần quảng bá thân thể vẫn đắt khách. Âm nhạc lành mạnh đang
“hình như” có chiều hướng leo dốc trở lại sau nhiều năm chìm lấp bởi
những la ó vô nghĩa. Nếu đúng vậy, quả là một may mắn lớn cho đất nước.
Còn thực tế vẫn có quá nhiều chuyện khiến người ta không thể mũ ni che
tai, không thể thờ ơ lãnh cảm khi thiếu vắng những ca khúc mới, tác phẩm
mới có giá trị, thưa vắng những chương trình biểu diễn ấn tượng mạnh
mẽ. Có quá nhiều ca sĩ tài nghệ thường thường bậc trung phô diễn thân
thể trên sân khấu, và nhiều người đi xem cũng là “xem người cho no mắt”
chứ không phải là đi xem biểu diễn nghệ thuật. Đã có những quy định khá
cụ thể của cơ quan chức năng, nhưng do cả điều kiện chủ quan và khách
quan mà quy định chưa được thực hiện nghiêm túc.
Nghệ thuật biểu diễn
trên các sân khấu và trên cả truyền hình nhiều khi chỉ lạ và gây cười,
gây tò mò con mắt, hiếm có chương trình cho người ta cảm xúc mới lạ,
hưng phấn sáng tạo, thêm yêu đời, yêu người. Thậm chí trên một kênh
truyền hình uy tín, trong chương trình phản đối việc ca sĩ ăn mặc phản
cảm lại tổng hợp hình ảnh những ca sĩ đó “thiếu vải” lượn lờ trên màn
ảnh nhỏ. Điều đặc biệt là sau đó 30 phút, một chương trình của kênh
truyền hình đó được chuẩn bị “công phu” lại có những hình ảnh ca sĩ ăn
mặc phản cảm không kém những hình ảnh vừa phê phán trước đó, như một sự
hăm dọa tinh thần khán thính giả.
Con người được (và phải)
ăn món ăn nào không hợp khẩu vị mãi rồi cũng quen, rồi nghiện. Đời sống
tinh thần cũng vậy, những điều không hay sẽ lấn át, sẽ trở nên “quen”
khi cả ngày nó chình ình ra trên khắp mọi ngõ ngách, mọi phương tiên
truyền thông. Vì vậy, những người chuẩn bị “món ăn tinh thần” cho xã hội
luôn phải đề cao trách nhiệm, lương tâm nghề nghiệp và đạo đức công
dân.
Văn hóa thần tượng đáng báo động
Thế hệ nào cũng có thần
tượng của mình. Không thể bắt tuổi trẻ hôm nay có chung thần tượng với
lớp người đi trước. Nhưng thần tượng nếu không hướng vào những mục tiêu
tốt đẹp lành mạnh, không đủ nhận thức để tiết chế cảm xúc, ùa theo tâm
lý đám đông… sẽ vô cùng tệ hại cho mỗi người và thật đáng xấu hổ cho một
thế hệ. Tuổi trẻ thời cả dân tộc tập trung sức người sức của đánh Mỹ có
thần tượng Lê Mã Lương với câu nói nổi tiếng “Cuộc đời đẹp nhất trên
trận tuyến đánh quân thù”. Tuổi trẻ thời hòa bình có những thần tượng
trên các lĩnh vực văn hóa-nghệ thuật, khoa học, như: Đặng Thái Sơn, Lê
Bá Khánh Trình, gần đây là Ngô Bảo Châu… đó là những thần tượng đẹp đẽ
của tuổi trẻ bởi thần tượng hướng đến những chân giá trị thúc đẩy sự
tiến bộ của xã hội loài người. Thần tượng là do mỗi người tự nhận thức,
yêu mến và noi theo, không ai có thể bắt người khác phải theo một thần
tượng nhất định. Thần tượng cũng không nhất thiết phải là những người
tuyệt vời thành công để cả thế giới biết đến, đôi khi thần tượng chỉ là
một bậc làm cha đáng kính, một bậc làm thầy mẫu mực, có khi là một nông
dân biết làm giàu từ đất. Dù là ai, thần tượng nhất thiết phải hướng con
người đến điều thiện. Cũng không ai cấm các bạn trẻ thần tượng các ca
sĩ, các ngôi sao điện ảnh nước ngoài, nhưng thần tượng đến mức nào, ứng
xử ra sao, hiểu biết gì về người ấy… là những câu hỏi lẽ ra phải trả lời
cặn kẽ, bị nhiều bạn trẻ bỏ qua. Thần tượng mà đến mức hôn ghế ngồi của
một ca sĩ nước ngoài, chết ngất khi chen lấn để gặp mặt, khóc thảm
thiết như bị tâm thần khi gặp thần tượng… là những hành động hùa theo
tâm lý đám đông, hành vi không có sự điều chỉnh của tư duy. Đó là một sự
lệch chuẩn văn hóa được tạo nên bởi một quá trình học tập, giáo dục
không đến nơi đến chốn.
Cần những chuẩn mực văn hóa điều chỉnh hành vi
Văn hóa của chúng ta từ
ngàn đời được điều chỉnh bằng một công cụ vô cùng hiệu quả, đó là văn
hóa biết xấu hổ. Văn hóa biết xấu hổ điều chỉnh mọi người từ tuổi thiếu
niên đến tuổi già, từ phố xá đến thôn quê, từ người học cao đến người
thất học. Mọi người biết xấu hổ trước những hành vi không hợp chuẩn xã
hội thì xã hội sẽ êm đềm, đẹp đẽ. Người ta biết xấu hổ khi nói lời không
giữ lấy lời, khi bị người xung quanh “cười”. Ngoại trừ người không có
năng lực tư duy, còn tất cả mọi người bình thường khi bị thiên hạ cười
chê thì đau đớn lắm, sống mà như chết. “Đánh không đau bằng trói, trói
không đau bằng vặn lạt”, đó là văn hóa biết xấu hổ của ông cha mình, đề
cao lòng tự trọng, đề cao tính người trong mỗi con người.
Biết xấu hổ thì hiệu lực
của luật pháp mới sâu bền, xã hội ổn định và phát triển bền vững, tránh
đổ vỡ, bế tắc, khủng hoảng. Vì vậy cần xây dựng và xây dựng lại văn hóa
biết xấu hổ cùng với quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền.
Định hình những giá trị
chuẩn mực văn hóa rất cần cho cả đất nước cũng như mỗi tế bào đất nước
ấy. Những quy chuẩn luật pháp, kể cả những giá trị được hình thành trên
cơ sở phong tục, tập quán, địa lý… không trái luật pháp được mọi người
tự giác tiếp nhận sẽ có tính ổn định. Càng thống nhất được nhiều chuẩn
mực con người càng gần gũi, tự do, tự tin sáng tạo.
Với đất nước ta, chuẩn
mực văn hóa (mà cũng là đạo đức) cao nhất cho mọi người là yêu nước
thương nòi, tự hào về cha ông, đoàn kết gìn giữ và phát huy di sản tinh
thần và vật chất cha ông trao truyền lại, xây dựng Việt Nam cường thịnh.
Mục tiêu xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc rất cần
được cụ thể hóa, giáo dục cho thấm, trở thành bản lĩnh và phản xạ tự
nhiên trong mọi người, nhất là tuổi trẻ. Quan điểm xác định văn hóa-nền
tảng tinh thần của xã hội-là một trong ba trụ cột để phát triển bền
vững, cần được thể chế hóa, được xem xét đánh giá trong mọi việc làm
hằng ngày.
Gần đây, nhận thức và
tâm lý xã hội ngày càng thấy rõ vị trí, vai trò đặc biệt của văn hóa,
coi trọng văn hóa; con người có nhu cầu nhìn nhận lại bản thân mình, dân
tộc mình khách quan hơn. Đó cũng như việc xốc lại hành trang, chuẩn bị
nội lực trước giờ leo núi. Hy vọng người Việt Nam sẽ tiếp tục chinh phục
được những đỉnh cao bằng bản lĩnh văn hóa của mình.
(Theo qdnd.vn)