Thứ sáu, 03/07/2009 09:28
Tổ chức giao thông Hà Nội: Cưỡng chế mạnh, ý thức sẽ tốt hơn
Quá trình tổ chức lại giao thông để chống ùn tắc đang được Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội triển khai, dù mới ở mức thí điểm nhưng đã đem lại hiệu quả nhất định.
 |
Tuy nhiên, bên cạnh đó, câu chuyện xung quanh giải pháp đang thực hiện cũng có rất nhiều vấn đề gây tranh cãi.
Ông Thạch Như Sỹ - Chánh Thanh tra Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội,
đã có cuộc trò chuyện thẳng thắn trên VOV Giao thông FM 91Mhz về sự
kiện này.
PV: Việc tổ chức lại các tuyến đường giao thông
huyết mạch của Thủ đô là một sự kiện xã hội quan trọng tác động mạnh
đến việc đi lại của người dân, ông cho biết kế hoạch này được hình
thành và thực hiện dựa trên cơ sở nào?
Ông Thạch Như Sỹ: Vấn đề chống ùn tắc giao thông rất
nan giải. Rất nhiều giải pháp đã được thực hiện. Riêng về việc tổ chức
lại giao thông ở Hà Nội, những giải pháp chúng tôi đưa ra dựa vào thực
tế giao thông của Thủ đô, tập trung vào 124 điểm ùn tắc gây bức xúc cho
dân. Sau khi khảo sát 124 điểm này, liên ngành đã thực hiện từ ngày 2/4
đến nay và đã giảm được 40 điểm có nguy cơ gây ùn tắc giao thông. Vừa
rồi, chúng tôi họp sơ kết đợt 2 và chỉ ra 8 giải pháp để đảm bảo trật
tự giao thông trên địa bàn thành phố, trong đó có giải pháp chống ùn
tắc. Chúng tôi tiếp tục khảo sát những điểm có nguy cơ gây ùn tắc mới
để tìm giải pháp thích hợp. Ví dụ, sau khi thông hầm Kim Liên thì ở ngã
3 đường Kim Liên mới với đường Đào Duy Anh và Phạm Ngọc Thạch có nguy
cơ ùn tắc, chúng tôi lại phải tìm cách để giải quyết điểm mới này.
PV: Có ý kiến cho rằng, thời điểm mà liên ngành
chọn phân luồng để giải tỏa ùn tắc nhằm đúng lúc sinh viên, học sinh
nghỉ hè, số lượng người tham gia giao thông giảm đi đáng kể, vậy con số
mà ngành công bố là giảm được 40 điểm có nguy cơ ùn tắc có phản ánh
đúng thực tế?
Ông Thạch Như Sỹ: Chúng tôi thực hiện việc này vào
thời điểm cao điểm. Từ ngày 2/4, ra quân trước cửa Nhà hát Lớn, lúc này
sinh viên, học sinh chưa nghỉ hè. Đến ngày 20/5, chúng tôi đã giải
quyết xong 11 điểm ùn tắc. Trong tuần, chúng tôi cũng chọn ngày thứ Hai
và thứ Sáu, là ngày có số lượng người tham gia giao thông đông nhất
trong tuần để phân luồng. Như vậy, hiệu quả là không thể phủ nhận.
PV: Những giải pháp đang thực hiện có thể nói là không quá phức tạp, tại sao không được thực hiện sớm hơn?
Ông Thạch Như Sỹ: Thời điểm nào lực lượng tổ chức giao
thông cũng tìm ra giải pháp riêng cho mình. Có nhiều giải pháp kinh
điển ở Việt Nam và thế giới chúng tôi cũng đã áp dụng. Ví dụ như dùng
tín hiệu đèn, làm các đường hầm, cầu vượt Ngã Tư Sở, Ngã Tư Vọng, hầm
Kim Liên, tổ chức các đường một chiều, các đảo xoay lớn… Trước đây, ùn
tắc giao thông chưa nghiêm trọng như bây giờ, chúng tôi chỉ áp dụng
những giải pháp đó, nhưng gần đây, những điểm có nguy cơ gây ùn tắc đòi
hỏi các giải pháp đồng bộ hơn, mạnh hơn và một tuyến giao thông, một
tuyến đường cần nhiều giải pháp hơn.
PV: Ông đánh giá như thế nào về phản ứng của dư luận, cả những đánh giá tiêu cực và tích cực về giải pháp mới áp dụng?
Ông Thạch Như Sỹ: Chúng tôi lắng nghe mọi ý kiến, có
rất nhiều ý kiến tâm huyết, có trí tuệ, khoa học. Mọi ý kiến luôn được
chúng tôi phân tích để đánh giá việc mình làm và tổ chức rút kinh
nghiệm. Nhìn chung, đa số người dân đồng tình, ủng hộ cách làm của
chúng tôi trong việc phân luồng. Chúng tôi cũng rất quan tâm những ý
kiến chưa đồng tình, để tìm ra giải pháp khắc phục làm sao đem lại lợi
ích cho số đông tham gia giao thông.
PV: Thực tế cũng có những tuyến đường chưa thật sự
hợp lý. Ví dụ như phố Đặng Tiến Đông, quận Đống Đa sau phân luồng thì
tình trạng ùn tắc lại còn nghiêm trọng hơn, ông nghĩ sao?
Ông Thạch Như Sỹ: Khi tổ chức giao thông chúng tôi
phải nghiên cứu kỹ lưỡng mặt cắt, chiều rộng đường, lưu lượng người
tham gia giao thông, phương tiện tham gia giao thông... Tuyến phố Đặng
Tiến Đông mặt cắt hẹp, chúng tôi đã hướng dẫn cho xe đạp, xe máy, ô tô
con, xe tải, xe ca điểm quay đầu; nhưng nếu người tham gia giao thông
không chấp hành hướng dẫn thì rất khó xử lý. Vậy nên, có thể một lúc
nào đấy bạn tham gia giao thông và gặp phải một hoàn cảnh nào đấy cảm
thấy giao thông không được cải thiện, thế nhưng nhìn chung, theo đánh
giá của chúng tôi thì khu vực đấy đã được cải thiện về ùn tắc giao
thông.
PV: Giải pháp mà Hà Nội đang thực hiện chỉ là giải pháp tình thế, vậy bao giờ chúng ta mới có giải pháp mang tính bền vững?
Ông Thạch Như Sỹ: Cách đây 20 năm, nhiều người cho
rằng cầu Thăng Long, đường Phạm Văn Đồng, Trần Khát Chân là lãng phí vì
rộng quá, nhưng hôm nay chúng tôi đang phải chống ùn tắc giao thông ở
đây. Ngay cả cầu Ngã Tư Sở chúng tôi cũng đang suy nghĩ có phải chống
ùn tắc ở ngay gầm cầu hay không, bởi phải đáp ứng được yêu cầu dòng
phương tiện rẽ trái, rẽ phải, đi trên cầu. Trong khi cầu Ngã Tư Sở mới
giải quyết được dòng phương tiện đi trên cầu, dòng phương tiện từ đường
Láng, Trường Chinh ra mà có nhu cầu rẽ trái thì còn xung đột với dòng
phương tiện đi thẳng khi cùng một tín hiệu đèn.
Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải đang chỉ đạo chúng tôi chống xung
đột giữa hai dòng phương tiện này. Vì vậy, tôi cho rằng, các giải pháp
đang làm hiện nay cũng chỉ tạm thời, còn những giải pháp lâu dài thì
phải như hầm cầu Kim Liên. Hầm cầu Kim Liên bỏ ra hàng trăm tỉ đồng,
làm ba năm mới xong. Những giải pháp lâu dài phải kết hợp nhiều giải
pháp chứ không chỉ trông chờ cơ sở hạ tầng, ví dụ mở rộng mặt cắt
đường, tăng cường vận tải công cộng, người đi đường phải nghiêm chỉnh
chấp hành Luật Giao thông…
PV: Về mỹ quan đường phố, nhiều người đặt câu hỏi: Đến thời điểm 1.000 năm Thăng Long, liệu còn những hàng rào sắt như bây giờ?
Ông Thạch Như Sỹ: Trước hết phải nghĩ đến mục đích của
việc thiết kế. Ra nước ngoài, chúng tôi thấy những nước tiên tiến người
vẫn áp dụng. Các hàng rào ở giữa tách dòng phương tiện ra cần phải có
để đảm bảo các phương tiện phải chấp hành luật giao thông và đảm bảo an
toàn cho người tham gia giao thông. Đòi hỏi của người dân Thủ đô ngoài
việc tham gia giao thông an toàn thuận lợi nhưng phải đảm bảo tính mỹ
quan là chính đáng nên những hàng rào chúng tôi làm cũng cố gắng đảm
bảo tính mỹ quan.
PV: Có vẻ như ông đồng tình với quan điểm để tạo
nên ý thức của người tham gia giao thông cần có một giai đoạn quá độ là
cưỡng bức?
Ông Thạch Như Sỹ: Ở Việt Nam coi trọng biện pháp tuyên
truyền giáo dục để nâng cao ý thức của người tham gia giao thông nhưng
khi chúng tôi làm việc với Nhật Bản họ nói rằng, phải tăng cường cưỡng
bức, cưỡng chế giao thông, khi cưỡng bức mạnh thì ý thức sẽ tốt hơn. Ví
dụ, một người vượt đèn đỏ phạt nặng họ sẽ nhớ lâu. Vậy nên chúng tôi
thấy có lúc phải tuyên truyền nhưng có lúc phải áp dụng biện pháp cưỡng
bức mạnh mới hiệu quả vì ý thức tự giác của người dân chưa cao./.
|