Phải xử lý kỷ luật việc ban hành văn bản không hợp lý
GS.TS Nguyễn Minh Thuyết bày tỏ lo ngại trước hàng loạt các quy định
được ban hành mà "đắp chiếu" khiến dân coi nhẹ Văn bản quy phạm pháp
luật (VBQPPL) và nghi ngờ năng lực quản lý nhà nước.
 |
Quy định ghi tên bố mẹ vào chứng minh thư gây phản cảm |
GS Thuyết cho rằng, tình trạng ban hành
nhiều VBQPPL rồi “đắp chiếu” để đấy sẽ gây phí phạm tiền của bởi mỗi
nghị định, thông tư đều phải qua rất nhiều khâu biên soạn, thẩm định,
xét duyệt mới có thể được ban hành.
Chịu trách nhiệm về việc này, theo ông, là những cơ quan, cá nhân tham
mưu, ký ban hành những văn bản không hợp lý, không khả thi. Trong trường
hợp đó, phải bị xử lý để chấm dứt ngay tình trạng này.
Tùy từng trường hợp mà mức độ xử lý nặng nhẹ khác nhau, từ phê bình nhắc
nhở tới chuyển công tác hoặc phải chịu những hình thức kỷ luật đã quy
định trong Luật Cán bộ, công chức.
Bên cạnh đó, quy trình xây dựng và ban hành VBQPPL phải được thực hiện
nghiêm túc hơn. Không thể chấp nhận việc chỉ trong một thời gian ngắn có
quá nhiều VBQPPL “có vấn đề” như thế này được, GS.TS Nguyễn Minh Thuyết
nhấn mạnh.
Hàng loạt văn bản bị "tuýt còi"
Ngày 10/1, TS Lê Hồng Sơn - Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm
pháp luật (Bộ Tư pháp) ký văn bản "tuýt còi" Nghị định 105/2012 của
Chính phủ về tổ chức tang lễ cán bộ, công chức, viên chức.
Trong đó có quy định tang lễ công chức không quá 7 vòng hoa, không rắc
vàng mã, không sử dụng lắp kính quan tài. Nghị định đã được thông qua
nhưng nhận được nhiều ý kiến trái chiều, trong đó có nhiều ý kiến cho
rằng quy định đó là không hợp lý, không thể thực thi.
Quyết định 79 (năm 2007) của UBND TP Hà Nội quy định có “sổ đỏ” mới được
xây nhà; Quyết định 16, 17 (năm 2007) của Bộ GTVT buộc xã viên phải
chuyển xe vào sở hữu hợp tác xã; Quyết định 33, 34 (năm 2008) của Bộ Y
tế có nội dung quy định người thấp bé, nhẹ cân, ngực lép không được điều
khiển xe máy; Dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh
vực giao thông đường bộ do Bộ GTVT có nội dung tăng mức xử phạt vi phạm
giao thông ở Hà Nội và TP HCM; Quyết định 64/2009 của UBND TP.HCM về Quy
hoạch kinh doanh nông sản, thực phẩm trên địa bàn TP HCM.
Điển hình là quy định cấm bán thịt 8 tiếng của Bộ NN&PTNN, sau khi
được ban hành quy định này đã bị thu hồi, không thể thực hiện.
Ngày 17/9/2012, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết sẽ kỷ luật những đơn vị,
cá nhân liên quan đến việc soạn thảo Thông tư 33 (có yêu cầu bán thịt
trong 8 tiếng) và 34 (yêu cầu trứng bán lẻ phải có khử trùng, đóng gói,
có nhãn mác).
Đây là việc trách nhiệm thi hành công vụ. Tùy theo mức độ sẽ có hình thức kỷ luật, Bộ trưởng cho biết.
(Theo baodatviet.vn)