Theo phó giám đốc Sở Thông tin - truyền thông TP.HCM Võ
Văn Long: “Giới trẻ hôm nay đứng trước rất nhiều lựa chọn và ai sẽ định
hướng giúp họ chọn được con đường thông tin, biết tránh rác rưởi?
Đó chính là truyền thông”.
Giao lộ thiếu bảng chỉ đường
Phó chủ tịch Hội Nhà báo TP.HCM Huỳnh Dũng Nhân ví von
thực tế giới trẻ hôm nay đối diện hằng giờ với ngồn ngộn thông tin, như
người đứng giữa giao lộ thiếu bảng chỉ đường, vì thế không nên trách họ.
Ông nói truyền thông báo chí, phim ảnh, Internet ảnh hưởng rất mạnh đến
giới trẻ vì “báo chí, sách không chỉ cung cấp thông tin mà còn đem lại
giá trị chân thiện mỹ, định hướng văn hóa đọc, nghe, nhìn”.
Nhạc sĩ Phạm Đăng Khương, phó giám đốc Nhà văn hóa
Thanh niên, cho rằng còn thiếu sự định hướng chung trong truyền thông,
chỉ đạo không nhất quán nên đôi khi giới trẻ không biết thông tin nào
đúng, cái nào sai. “Không chỉ có sự định hướng mà người viết còn phải
tâm huyết và có đạo đức hơn với nghề” - ông Khương nhấn mạnh. Đồng ý,
phó bí thư Quận đoàn Tân Phú Hồ Tấn Đạt nói người viết cần có định hướng
đúng để chỉ dẫn người trẻ noi theo và “đừng để tiêu cực lên trang 1,
còn điển hình lại xuất hiện khiêm tốn một góc nhỏ”.
Khảo sát về văn hóa đọc tại 27 trường học trong TP mà
nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển thực hiện mới đây cho thấy học sinh tuổi càng
nhỏ lại đọc sách nhiều hơn lứa tuổi học sinh lớn hơn, sinh viên lại càng
ít đọc. “Có nhiều lựa chọn quá nên người ta sẽ chọn cái nào ít tốn tiền
hoặc không tốn tiền, ngày càng xa rời văn hóa đọc. Chưa kể dù báo chí,
văn học có nỗ lực nhưng tuyên truyền cái tốt ít thẩm thấu hơn cái xấu” -
ông nói. Không nghĩ vậy, anh Nguyễn Minh Hiếu - Nhà xuất bản Giáo Dục -
tự tin: “Giới trẻ không quay lưng với văn hóa đọc, chỉ là nên có thêm
những cách khác, chẳng hạn số hóa các xuất bản phẩm để người đọc có thể
đọc miễn phí hoặc trả một ít phí mỗi khi đọc”.
Cú đấm nghề nghiệp
Nhà báo Lưu Đình Triều, báo Tuổi Trẻ, khẳng định Tuổi Trẻ
đã có diễn đàn về việc thanh niên tham gia phát triển văn hóa dân tộc
từ trước khi nghị quyết T.Ư 5 (khóa VIII) ra đời. Xác định con người
chính là cái gốc để xây dựng nền văn hóa VN tiên tiến, đậm đà bản sắc
dân tộc nên “Tuổi Trẻ vẫn đang góp phần phát hiện, giới thiệu hình ảnh
mới chứ không dám gọi là hình mẫu của những thanh niên trong giai đoạn
mới từ nhịp sống đời thường, cụ thể” - ông Triều nói.
Tuy vậy, nhà báo Lưu Đình Triều nhìn nhận dù có tạo ra được “những cú đấm nghề nghiệp” có dấu ấn với bạn đọc nhưng vẫn chưa đủ.
Ngắn gọn, nhà báo Trần Hoàng Nhân, báo Thể Thao - Văn
Hóa, phát biểu: “Báo chí phản ánh mọi mặt nhưng phải có chọn lọc, và cả
người xem, người đọc cũng cần có ý thức khi tiếp nhận”. Liên quan ý thức
người tiếp nhận, nhà báo Đình Thắng - báo Tuổi Trẻ - nói có cảm giác
rợn người khi cộng đồng mạng hùa nhau “ném đá” một điều gì đó, một ai đó
trên mạng mà không nhận ra rằng điều mình làm, bình luận của mình đang
xúc phạm, làm tổn thương người khác vì chính người ném đá cũng chưa hiểu
hết việc họ đang làm. “Cơ sở Đoàn cũng nên xem giao tiếp Internet là
giao tiếp chính danh. Thành đoàn nên chăng có cuộc vận động sống và hành
xử đúng mực với Internet vì điều này đã xuất hiện và hiện tại có thể
chưa nhiều” - anh Thắng đề nghị.
Anh Mai Việt Hùng, Tổng công ty Bến Thành, đề xuất nên
cải biến trong xuất bản sách, chọn lọc vấn đề để cái nổi bật nhất đập
vào mắt người đọc, thay đổi cả cách đưa sách đến với số đông vì giới trẻ
không có nhiều thời gian để đọc. Chia sẻ song tổng giám đốc Nhà xuất
bản Trẻ Nguyễn Minh Nhựt cho rằng sách không chỉ cung cấp thông tin mà
còn nuôi dưỡng tâm hồn, giúp người ta sống tốt hơn. “Nên không phải sách
dày hay mỏng mà là giá trị thông tin và nếu thật sự mê sách thì thời
gian, giá cả chắc không thành vấn đề với mỗi người” - ông Nhựt nói.
Nhìn nhận vai trò tích cực của truyền thông báo chí,
xuất bản nhưng phó bí thư Thành đoàn Lâm Đình Thắng thừa nhận thực tế đã
xuất hiện nhiều nhóm bạn rất chủ động trong nhiều vấn đề, chẳng hạn một
sinh viên có thể làm được clip về lịch sử VN trong 10 phút rất thu hút
giới trẻ mà Đoàn chưa làm được. “Ban thường vụ Thành đoàn sẽ chủ động
giúp các phóng viên, biên tập viên hiểu Đoàn hơn, sẽ thay đổi tư duy,
phương pháp truyền thông của Đoàn lâu nay và sử dụng công cụ truyền
thông đắc lực để tạo ra môi trường văn hóa cho giới trẻ” - anh Thắng cam
kết.
Giới trẻ mong báo chí phản ánh đầy đủ khát vọng, mơ ước
Theo kết quả khảo sát vị thành niên, thanh niên tỉnh
Phú Yên năm 2011 vừa được công bố, bên cạnh những nội dung liên quan đến
nhận thức về sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục và phòng chống
HIV/AIDS..., sự quan tâm của người trẻ về báo chí cũng là một thông tin
đáng chú ý.
Khi được hỏi “Hãy nêu tên hai tờ báo/tạp chí mà bạn yêu thích nhất” thì kết quả khảo sát trong 690 bạn trẻ cho thấy báo Tuổi Trẻ
TP.HCM có hai ấn phẩm nằm trong top 10 tờ báo được giới trẻ ở Phú Yên
thích đọc. Trong đó Tuổi Trẻ nhật báo đứng vị trí thứ nhất và Tuổi Trẻ Cười đứng vị trí thứ 4. Ngoài ra Tuổi Trẻ Cuối Tuần cũng được xếp vị trí thứ 13/20 tờ báo được yêu thích nhất ở Phú Yên.
Kết quả khảo sát trên cho thấy giới trẻ trông chờ và
tin cậy tờ báo mà họ yêu thích phản ánh đúng, đầy đủ hơn những khát
vọng, mơ ước, những băn khoăn và kinh nghiệm hay của tuổi trẻ ở mọi
miền, trong bối cảnh đất nước đang phát triển với những biến động xã
hội. Không chỉ cung cấp thực trạng vấn đề, điều quan trọng hơn là định
hướng giá trị trong những chủ đề liên quan đến giới trẻ - điều mà thanh
thiếu niên thường không dễ xác định và lựa chọn khi gặp những vấn đề nảy
sinh trong cuộc sống.
Ngoài ra, bên cạnh việc giáo dục lòng yêu nước, tinh
thần trách nhiệm của công dân... người trẻ cũng rất cần ở báo chí những
bài viết nhẹ nhàng về giáo dục giới tính, giáo dục sức khỏe sinh sản...
|