Hầu hết các tác phẩm nổi tiếng nhất của ông đều đã được chuyển ngữ
sang tiếng Việt và được đông đảo bạn đọc chào đón nồng nhiệt: Rừng Na Uy, Biên niên ký chim vặn dây cót, Phía Nam biên giới phía Tây mặt trời, Kafka bên bờ biển, Xứ sở diệu kỳ tàn bạo và chốn tận cùng thế giới, Cuộc săn cừu hoang, Nhảy nhảy nhảy.
Sự nghiệp của tác giả Haruki Murakami
Sinh năm 1949, Haruki Murakami khởi đầu sự nghiệp sáng tác văn chương
của mình vào năm 29 tuổi, và chỉ trong vòng khoảng mười năm đã trở
thành một nhà văn danh tiếng tại Nhật Bản. Ông từng học về kịch nghệ và
mở một quán bar nhạc jazz mang tên Peter Cat tại Tokyo. Thành công
thương mại từ những cuốn sách đã giúp Murakami không phải tiếp tục kinh
doanh mà chỉ chuyên chú cho viết văn và các sở thích riêng, trong đó nổi
bật hàng đầu là âm nhạc.
Murakami sống khép kín, ít giao tiếp, nhiều thời gian sống ở nước
ngoài, cả ở châu Âu và Mỹ; tại phương Tây ông cũng được đón nhận nồng
nhiệt, trở thành nhà văn Nhật Bản nổi tiếng nhất ở nước ngoài.
Hiện nay ông sống giữa Nhật Bản và Hawaii và nhiều lần được coi là
ứng cử viên sáng giá cho giải Nobel Văn chương. Ông viết hư cấu nhưng
cũng là tác giả của một số tác phẩm non-fiction về xã hội Nhật Bản, nổi
bật là Ngầm và Sau cơn động đất.
Haruki Murakami cũng là một dịch giả quan trọng, ông dịch sách như
một sự tri ân với các bậc thầy Mỹ mà ông chịu nhiều ảnh hưởng: Truman
Capote, Raymond Carver, Raymond Chandler, F. Scott Fitzgerald, John
Irving, J. D. Salinger, Tim O’Brien, Paul Theroux…
Ông từng nhận giải thưởng Franz Kafka Prize và Jerusalem Prize cùng nhiều giải thưởng khác.
Tác phẩm mới nhất - 1Q84
Tác phẩm mới nhất của Murakami - 1Q84 ra mắt tại Nhật Bản năm 2009, ngay lập tức lọt vào "căn nhà 1 triệu bản in" - giấc mơ của mọi cây viết trên thế giới.
Murakami tiết lộ, ông viết cuốn tiểu thuyết trong vòng hai năm, bắt
đầu từ cuối năm 2006, khi đang đi nghỉ tại Hawaii. Cuốn tiểu thuyết mới
được định hướng đi sâu vào thế giới tâm lý và tình cảm của người phụ nữ,
vì vậy, tình dục chiếm dung lượng nhiều hơn so với bất cứ cuốn sách nào
của ông trước đây.
1Q84 chia làm 3 tập truyện, với dung lượng gần 1500 trang. Giống như trong Kafka bên bờ biển, Xứ sở diệu kỳ tàn bạo và chốn tận cùng thế giới, 1Q84
cũng thay đổi luân phiên giọng kể, một chương từ điểm nhìn của Aomame
lại đến một chương từ điểm nhìn của Tengo. Hai câu chuyện gần như độc
lập nhưng vẫn có những điểm chung, và đều diễn ra vào thời điểm năm 1984
(chữ “Q” trong “1Q84” là viết tắt của “Question”, câu hỏi).
Aomame là một cô gái mang cái tên khá kỳ cục trong tiếng Nhật (có
nghĩa là “Đậu Xanh”), cô làm nghề huấn luyện thể lực cho phụ nữ và nuôi
một mối căm thù đàn ông bắt nguồn từ cái chết của Tamaki, cô bạn gái
thân thiết. Aomame có thể lực đặc biệt vững chắc, tinh thần sắt đá và có
khả năng thực hiện những công việc rất khó khăn với một sự bình tĩnh
phi thường. Cô làm việc cho một bà già tỉ phú, chủ nhân của “Biệt thự
Cây Liễu”, giúp bà xử lý nhiều vụ việc phức tạp. Công việc sẽ lôi kéo
Aomame vào những hiểm nguy và bất ngờ khó lường.
Mọi việc bắt đầu với một chuyến taxi: đang chuẩn bị giải quyết một vụ
việc quan trọng cho bà tỉ phú chủ nhân “Biệt thự Cây Liễu” thì Aomame
bị tắc đường trên cao tốc Thủ đô, Tokyo. Người tài xế taxi chỉ cho cô
cách thoát ra khỏi đoàn xe nghẽn ứ trên đường cao tốc và trước khi chia
tay, ông ta nói một câu rất bí hiểm: “Sự vật chẳng bao giờ giống vẻ bề
ngoài của nó đâu”. Câu “thần chú” này ứng nghiệm ngay sau đó: trước mắt
Aomame mọi thứ bỗng mang một hình thức xa lạ, bất ổn. Cô vẫn hoàn thành
các công việc của mình, vẫn tiếp tục giải trí theo cách của cô ở chỗ các
khách sạn hạng sang cùng những người đàn ông trung niên ưa nhìn, nhưng
sự hoang mang đã nảy sinh trong lòng cô: trang phục cảnh sát bỗng trở
nên khác lạ, súng mà họ mang rất khác trong ký ức của cô, và cô phát
hiện ra rằng mình hoàn toàn bỏ qua mất nhiều sự kiện nghiêm trọng.
Aomame rơi vào tình trạng phải rượt đuổi quá khứ, tìm hiểu lại nhiều
điều. Đặc biệt, cô bắt đầu nhìn thấy trên trời có hai mặt trăng.
Cùng lúc đó, những vụ việc mới dần đẩy Aomame vào thế đối đầu với một
giáo phái đặc biệt kỳ bí và nguy hiểm, giáo phái Sakigake, ẩn chứa
nhiều dấu hiệu tội ác đồi bại, nằm dưới sự điều hành của một viên giáo
chủ quyền lực và kỳ quái.
Ở tuyến truyện thứ hai, Tengo làm nghề dạy học, anh dạy toán cho các
trường dự bị, là một người đặc biệt có năng lực trong công việc giảng
dạy, nhưng niềm đam mê đích thực của anh lại là viết văn, tuy vậy anh
chưa gặt hái được thành công nào trong lĩnh vực này. Tengo làm việc cho
nhà xuất bản Komatsu và đến một ngày, Komatsu đưa cho anh bản thảo một
tác phẩm tham dự cuộc thi ở tờ tạp chí văn nghệ. Tác phẩm này của một cô
bé 17 tuổi tên là Fukaeri, mang tên Nhộng không khí. Cả Tengo
và Komatsu đều nhận thấy đây là một cuốn tiểu thuyết kỳ lạ, thể hiện một
tài năng lớn và trí tưởng tượng siêu phàm, nhưng lại có lối hành văn
của một đứa trẻ.
Kế hoạch được Komatsu dựng nên là Tengo viết lại Nhộng không khí
thành tác phẩm hoàn chỉnh nhằm đoạt các giải thưởng văn chương. Sự cuốn
hút của công việc này lớn đến mức Tengo không từ chối nổi, mặc dù trong
tâm lý anh không hề cảm thấy thoải mái. Anh bước vào công việc này và
dần dần khám phá về Fukaeri, thế giới nội tâm của cô, câu chuyện kỳ lạ
mà Fukaeri kể về những Người Tí Hon, thân phận đặc biệt của Fukaeri (cô
là con gái của một yếu nhân của giáo phái Sakigake). Tengo cũng tiếp xúc
với thầy giáo Ebisuno, người giám hộ cho Fukaeri và được nghe kể về
lịch sử giáo phái Sakigake, gắn liền với câu chuyện về Fukada Tamotsu,
bạn thân của Ebisuno và là cha của Fukaeri. Fukada đã mất tích một cách
bí ẩn và giáo phái Sakigake cũng biến đổi tính chất, trở thành một chốn
không thể xâm nhập.
Sang tập 2 của truyện, Aomame nhận lời với bà chủ sẽ
kết liễu Lãnh Tụ - người đứng đầu giáo phái Sakigake. Aomame đột nhập
vào trụ sở của tổ chức này, được biết rằng Lãnh Tụ chính là cha ruột của
Fukaeri, cũng là người duy nhất trong giáo phái có thể nghe được giọng
nói từ người Tí Hon. Khi gặp Lãnh Tụ, cô nhận thức được rằng nếu giết
chết người này thì cũng sẽ đảo lộn thế giới mà cô từng biết, đồng thời
có thể gây nguy hiểm tới người con trai mà chưa bao giờ cô ngừng nghĩ
đến.
Những chuyện bất ngờ không ngừng xảy đến với Tengo. Dần dần
anh cũng biết được vai trò của mình trong guồng quay của các
sự kiện, và nhận ra rốt cuộc thì thực tại quanh anh không
giống như anh nghĩ. Tengo bị theo dõi bởi Ushikawa, một nhân vật được
Sakigake thuê để điều tra về mối quan hệ của anh với tác phẩm Nhộng không khí, và
cả Aomame. Anh bắt đầu nhận thấy những mối hiểm nguy từ giáo phái
Sakigake. Khi gặp lại Fukaeri cùng hàng loạt hiện tượng kì bí, anh nhận
ra rằng thế giới của mình cũng bắt đầu thay đổi, và thế giới đó ngày
càng xích lại gần Aomame hơn.
Tập 3, cũng là tập cuối của tác phẩm, sẽ được Nhã Nam cho ra mắt trong năm 2013.
Báo chí trong nước và quốc tế dành không ít lời ca tụng các tác phẩm của Murakimi. Tờ The New York Times Book Review viết: “Murakami
giống như một nhà ảo thuật đang diễn giải những gì mình thực hiện trong
lúc biểu diễn song vẫn khiến người ta tin rằng ông sở hữu một sức mạnh
siêu nhiên… Trong khi bất cứ ai cũng có thể kể một câu chuyện giống như
một giấc mơ, ông là một trong số ít nghệ sĩ có thể khiến chúng ta thấy
mình thực sự đang mơ, giống như với tiểu thuyết này”.
Nhằm tạo cơ hội để độc giả gặp gỡ, trao đổi sâu hơn nữa về Murakami, 1Q84
cũng như các tác phẩm đã được chuyển ngữ sang tiếng Việt của ông, đồng
thời có cái nhìn cụ thể hơn về vị trí của văn học Nhật Bản ở Việt Nam
hiện nay, Trung tâm Giao lưu Văn hoá Nhật Bản tại Việt Nam phối hợp với
Công ty Cổ phần Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam tổ chức buổi tọa đàm Thế giới trong gương của Haruki Murakami vào lúc 9h00, thứ Sáu, ngày 18/1/2013 tại Sân Trung tâm Giao lưu Văn hoá Nhật Bản tại Việt Nam, 27 Quang Trung, Hà Nội
Tọa đàm có sự tham gia của các diễn giả: Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên, TS. văn học Trần Tố Loan, Dịch giả Trần Tiễn Cao Đăng, Dịch giả Lương Việt Dũng.
(Theo ictpress.vn)