Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Tin tức    Tin tổng hợp
Thứ năm, 17/01/2013 09:15
Chiến lược đề cử Di sản tư liệu thế giới
Vì không có địa phương nào đăng ký lập hồ sơ vào năm ngoái nên chuỗi thành tích bốn năm liên tục có danh hiệu về Di sản tư liệu của Việt Nam sẽ tạm ngừng trong năm 2013 này.

“Luật hóa” việc đề cử Di sản tư liệu
Cùng với hai hạng mục Di sản vật thể và phi vật thể, Di sản tư liệu cũng là một trong những mục tiêu để Việt Nam nhận về các danh hiệu cấp thế giới từ UNESCO thời gian qua. Tuy nhiên, trong khi việc đề cử hai loại hình Di sản vật thể và phi vật thể lên UNESCO đã được “luật hóa” rõ ràng bằng các văn bản, thì lại chưa có một quy chế cụ thể nào đối với việc tổ chức đề cử cho danh hiệu Di sản tư liệu. Trước thực tế này, vừa qua, Bộ Nội vụ đã chính thức công bố quyết định thành lập Ủy ban Quốc gia về chương trình Ký ức thế giới. Trước đó, Việt Nam chỉ có một ban điều phối cho chương trình này, với đầu mối đặt tại Cục văn thư lưu trữ nhà nước.

Trong buổi công bố, ông Nguyễn Mạnh Thắng, Phó tổng thư ký Ủy ban UNESCO Việt Nam, Phó vụ trưởng Vụ Văn hóa đối ngoại và UNESCO (Bộ Ngoại giao), cho biết với việc Ủy ban Quốc gia về chương trình Ký ức thế giới được thành lập, ủy ban sẽ sớm xây dựng một hội đồng xét duyệt hồ sơ quy tụ đủ những chuyên gia về di sản, cũng như đại diện những cơ quan có vai trò liên quan tới chương trình này. Cũng theo ông Nguyễn Mạnh Thắng, ủy ban sẽ tiếp tục hoàn thiện các quy chế đề cử Di sản tư liệu. Tương ứng với các tiêu chí xét duyệt do UNESCO đưa ra, quy chế đề cử Di sản tư liệu của Việt Nam có vai trò lựa chọn những di sản có khả năng chiến thắng cao nhất để đưa đi đệ trình.

Cần xem lại những bài học kinh nghiệm

Trước mắt, tháng 9-2013 là hạn cuối để chúng ta nộp hồ sơ cho đợt xét tặng danh hiệu Di sản tư liệu ở cấp độ khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Theo thông tin từ UNESCO, đợt đệ trình vào tháng 9-2013 tới sẽ không hạn chế về số bộ hồ sơ của mỗi quốc gia (so với quy định trước đó là tối đa hai hồ sơ/quốc gia cho các đợt xét danh hiệu cấp độ thế giới).


Mộc bản triều Nguyễn là Di sản tư liệu thế giới đầu tiên của Việt Nam do UNESCO công nhận ngày 31-7-2009

Tuy nhiên, rất khó nói trước rằng Việt Nam nên đệ trình bao nhiêu di sản trong đợt này. Bởi vì thực tế quá khứ đã chỉ ra rằng, việc có nhận được danh hiệu Di sản tư liệu thế giới hay không còn phải phụ thuộc rất nhiều vào khâu chuẩn bị hồ sơ một cách chính xác, khoa học và gần nhất với các tiêu chí  do UNESCO đưa ra. Việc lập hồ sơ của ba Di sản tư liệu thế giới lần trước đã giúp chúng ta có những bài học cụ thể. Chẳng hạn như, sau thất bại lần đầu vào năm 2011, hồ sơ Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm đã được viết lại và bổ sung rất nhiều để có thể “đạt chuẩn” và nhận danh hiệu cấp khu vực vào năm 2012. Từ đó, kinh nghiệm cho thấy, không phải cứ trình bày hết tất cả những giá trị của di sản vào hồ sơ là thành công. Ngược lại, điều quan trọng nhất mà UNESCO yêu cầu chính là sự khoa học, súc tích, bám chặt những tiêu chí. Ngoài ra, cũng cần chú trọng đến việc dịch hồ sơ. Do hồ sơ được viết bằng tiếng Anh hoặc Pháp nên để hồ sơ đạt chất lượng, cần tìm những chuyên gia vừa giỏi về ngôn ngữ lại có kiến thức sâu về di sản, văn hóa. Thậm chí, sau khi dịch xong, nên mời một người thuộc ngôn ngữ gốc làm trong lĩnh vực văn hóa đọc hiệu đính. Bởi họ sẽ là người có cảm nhận chính xác và khách quan về hồ sơ.

Việt Nam đang có khá nhiều ứng cử viên Di sản tư liệu có thể được lựa chọn để đệ trình lên UNESCO như: Châu bản triều Nguyễn, Ngự phê triều Nguyễn, Bản đồ hành chính VN trong thời kỳ triều Nguyễn, đặc biệt là Bản thu âm Tuyên ngôn Độc lập của Hồ Chủ tịch vào năm 1945. Và với tiềm năng như vậy, tin rằng trong tương lai Việt Nam sẽ sớm nâng cao hơn số Di sản tư liệu của mình.


(Theo congan.com.vn)

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)