Thứ sáu, 18/01/2013 09:08
Nỗi cô độc thứ 25?
Choán hết mọi suy nghĩ của tôi khi đọc lại nhiều lần tập thơ “Giờ thứ 25” của nhà thơ Phạm Đương - vừa được giải thưởng của Hội Nhà văn VN, là một nỗi cô độc đến chơi vơi.

Tuy không gân guốc câu chữ, nhưng lại khiến người đọc phải bận tâm khi suy nghĩ đến nhiều lẽ trong cuộc đời này.
Khi trải lòng với nỗi cô đơn, được, mất, Phạm Đương lại cuộn mình vào
trong một góc nhỏ của cuộc sống, để viết theo cách tưng tửng mà chát, mà
đau. Vệt loang của quá khứ, ánh sáng của hiện tại, rồi chùm sao phía
tương lai, đó là những điều được Phạm Đương trải nghiệm trong suốt tập
thơ “Giờ thứ 25”.
Tình yêu trong thơ Phạm Đương không ẩn chứa quá nhiều ý nghĩa mà người
ta phải soi đoán. Đôi khi đó chỉ đơn giản là “sóng lòng”. Không ai có
thể dò được “sóng lòng” khi mọi thứ trên đời này không vĩnh cửu. Mọi thứ
có thể bị xóa nhòa, hoặc biến mất vĩnh viễn chỉ trong giây lát. Đó là
cách đắn đo khi tác giả đứng ở góc của một tâm hồn nhạy cảm, để nhận ra:
“Những chiếc xe cọc cạch/ Mệt mỏi cõng trên lưng hào quang quá khứ/
Đang lao về phía xó núi này/Tạo thành những con sóng ảo/ Em có thấy
không?” (Sóng ảo).
Người viết cũng nhận nỗi cô độc để thấy mình không thể cô độc hơn trong
bốn bức tường thời gian - cuộc đời - nhân thế. Tình yêu chỉ còn lại
trong những ẩn ức của đôi câu thơ, viết ra giữa nỗi chờ đợi khoắc khoải
và có cả sự ngang tàng, bất cần mọi thứ. Đặt ra một câu hỏi, để không
chua chát với cuộc đời, với EM trong bất cứ một ngữ cảnh nào.
Tôi muốn nói về nỗi cô độc được đơm - nén trong thơ Phạm Đương, bởi, khi
cô đơn, người viết mới thực sự hiểu được chính mình. Khi cô đơn, viết
để giải tỏa phần nào tâm trạng. Có thể, những bài thơ đôi khi là một sự
lắp ghép tâm trạng thực sự, nhưng khác hơn, đó là một tâm trạng sống.
Nhưng khi cô độc, dù ta có gắng hét lên bằng tất cả tâm lực thì trả lại
ta vẫn là tiếng vọng cô đơn gấp nhiều lần: “Thế giới không gian ba
chiều/Mà anh cứ nghêu ngao chín chiều đau ruột/Thế giới bao la thế giới
chật hẹp/Nhấp chuột là gặp cung trăng/Nhấp chuột là gặp tận tùng li ti
virut/ Thử kêu lên một tiếng/Liệu có ai nghe anh không?” (Thử kêu lên
một tiếng)…
Tôi thích bài thơ “Lính đất Mũi” của anh: “Khoác trên vai những người
lính nơi này/ Bộ quân phục phù sa mang về từ châu thổ/Phía trước mặt là
bước chân mở đất/Phía sau lưng là đôi tay giữ nước/Trĩu nặng hai vai đất
đai tổ quốc/Những- người - lính - đước...”. Đó là hình ảnh những người
lính hình tượng trong thơ Phạm Đương. Những cây đước thiên nhiên dành
riêng cho vùng sông nước Cửu Long, để giữ đất, giữ nước, giữ người. Chạm
vào khoảnh khắc ấy của nơi tận cùng tổ quốc, anh thốt lên bằng lời thơ
mộc mạc, đơn giản, nhưng trọn vẹn nghĩa tình. Đây là bài thơ anh viết
trong lần đi dự trại sáng tác do Tạp chí Văn nghệ Quân đội tổ chức. Anh
bỏ Sài Gòn, nhảy xe đò trốn biệt về Cà Mau. Rồi một hôm thấy xuất hiện,
nét mặt rạng ngời, nụ cười sang sảng, anh đọc bài thơ “Lính đất Mũi” khi
chúng tôi ngồi uống rượu bên sông Tiền. Anh nhìn ra sông, giọng lặng
xuống, đúng là yêu quá mảnh đất cuối cùng của mẹ Việt Nam!
Với “Giờ thứ 25”, tôi đã gặp hơn một tâm hồn Phạm Đương lãng mạn và tài
tử, giữ mãi nét cười sang sảng khi trải lòng, nghe để hai vai đời bớt
nặng!
Phạm Đương quen thuộc với độc giả báo chí qua bút danh Trần
Đăng - từng là cây viết phóng sự, sự kiện sắc sảo của báo Lao Động trong
nhiều năm. Là một phóng viên dấn thân, anh luôn có mặt tại những điểm
nóng thiên tai bão lũ miền Trung hay những vùng cao ở tỉnh Quảng Ngãi để
viết về cuộc sống vất vả của người dân tộc thiểu số. Sinh ra ở Quảng
Ngãi, Trần Đăng cũng làm người đọc “ngấm” với những bài viết sâu sắc về
cuộc sống của người dân đảo Lý Sơn hay về việc bảo vệ chủ quyền ở Hoàng
Sa. Anh cũng thường viết về sự hàn gắn và hồi phục sau chiến tranh ở một
trong mảnh đất từng hứng chịu nhiều bom đạn nhất. Trong cuộc sống hằng
ngày, Trần Đăng hóm hỉnh, duyên dáng, tếu táo khi “xuất bản mồm”, nhưng
thơ anh đầy suy ngẫm. Anh nói, thơ, với anh, là bạn đồng hành lặng lẽ.
“Giờ thứ 25” là lúc anh thoát ra khỏi những tục lụy thường tình, để nói
tiếng nói từ trái tim về đất nước, về đồng bào, về tình yêu và về chính
mình.
(Theo laodong.com.vn)
|
|