Tìm lời giải cho việc giải quyết ùn tắc, phát triển giao thông của Hà Nội
Các con phố của Hà Nội đang quá tải và tắc nghẽn
Theo
GS.TSKH Cường, hiện tại diện tích đường của Hà Nội quá nhỏ, chỉ chiếm
khoảng 6,8% diện tích đô thị, trong khi trung bình của thế giới là
15-25%. Mật độ mạng lưới đường Hà Nội còn thấp và phân bố không đều,
mới đạt 4,08km/km2 cho tất cả các loại đường ở các quận nội
thành cũ. Mật độ phương tiện giao thông theo đăng ký đã đến mức báo
động: cứ 1km đường phải gánh đến 500 ô tô và 5.500 xe máy. Hiện tại,
diện tích đường của Hà Nội chỉ đáp ứng 40% lượng phương tiện giao thông
đăng ký bao gồm khoảng 220.000 ô tô và 2,4 triệu xe máy. Đó là chưa kể
đến lượng phương tiện giao thông từ ngoại tỉnh đổ về Hà Nội mỗi ngày.
Vỉa hè bị chiếm dụng ở nhiều nơi làm chỗ để xe, kinh doanh, buôn bán,
người đi bộ chủ yếu phải đi dưới lòng đường là vấn đề xã hội bức xúc.
Nhiều
tuyến đường có lòng đường hẹp (không đủ 6 làn xe), không tương xứng với
cấp hạng mà nó đảm nhiệm như đường Tôn Đức Thắng – Nguyễn Lương Bằng-
Tây Sơn, Hoàng Hoa Thám, Kim Mã – Cầu Giấy – Xuân Thủy, Nguyễn Văn Cừ,
Ngô Gia Tự…Nếu theo chức năng được quy định, các đường đó phải rộng 60
– 80m, số làn xe theo quy định phải là 6- 8- 10 làn, nhưng trong thực
tế chúng chỉ rộng từ 3-6 làn xe nên luôn trong tình trạng quá tải dẫn
đến ùn tắc. Đặc biệt, đường Cầu Giấy, Xuân Thủy chỉ rộng toàn bộ 33m,
hiện là quá hẹp, nhất là trong tương lại khi có cả đường sắt trên cao
đi trên tuyến đường này.
Bên
cạnh đó, hầu hết các đường phố không có đất dự trữ. Nhiều đường phố
chính sẽ quá tải trong 10 năm tới mà không có cách nào mở rộng được.
Giao thông trên đường chủ yếu là giao thông hỗn hợp: xe thô sơ, cơ
giới, xe hai bánh, bốn bánh đều đi chung nên tốc độ luôn bị hạn chế,
gây va chạm. Xe buýt luôn cắt các dòng xe máy, xe đạp nên kém an toàn.
Các đường vành đai đã có trong bản đồ quy hoạch từ đầu những năm 60
nhưng cho đến nay chưa được thông, các đường hướng tâm chậm mở rộng làm
ảnh hưởng lớn đến giao thông toàn thành phố…
Clémen
MUSIL – Thuộc Dự án đào tạo chuyên ngành đô thị cũng nhận xét: “Giờ
đây, các con phố Hà Nội luôn tắc nghẽn và chứa đựng lưu lượng người đi
lớn. Ví dụ, hàng ngày có khoảng 330.000 người đi qua cầu Chương Dương
và Long Biên để qua sông Hồng và có khoảng 410.000 người dân thành phố
mỗi ngày đi qua đại lộ Nguyễn Trãi ở Hà Đông để tới trung tâm thành
phố. Hiện nay phần lớn phương tiện di chuyển là xe máy. Nếu số lượng
người trên những trục đường chính trên sử dụng ô tô riêng, cần tới gần
10 làn đường trên cầu Chương Dương và 14 làn trên đường Nguyễn Trãi.
Phải thừa nhận rằng, hiện nay nếu gần 90% số người di chuyển bằng xe
máy và bằng phương tiện giao thông công cộng, chúng ta đã đạt chuẩn
điểm bão hòa về hệ thống giao thông đường bộ của Thủ đô”.

Người dân Thủ đô đi lại tại hầm xe cơ giới Nút giao thông Kim Liên
Ông
Nguyễn Văn Bức – Công ty CP tư vấn quốc tế xây dựng và giao thông Hà
Nội đánh giá: Tốc độ xây dựng các đường giao thông trong khu vực các
quận nội thành quá chậm do thiếu vốn đầu tư và do quá trình đền bù, tái
định cư, giải phóng mặt bằng kéo dài, phải trải qua quá nhiều công đoạn
và phải được sự tham gia của nhiều cấp, nhiều ngành.
Theo
tính toán của các chuyên gia, nếu cải tạo mở rộng và làm thêm các đường
phố mới để các quận nội thành đạt được chỉ tiêu quy hoạch có 20-25%
diện tích đất dành cho giao thông, và đơn giá áp dụng cho các tuyến Ngã
Tư Sở và đường Kim Liên – Ô Chợ Dừa, cần 14 tỷ USD cho chi phí đền bù,
giải phóng mặt bằng, tức là tương đương với chi phí Malaysia xây dựng
thành phố ước mơ. Chi phí, đền bù, giải phóng mặt bằng ở nội thành Hà
Nội trong những năm gần đây thường gấp 6- 8 lần chi phí thi công xây
lắp đường giao thông; ví như: đường vành đai I từ Ô Chợ Dừa đến Kim
Liên dài 1080m đã phải chi khoảng 600 tỷ đồng cho giải phóng mặt bằng,
xây lắp 100 tỷ đồng; Nút Ngã Tư Sở chi phí khoảng 1000 tỷ đồng GPMB
trong tổng vốn đầu tư 1200 tỷ đồng…
Cần tập hợp trí tuệ toàn dân để giải quyết bài toán giao thông Thủ đô
Để
khắc phục những yếu kém trên thành phố Hà Nội đang triển khai nhiều dự
án đẩy mạnh phát triển giao thông. Theo GS.TSKH Cường, để giao thông Hà
Nội sớm góp phần biến đổi thành phố trở nên thân thiện – sống tốt cần
phải có nhiếu biện pháp. Đó là cần tăng nhanh hơn nữa tốc độ phát triển
giao thông thành phố. Các dự án đường sắt đô thị đã được đề xướng cách
đây 11 năm (1998) nhưng cho đến nay chưa làm được gì đáng kể. Cần nhanh
chóng thông các đường vành đai I, II, III, mở rộng các đường hướng tâm
tạo mạng lưới hoàn chỉnh sẽ góp phần giảm ùn tắc và cải thiện đáng kể
tình hình giao thông của toàn thành phố.
Bên
cạnh đó, cần hạn chế phát triển lượng giao thông cá nhân, nhất là xe
máy. Trong lương lai cần giảm xuống mức dưới 2000 xe máy/1000 dân, ô tô
con tăng phụ thuộc mức độ cải thiện tình hình giao thông của toàn thành
phố. Thành phố Hà Nội cũng cần coi giao thông công cộng là một hoạt
động phúc lợi xã hội được nhà nước đặt biệt quan tâm, có chế độ trợ vé,
trợ giá cho người lao động, người khuyết tật; Phối hợp tốt giữa các
phương tiện giao thông công cộng với nhau: tàu điện ngầm với đường sắt
nhẹ, xe buýt, xe buýt nhanh (có làn dành riêng). Ở các đường phố chính,
TP Hà Nội có thể chia tách các dòng xe như tách ô ô tô với xe máy và xe
đạp, tách phần xe chạy nhanh với xe chạy chậm, sẽ tăng cường trật tự đi
lại, và thông xe an toàn. Hiện nay ở TP Hồ Chí Minh đã có 3 đường thuộc
dạng này, đó là đại lộ Nguyễn Văn Linh, đường Trường Chinh, Điện Biên
Phủ; Đà Nẵng có đường Ngô Quyền; Hải Phòng có đường Lê Hồng Phong và Hà
Nội chưa có đường mới nào ngoài đường Nguyễn Trãi.
GS.TSKH
Cường cũng đề xuất, nên khống chế thời gian đi lại của người dân trong
nội thành là 30 phút (khống chế bằng sử dụng phương tiện giao thông
công cộng có tốc độ cao). Ngoài ra để giải quyết việc đi lại thuận tiện
của cư dân hai bên bờ sông Hồng đoạn giữa hai cầu Chương Dương và Vĩnh
Tuy cách nhau 4km, nơi có mật độ dân cư cao, thành phố nên xây dựng
thêm hầm hoặc cầu ở giữa hai cầu trên, đồng thời tạo trục giao thông
mới cho thành phố.
Ông
Nguyễn Văn Bức cũng đề xuất: cần gắn quy hoạch cơ sở hạ tầng giao thông
với quy hoạch sử dụng đất đô thị ở hai bên đường như UBND TP Hà Nội đã
chỉ đạo các quận, huyện xây dựng các khu nhà ở chia lô để đấu thầu tạo
vốn phát triển cơ sở hạ tầng cho địa phương. Đó là giải pháp đầu tư
phát triển đô thị theo cơ chế kinh tế thị trường: Nhà đầu tư cần được
hưởng lợi do giá đất gia tăng khi chuyển từ đất nông nghiệp sang đất đô
thị, đồng thời cũng là phương án hiệu quả để khắc phục tình trạng chiếm
dụng đất, xây dựng tùy tiện ở hai bên các đường giao thông mới xây dựng
theo quy hoạch.
Những
ý kiến của các chuyên gia trên được ghi lại từ hội thảo khoa học: “Hà
Nội: Thành phố sống tốt - thân thiện của cộng đồng”, vừa được Hội quy
hoạch phát triển đô thị VN phối hợp với Tổ chức HealthBrige
Canada và trung tâm toàn cầu hóa Trường đại học
Hawaii tổ chức tại Hà Nội.
Tại
hội thảo các chuyên gia cũng đưa ra ý kiến, để giao thông Hà Nội đáp
ứng được những đòi hỏi của một thành phố thân thiện – sống tốt cần thu
hút được trí tuệ của toàn dân, các nhà quản lý, sự quyết tâm của các
nhà lãnh đạo trong thời gian cũng như trước mắt và lâu dài.
Theo Hà Nội Mới