Nếu không cẩn trọng, việc tu bổ có thể sẽ dẫn đến “giết hại” di tích. |
Theo
kiến trúc sư Lê Thành Vinh, Giám đốc Viện bảo tồn di tích, ở Việt Nam
hiện nay, cùng với việc bảo tồn, tu bổ di tích, trào lưu tôn tạo, xây
mới tại các khu di tích đang diễn ra khá phổ biến và rầm rộ. Hầu như tất
cả các dự án tu bổ di tích đều có phần việc tôn tạo, xây mới. Bên cạnh
những dự án được đánh giá khá tốt tại chùa Hoa Yên, chùa Đồng Yên Tử hay
phần phụ trợ, cảnh quan ở đình Tây Đằng, đình Chu Quyến... thì cũng có
những di tích bị sai lệch, thay đổi và mất mát giá trị do xây mới tùy
tiện như ở khu di tích Lam Kinh (Thanh Hóa), đình Kim Liên, chùa Trấn
Quốc, hay gần đây nhất là chùa Trăm Gian ở Hà Nội. Điều đó cho thấy,
hoạt động tôn tạo, xây mới trong tu bổ di tích là rất đa dạng, phức tạp,
nếu không cẩn trọng rất có thể sẽ dẫn đến “giết hại” di tích.
PGS.TS
Trương Quốc Bình, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia cho rằng,
một trong những nguyên nhân cơ bản nhất của tình trạng trên là do những
bất cập của công tác quản lý. Ông Bình cho rằng, những chính sách và
biện pháp để gìn giữ, tôn tạo các di tích lịch sử, công trình kiến trúc
và cảnh quan di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh còn thiếu hệ thống,
thiếu đồng bộ, và vì thế việc thực thi chức năng quản lý nhà nước của
các cấp, các ngành còn nhiều hạn chế. Tác động mạnh mẽ của cơ chế thị
trường với sự đầu tư ồ ạt vào giao thông, xây dựng, phát triển du lịch
và đặc biệt là khai thác tài nguyên khoáng sản... cũng đã và đang tạo
nên những vi phạm không nhỏ đến di tích và môi trường cảnh quan của các
di tích. Thêm vào đó, bản thân các hoạt động tu bổ, tôn tạo di tích cũng
còn nhiều tồn tại, khiếm khuyết do nhận thức chưa đúng của một số lãnh
đạo địa phương, cơ chế chính sách cho hoạt động tôn tạo chưa phù hợp...
GS.TS.KTS
Hoàng Đạo Kính - Ủy viên Hội đồng di sản văn hóa quốc gia, Phó Chủ tịch
Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng kiến trúc, chỉ ra ba nguy
cơ lớn nhất với di sản văn hóa hiện nay: Thứ nhất là tôn tạo quá đà,
trùng tu quá tay. Thứ hai là xây dựng cơ bản hóa công tác trùng tu di
tích và thứ ba là làm kinh tế bằng di sản, du lịch hóa di tích... Ông
Kính cho rằng, cả ba nguy cơ này đều lớn và cực kỳ nguy hại và đã đến
lúc các nhà quản lý, các nhà chuyên môn phải lên tiếng không chỉ bằng
văn bản, mà phải đặt lại vấn đề bảo tồn một cách nghiêm túc.
Để
khắc phục những tồn tại và bất cập trong công tác bảo tồn di tích,
PGS.TS Trương Quốc Bình cho rằng, cần tăng cường công tác quản lý nhà
nước, thực hiện nghiêm các quy định pháp luật về di sản và di tích, đặc
biệt là các quy định về bảo tồn, tôn tạo di tích...; Lập lại trật tự
trong việc cấp phép tu bổ, tôn tạo di tích. Tăng cường kiểm tra, phát
hiện và xử lý các hành vi tiêu cực làm biến dạng di tích như tu bổ, tôn
tạo sai thiết kế kỹ thuật... để ngăn chặn kịp thời những sai phạm xảy
ra.
Đồng
tình với quan điểm này, PGS.TS Đỗ Văn Trụ, Phó Chủ tịch thường trực Hội
Di sản văn hóa Việt Nam cho rằng, để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt
động bảo tồn, tôn tạo di tích trong thời gian tới, trước hết cần phải
tổng kết, đánh giá lại quy trình, chất lượng và hiệu quả của việc thực
hiện các dự án chống xuống cấp, tu bổ, tôn tạo di tích đã thực hiện
trong những năm qua, để kịp thời uốn nắn, bổ sung, có giải pháp cho công
việc trong thời gian tới.
Bên
cạnh đó, cần đẩy mạnh việc tuyên truyền, giáo dục pháp luật về di sản
văn hóa, làm cho pháp luật về di sản văn hóa ngày càng thấm sâu với ý
thức tự giác vào mọi tầng lớp xã hội; đồng thời tăng cường công tác
thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động bảo tồn, tu bổ và tôn
tạo di tích. Ngoài ra, Nhà nước cũng cần có cơ chế, chính sách đặc biệt
cho hoạt động này, đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý,
các chuyên gia và thợ lành nghề để đáp ứng được yêu cầu của công việc.
Cũng theo PGS.TS Đỗ Văn Trụ, cần thiết phải xây dựng cơ chế phối hợp bắt
buộc giữa nhà quản lý, nhà khoa học và các đơn vị thực hiện... có như
vậy mới đảm bảo chất lượng và hiệu quả của bảo tồn di tích trong từng dự
án.
(Theo baotintuc.vn)