Đọc "Đường gió" trong suốt và giản dị
Khá nhiều bài thơ trong “Đường gió” đạt đến
trạng thái định tuệ trong mọi hoạt dụng của nhân sinh, trong chuyển
động của vạn hữu, nhưng luôn tỉnh giác, sáng suốt, thanh bình. Có thể
chính bản thân tác giả cũng không bận tâm với những nghi thức quán tưởng
của giáo pháp nào đó, nhưng thơ chị tựa chiếc lồng ánh sáng phủ xuống
người đọc.
 |
"Đường gió" của nhà thơ Giáng Vân |
Không
gian thơ Giáng Vân mở rộng, thoáng đãng, thường được tạo dựng bằng cảm
xúc nhất quán, không ngăn cách, hay biến đổi đột ngột. Tràn ngập trong
đó ánh sáng không màu, trong lành và thanh khiết. Đây là khoảnh khắc đất
trời và con người đều tịnh định: “Thỉnh chuông chùa ba tiếng/ Nghe lòng mình tịnh không” (Khoảnh khắc).
Những
khoảnh khắc thiền thường đến với Giáng Vân trong khá nhiều bài thơ, mà
với nhiều người gọi đó là trạng thái của thiền động. Chị ngắm nhìn sự
trôi chảy, sinh diệt, hợp tan của thế giới bằng tâm thế tỉnh táo, trạm
nhiên, an định: “Ngày cuối năm/ Một người bán hoa đứng góc đường/
mời tôi mua/ Tôi chọn một bó tầm xuân lớn để cắm/ vào chiếc bình gốm cũ/
Tôi đã rất chăm chú làm việc này/ Thay vì/ Đi tìm những quên lãng”. Phải chăng những “quên lãng” ấy của chị cũng đang hành trình đến một chân trời mới, hay khởi đầu một hiện thực “nhớ” khác.
Giáng
Vân trong một số bài thơ, như muốn vươn tới thế giới siêu hình, vượt
qua màn vô minh bằng con mắt “thứ ba” xuyên thấu và đôi lúc chị nhìn đời
sống hiện hữu từ một hệ “quy chiếu” khác, bị tác động bởi những quy
luật sống khác: “Có một ánh sáng khác/ Soi vào nỗi hoài nhớ của tôi/
Như mặt trời nhiệt đới chiếu vào những đường/ gân của lá/ Nhưng đây là
lá của những ngày xanh tươi/ Còn tôi/ Một chiếc lá đã mục” (Chiếc lá).
Không gian thơ Giáng Vân khá ổn định, tĩnh lặng và thanh sạch. Người đọc hiếm khi gặp được những câu thơ nhói sáng, như: “Bật tung những chồi xanh/ Trên khắp thân, cành./ Những cái cây/ Choáng váng vì hạnh phúc” (Những cái cây); “Ô bài ca mặt trời/ Người ạ/ Vẫn sáng rực cả đêm đen”
(Bài hát)… Nếu bạn đọc cố dõi tìm những câu thơ hay để “nằm lòng” chắc
sẽ khó gặp, giống như người đi “mò trăng” dưới đáy sông thuở nào. Câu
thơ Giáng Vân thường mang vẻ đẹp giản dị, bí ẩn khi đứng trong khổ thơ,
chịu tác động tương hỗ giữa các câu thơ, làm nên hoàn chỉnh từ trường
toàn bài.
Đôi lúc chị không thả mình, không
hòa tan cùng những chuyển động của thiên nhiên, sự vật…, Giáng Vân như
cố tình đứng cách xa nơi xảy ra sự kiện một khoảng cách.
Thơ Giáng Vân đắm mê, nhưng tỉnh táo và tinh tế. Đó là sự tinh tế trong quy luật chuyển hóa, biến đổi: “Người
thấm vào tôi/ Cũng theo cái cách không khí thấm vào tôi/ Nước thấm vào
tôi/ Làm mới lại một mùa gieo trồng/ Những thứ cây có hương vị vừa đủ mê
hoặc” (Một ngày).
Không gian chị tạo
dựng không biệt lập với thế giới bên ngoài, mạch thơ trôi chảy tự nhiên,
có những mê đắm, nhưng tỉnh táo, minh bạch trong ánh sáng minh tuệ. Chị
là họa sỹ vẽ tranh bằng ngôn ngữ, với những “nhát bay” dứt khoát, ít
chồng lấn: Đồng đất mầu nâu ngái/ Còn tôi mầu xám tro (Ngẫu
cảm). Bên cạnh, ta cũng gặp những câu thơ có cách luận đề khô cứng,
gượng ép. Ngôn ngữ trong thơ chị tinh lọc, giản dị, giàu hàm nghĩa,
nhưng có những câu thơ dễ dãi bằng nhịp điệu và tu từ cũ…
Xuất
hiện cùng thời với thơ Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Lương Ngọc, Dương
Kiều Minh…, nhưng Giáng Vân đã tạo đuợc không gian thơ biệt lập, trong
suốt và tĩnh lặng, làm phong phú, đa giọng điệu dòng thơ cách tân sau
1975. Thơ Giáng Vân là thế giới của những giấc mơ, mở cửa giấc mơ. “Chúng ta chỉ có thể bay trong mơ/ Để tuyệt giao với nhơ bẩn”
- Câu thơ ấy có thể coi là tuyên ngôn thẩm mỹ, lý tuởng thi ca của chị.
Phải chăng, đó là cái đẹp của nhân bản cũng như sự bình an và phúc lạc
nội tâm của con người…
(Theo danviet.vn)