Thứ bảy, 04/07/2009 08:43
Hà Nội nhiều hồ sơ “ảo”, TPHCM “nghẽn” thí sinh
Trong buổi sáng làm thủ tục dự thi ĐH đợt 1, tại nhiều Hội đồng thi ở Hà Nội, lượng thí sinh vắng mặt so với hồ sơ đăng ký khá lớn. Còn tại TPHCM, nhiều tuyến đường đã ùn tắc nghiêm trọng, gây tâm lý lo lắng cho các thí sinh và phụ huynh.
Thí sinh làm thủ tục dự thi tại ĐH Kiến trúc Hà Nội
Hồ sơ giảm đến gần 50%
Ngày làm thủ tục dự thi sáng nay, tại phòng thi số 37 của Hội đồng thi Đại học Kiến trúc Hà Nội có 5 thí sinh trùng tên nhau là Đặng Xuân Linh, đều sinh ngày 25/11/1991 có số báo danh cạnh nhau từ số 01178 đến số 01182.
Cũng tại phòng thi số 38 có 2 thí sinh có cùng tên Đặng Ngọc Phi Long, cùng ngày tháng năm sinh là 22/6/1991, có số báo danh cạnh nhau là 01217 và 01218.
Theo một cán bộ Ban Chỉ đạo tuyển sinh của trường thì một thí sinh nộp nhiều hồ sơ vào nhiều mã ngành của trường nên khi nhập máy và phân phòng thì chúng tôi vẫn phải để như thế, chờ khi thí sinh đăng ký ngành nào thì gạch các ngành khác đi. Đây chính là hồ sơ ảo vào trường. Hiện trường chưa thống kê được lượng thí sinh đến dự thi vì còn chờ tới chiều xem có thí sinh nào đến làm thủ tục dự thi thì lúc đó trường mới chốt lại số liệu chính xác.
Đà Nẵng: Hơn 70% thí sinh có mặt
Theo báo cáo nhanh từ ĐH Đà Nẵng, có 27.643 thí sinh đến làm thủ tục sáng nay trong tổng số 38.250 hồ sơ đăng ký dự thi khối A và khối V, đạt tỷ lệ 72,27%.
Có 7 trường hợp thí sinh chỉnh sửa hồ sơ đăng ký dự thi; trong đó có 2 trường hợp thí sinh bị rơi ảnh dán kèm giấy đăng ký, số còn lại chỉnh sửa các thông tin trong hồ sơ đăng ký do ghi sai mã trường, ngành...
Nhằm ứng phó kịp thời nếu xảy ra trường hợp thí sinh có dấu hiệu nhiễm cúm A/H1N1, tại mỗi Hội dồng thi năm nay, Đà Nẵng bố trí thêm 1 phòng cách ly, theo dõi sức khoẻ trong trường hợp có thí sinh nghi nhiễm cúm. (Khánh Hiền)
|
Khối A của ĐH Hà Nội năm nay có 11.833 thí sinh ĐKDT. Theo ông Hà Đình Phát, trưởng phòng đào tạo của trường cho biết, hiện nay trường chưa thống kê được là bao nhiêu số thí sinh dự thi. Tuy nhiên, lượng hồ sơ ảo mà trường “lọc” ra trước khi thí sinh đến làm thủ tục ĐKDT là 1.500 hồ sơ vì có một em nộp đến 7 hồ sơ với nhiều mã ngành khác nhau.
Khả năng lượng thí sinh đến dự thi chỉ đạt trên 50% vì năm trước số thí sinh đến dự thi đạt 60% - ông Phát cho hay.
Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, theo ông Lê Hữu Lập, Phó Giám đốc Học viện, số lượng thí sinh đến thủ tục đăng ký dự thi cũng giảm mạnh chỉ có 4898/ 9119 hồ sơ ĐKDT đạt 53,7%.
Tại TPHCM, sáng nay có khoảng 240.000 thí sinh đến các điểm thi làm thủ tục và nghe phổ biến quy chế. Đáng chú ý, năm nay tình trạng sai sót được các trường ghi nhận giảm đáng kể.
Theo thống kê sơ bộ, thí sinh thực đến làm thủ tục ở các trường trên địa bàn TP chỉ đạt khoảng hơn 60% so với hồ sơ đăng ký ban đầu.
Điểm thi có lượng thí sinh đông nhất là ĐH Công nghiệp TPHCM, lên đến 10.500 thí sinh với 788 phòng thi. Tuy nhiên, “chỉ có 64% trong số đó đến làm thủ tục sáng nay” - ông Nguyễn Anh Sơn, trưởng phòng đào tạo trường cho biết.
Còn tại trường ĐH Khoa học tự nhiên, thầy Nguyễn Kim Quang, trưởng phòng đào tạo cho biết: “Lượng thí sinh đến làm thủ tục sáng nay chỉ chiếm khoảng 64,6%”. Theo danh sách tổng số hồ sơ đăng ký là 7.104 nhưng sáng nay chỉ có 4.590 thí sinh có mặt. Đặc biệt, sáng nay có đến 204 thí sinh nộp trùng hồ sơ, tức nhiều hồ sơ trong cùng một trường.
Trong khi đó, tại khoa Kinh tế (trường ĐH Quốc Gia TPHCM) thí sinh đến đăng khá ít. Theo thầy Lâm Tường Thoại, trưởng phòng đào tạo thì cả khoa sáng nay chỉ có 4.601 thí sinh có mặt trong tổng số 8.303 theo danh sách ban đầu. Chiều nay, Bộ GD-ĐT có thông tin số liệu về số thí sinh đến dự thi của từng trường đại học.
Giao thông ùn ứ vì sĩ tử đổ xô về Văn Miếu
Khoảng 10h sáng nay, giao thông trên đường Văn Miếu và phố Quốc Tử Giám (Hà Nội) rơi vào tình cảnh mắc kẹt nghiêm trọng do hàng ngàn sĩ tử sau khi làm thủ tục thi ĐH đã đổ xô về Văn Miếu cầu may.
Suốt từ ngã ba Văn Miếu - Nguyễn Khuyến, các loại phương tiện đều “chết” khự. Trong tình cảnh đi không nổi, lùi không xong, nhiều người tìm cho mình lối đi trên vỉa hè Văn Miếu nhưng cũng không thể thoát thân.
Các sĩ tử, người thân cùng với phương tiện của mình tập trung trước cổng Văn Miếu khiến cho phố Quốc Tử Giám vốn hay ách tắc lại càng thêm rối.
Các sĩ tử, người thân cùng phương tiện tập trung ở cổng Văn Miếu... (Ảnh: N.Q)
Bạn Thùy Hương (quê ở Thanh Hóa) cho biết: “Làm thủ tục xong em đến Văn Miếu để cầu xin những điều may mắn trong 2 ngày thi sắp tới, nhưng đường bị tắc quá nên đến đây 20 phút rồi mà em vẫn chưa vào được bên trong”.
Phía lực lượng cảnh sát giao thông, ngoài nhiệm vụ bảo vệ khu Văn Miếu, hướng dẫn các sĩ tử đi lần lượt vào di tích thì cũng bở hơi tai vì phân luồng giao thông tại tuyến này.
... khiến giao thông trên tuyến này bị mặc kẹt hàng giờ liền (Ảnh: N.Q)
Cho đến gần 11h trưa, giao thông tại đây vẫn bị mắc kẹt. Tuy nhiên khác với mọi ngày, nhiều người dù “lâm nạn” nhưng không ca thán mà tỏ vẻ cảm thông với các sĩ tử vì tâm nguyện đến Văn Miếu trước khi bước vào kỳ thi quan trọng của cuộc đời.
TPHCM: Kẹt xe ngay trong ngày làm thủ tục thi ĐH
Mới là ngày làm thủ tục đăng ký dự thi, nhiều tuyến đường tại TPHCM đã ùn tắc nghiêm trọng, gây tâm lý lo lắng cho các thí sinh và phụ huynh: nếu ngày mai tình trạng này tiếp diễn, nhiều thí sinh sẽ bị trễ giờ thi.
Theo ghi nhận của PV Dân trí, nhiều tuyến đường ở quận Gò Vấp, quận Phú Nhuận, quận Bình Thạnh... đều trở thành điểm “nóng” về ùn tắc giao thông sớm nay, 3/7.
Đoạn đường Nguyễn Oanh, Phan Văn Trị (phường 10, quận Gò Vấp) bị kẹt từ hơn 7h đến khoảng gần 9h. “Năm nào thí sinh cũng đi thi nhưng không hiểu sao năm nay đông thế, mới là ngày làm thủ tục mà đã kẹt cứng. Chẳng biết ngày mai các cháu đi thi sẽ như thế nào”, bà Nga một phụ huynh đưa con đi đăng ký thi, than thở.
Ngày đầu đi đăng ký đã kẹt xe, khiến nhiều thí sinh lo lắng. (Ảnh: T.K)
Nguyên nhân gây kẹt xe được cơ quan chức năng xác định là do người tham gia giao thông tăng đột biến, chủ yếu là thí sinh và phụ huynh đi kèm. Gò Vấp lại là khu vực tập trung các điểm thi của ĐH Công nghiệp với gần 26.000 hồ sơ đăng dự thi.
Thí sinh Nguyễn Thu Huyền đi từ đường Lê Văn Khương (quận 12) đến điểm thi trường Nguyễn Công Trứ (quận Gò Vấp) phải mất một tiếng, trong khi đó ngày thường chỉ mất khoảng 20 phút. “Chắc sáng mai em phải đi thi từ 5 giờ sáng vì theo yêu cầu của giám thị 6h30 đã phải có mặt tại trường rồi”, Huyền lo lắng nói.
Trước tình trạng kẹt xe, Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ Công an TPHCM đã họp gấp triển khai kế hoạch đảm bảo trật tự giao thông trong kì thi tuyển sinh đại học, cao đẳng 2009.
Theo đó, Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ yêu cầu cácđơn vị đảm bảo trật tự giao thông trên các tuyến đường, điểm nút giao thông phức tạp, các khu tổ chức thi an toàn và thông suốt, giải tỏa kịp thời khi có sự cố giao thông xảy ra, tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh dự thi đúng giờ quy định.
Kẹt cứng trên đường Nguyễn Oanh đoạn giao nhau với Phan Văn Trị (Ảnh: T.K)
Trung tá Huỳnh Kim Thanh, Phó Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ cho biết, sẽ phối hợp với các quận tìm biện pháp để không xảy ra ùn tắc giao thông vào giờ thí sinh đi thi những ngày tới. “Sáng mai, chúng tôi sẽ huy động khoảng 300 cảnh sát giao thông trực tại các những giao lộ phức tạp, đông người qua lại, từ 6h sáng mai, giúp các em đến điểm thi an toàn, kịp thời”.
Cần Thơ: Nhiều thí sinh đến trễ và quên mang tiền nộp lệ phí
Ngay từ 6 giờ sáng, đã có rất đông phụ huynh chở con em mình đến các điểm thi ở Cần Thơ. Trong đó, đoạn đường Cách Mạng Tháng 8 (quận Bình Thủy) bắt đầu bị kẹt xe từ 6h30, ô tô tải, xe con và nhiều xe máy phải nhích từng chút một trên đoạn đường hơn 1km. Được biết, trên đường này có khá nhiều điểm thi. Cho đến gần 8h, tình trạng ách tắc mới được lực lượng giao thông giải tỏa.

Đông đảo thí sinh đến làm thủ tục thi
Theo ghi nhận của PV Dân trí, tại khu 2 Đại học Cần Thơ, dù đến giờ làm thủ tục nhưng vẫn còn khá nhiều thí sinh đến trễ. Bệnh cạnh đó, vẫn còn khá nhiều em quên mang theo tiền nộp lệ phí. Nhiều em vào phòng rồi lại chạy ra tìm phụ huynh để xin 20.000 đồng vào làm cho xong thủ tục.
Một cán bộ coi thi cho biết, vấn đề lệ phí năm nào mà không thực hiện, với lại cũng đã có báo trước nhưng nhiều em vẫn quên chứng tỏ tâm lý của các em vẫn chưa vững.
Em Nguyễn Văn Hoàng (quê Sóc Trăng) nói đầy tâm trạng: “Mặc dù mới ngày đầu làm thủ tục nhưng em cũng thấy hồi hộp quá. Cả đêm qua em không thể ngủ nên ngày mai không biết lo đến mức độ nào nữa đây”.
|