
Một đời tìm chữ cha ông để lại
Cuốn sách “Cuộc hành trình đi tìm chữ Việt cổ” của Nhà nghiên cứu Đỗ
Văn Xuyền đã “giải mã” được chữ Việt cổ - thứ chữ của một nền văn minh
rực rỡ từ thời các Vua Hùng dựng nước Văn Lang. Sau nửa thế kỷ dày công
nghiên cứu, tác giả Đỗ Văn Xuyền đã đi tới đích của cuộc hành trình đi
tìm chữ Việt cổ, với hướng đi riêng là trở về với nhân dân để tìm tòi
những cứ liệu lịch sử. Ông cho biết đã nhận ra vai trò to lớn của nhân
dân trong việc lưu giữ và bảo tồn những di tích lịch sử của tổ tiên giúp
ông hoàn thành được công trình để đời này.
Nửa thế kỷ qua, nhà nghiên cứu Đỗ Văn Xuyền đã đi không biết bao nhiêu
cung đường, các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc, miền núi;
đình, chùa, miếu mạo… “Bất cứ khi nào, nơi nào, cứ nghe thông tin có
“chữ lạ” là tôi lại lên đường. Không thiếu lần trong nhiều ngày liền,
tôi chỉ ăn lương khô, thậm chí cạn kiệt tiền để đi xe khách về nhà…” -
nhà nghiên cứu 77 tuổi tâm sự. Và ông vui sướng vì: “Cho đến hôm nay,
người Việt Nam chúng ta có thể tự hào với bè bạn rằng, đã tìm lại được
bộ chữ Khoa Đẩu - bộ chữ Tổ tiên ta sáng tạo ra từ thời tiền sử mà suốt
hai nghìn năm qua, tưởng đã bị thất lạc”.
Tác giả đã chứng minh được, từ thời Hùng Vương, người Việt ta đã có chữ
viết, được thể hiện trên Bản đồ giáo dục thời Hùng Vương, danh sách
những người dạy học thời Hùng Vương, các cuốn sách chữ Việt cổ hiện còn
lưu giữ tại Bảo tàng Sơn La và trên những hiện vật còn được lưu giữ ở
khắp thế giới như Trống đồng của Việt Nam đang được trưng bày trang
trọng tại Bảo tàng Paris (Pháp)...
Bộ chữ thời tiền sử
“Đông Nam Á mà chủ đạo là Việt Nam đã có một nền văn hóa tiền sử phát
triển rất sớm, tiên tiến và nhanh chóng - sáng tạo và sống động chưa
từng thấy ở nơi nào trên thế giới”. Nhà nghiên cứu Đỗ Văn Xuyền khẳng
định như vậy trước giới học giả trong buổi giao lưu chiều qua 29-1 do
Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam, NXB Hồng Đức và Tạp chí Kinh tế châu Á
- Thái Bình Dương phối hợp tổ chức. Theo nhà nghiên cứu, trước đây,
người ta cho rằng cái nôi văn minh của nhân loại là vùng Lưỡng Hà có
tuổi đời C14 (phương pháp xác định thời gian bằng nguyên tử carbon 14)
là 7.000 năm, sau đó đến Trung Hoa và Ấn Độ.
Nhưng bất ngờ vào năm 1923, nhà nghiên cứu người Pháp Madeleine Colani
phát hiện ra ở tỉnh Hòa Bình, Việt Nam những đồ đá, dấu tích động - thực
vật và những đĩa gốm có khắc chữ có tuổi đời C14 là 10.000 năm làm chấn
động giới nghiên cứu thế giới.
Nhà nghiên cứu Đỗ Văn Xuyền cho biết, Hội nghị quốc tế về thời tiền sử ở
Viễn Đông họp tại Hà Nội năm 1923 xác nhận “Văn hóa Hòa Bình của Việt
Nam trước Lưỡng Hà tới 3.000 năm”. Qua các công trình khảo cổ, qua sử
sách, truyền thuyết… dần dần người ta thấy thấp thoáng hiện lên những
mảnh vỡ còn sót lại của một nền văn minh kỳ vĩ từ thời tiền sử của Việt
Nam. Đã có những công trình nghiên cứu công phu, những dẫn chứng từ
nhiều nguồn tư liệu nước ngoài và sử sách trong nước về nền văn minh
này, nhưng việc dựng lại chữ viết của người Việt cổ vẫn khó thuyết phục
và gặp vô vàn khó khăn.
Nhà nghiên cứu Đỗ Văn Xuyền đã chứng minh đặc điểm của bộ ký tự chữ Việt
cổ là không có dấu. Theo công trình của nhà nghiên cứu người
Pháp Haudricourt và qua khảo sát một số bộ tộc Việt cho thấy: “Trước
Công nguyên, người Việt nói không dấu. Do không có dấu nên bộ chữ Khoa
Đẩu phải dùng tới hai loại phụ âm: phụ âm cao và thấp để thể hiện các từ
khác nhau”.
Bộ chữ Việt cổ có đầy đủ số lượng nguyên âm, phụ âm cơ bản như chữ quốc
ngữ. Những nét độc đáo trong bộ chữ chỉ có thể giải thích bằng ngôn ngữ
Việt. Cách phát âm của bộ ký tự này hết sức đơn giản như cách nói của
những người dân quê cổ. Các phụ âm khóa đuôi dùng chung… Cũng theo tác
giả Đỗ Văn Xuyền, giới nghiên cứu trong nước và nước ngoài như Anh,
Czech đã xác nhận: “Ngay từ trước Công nguyên, người Việt đã có chữ
tượng thanh - loại chữ ghép chữ cái thành từ”. Điều này được thể hiện
trên các di chỉ khảo cổ đồ gốm, đồ đồng của thời kỳ Đông Sơn như: lưỡi
cày, đặc biệt là trống đồng… cùng các hình vẽ, chữ viết trên đá cổ Sa
Pa, Xín Mần, Pá Màng… theo một hệ thống nhất quán, tất cả đều thể hiện
đó là những chữ viết cổ từ thời kỳ tiền văn tự, phát triển và hoàn thiện
dần thành bộ chữ Khoa Đẩu. Đây là loại chữ lưu truyền từ thời Vua Hùng,
có hình dáng như những con nòng nọc. Chính loại chữ Khoa Đẩu này đã
được nhiều học giả trong nước khẳng định như: Giáo sư Hà Văn Tấn, Lê
Trọng Khánh, Giáo sư Bửu Cầm, Giáo sư Đỗ Quang Vinh… Tuy nhiên, chưa có
ai “giải mã” được chữ Việt cổ - thứ chữ đã bị mất từ sau khi cuộc khởi
nghĩa của Hai Bà Trưng thất bại - kỹ càng như nhà nghiên cứu Đỗ Văn
Xuyền.
Gìn giữ cho con cháu
Ngược dòng lịch sử, từ năm 187 sau Công nguyên - năm thái thú Sĩ Nhiếp
ra lệnh triệt hạ chữ Việt cổ và thay bằng chữ Hán, đã có bao người Việt
hy sinh khi muốn phục hồi lại chữ Khoa Đẩu. “Có người bị chém ngang
đường khi đang mang chữ của Tổ tiên đi cất giấu”- nhà nghiên cứu Đỗ Văn
Xuyền dựng lại bối cảnh lịch sử.
Cho đến năm 1887, Tạp chí Khoa học của Hoàng gia Anh viết: “…thứ chữ
tượng thanh của người An Nam đã không còn nữa”. Nhưng cũng thời gian đó,
cuối thế kỷ 19 J Silvestre đã tìm thấy một bộ chữ Khoa Đẩu tại làng
Hưng Hóa, Tam Nông, Phú Thọ. Và chữ Khoa Đẩu khắc trên tảng đá ở xã Bắc
Bình (Lập Thạch, Vĩnh Phúc) cho thấy vẫn còn hàng chục quyển ngọc phả
chữ Khoa Đẩu đã bị đốt đi. Sau khi chúng ta gửi đi hàng vạn tờ mẫu tự
Khoa Đẩu thì không ít người đã thông báo lại: Đã tìm thấy thứ chữ này.
Tấm bản đồ chưa đầy đủ và dấu tích về những người dạy học thời Hùng
Vương đã là một cơ sở vững chắc, minh chứng cho sự tồn tại việc sử dụng
chữ Việt cổ trong mấy nghìn năm khi chưa có chữ Hán xâm nhập. Trong lịch
sử dựng nước và giữ nước như vậy, việc tìm lại dấu tích chữ Khoa Đẩu là
một điều hoàn toàn logic. Các nhà nghiên cứu đã tìm thấy một bộ chữ gốc
Khoa Đẩu trong nhiều bộ chữ được nhân dân Tây Bắc bảo vệ hàng nghìn
năm qua. Đó còn là bộ tài liệu “Chữ Thái Tổ Tự” được Tri châu Điện Biên
Phạm Thận Duật phát hiện ra từ năm 1855-1856 được NXB Văn hóa biên tập
phiên dịch và in vào năm 2000, hiện còn lưu giữ ở nhiều thư viện. “Tôi
đã đối chiếu, so sánh và cân nhắc rất nhiều khi chọn bộ tài liệu này đưa
vào diện thử nghiệm. Trong nhiều năm, tôi đã về các vùng quê nghiên cứu
về ngôn ngữ Việt cổ, cả ngôn ngữ vùng Bách Việt cũ - để tìm cách phá bỏ
lớp vỏ ngụy trang và giải mã để làm hiện nguyên hình bộ ký tự đặc biệt
này. Đến nay, chúng ta đã có thể kết luận chắc chắn: Bộ chữ này là bộ
chữ Việt cổ nguyên sơ” - nhà nghiên cứu Đỗ Văn Xuyền quả quyết.
(Theo anninhthudo.vn)