Trước lúc đi xa, Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại bản Di chúc lịch sử. Điều
đầu tiên Bác nói về Đảng và khẳng định: "Đảng ta là một Đảng cầm quyền.
Mỗi cán bộ, đảng viên phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự
cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư...". Theo tư tưởng Hồ Chí Minh,
là Đảng Cộng sản cầm quyền, Đảng ta phải hết lòng, hết sức phụng sự Tổ
quốc, phục vụ nhân dân. Đảng vừa là người lãnh đạo, vừa là đầy tớ trung
thành của nhân dân. Yêu dân, trọng dân là tình cảm và tư tưởng của Bác
muốn giáo dục và truyền lại cho Đảng ta phải tiếp tục phát huy trong mọi
thời kỳ để sự nghiệp cách mạng đi lên vững chắc.
Bốn mươi bốn năm qua, thực hiện Di chúc của Bác, Đảng và Nhà nước ta đã
lãnh đạo nhân dân làm tốt nhiều điều căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Sau khi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, hàn gắn các vết thương
chiến tranh, Đảng và Nhà nước ta đã tập trung mọi nguồn lực để phát
triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Năm 1986, Đảng lãnh đạo toàn dân tiến
hành công cuộc đổi mới, đưa nền kinh tế nước ta thoát khỏi khủng hoảng,
thực hiện CNH-HĐH đất nước, mở cửa thị trường, hội nhập kinh tế thế
giới, xã hội ổn định, đời sống nhân dân từng bước được nâng lên. Nhờ có
đường lối đổi mới và các chính sách kinh tế phù hợp, được sự ủng hộ và
thực hiện sáng tạo của các tầng lớp nhân dân, từ một nước nghèo, chậm
phát triển trong mấy chục năm qua, Việt Nam đã vượt lên, có tốc độ phát
triển kinh tế khá cao ở Châu Á. Đặc biệt, lĩnh vực nông nghiệp đã có
những thành tựu to lớn. Nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu ở tốp các nước
hàng đầu thế giới. Kinh tế phát triển gắn liền với thực hiện các chính
sách xã hội, chăm lo cho con người mà Bác Hồ căn dặn.
Giữ gìn đoàn kết trong Đảng
Trong tiến trình cách mạng Việt Nam, đoàn kết trở thành chiến lược lớn
nhất được Chủ tịch Hồ Chí Minh khái quát thành khẩu hiệu hành động của
toàn Đảng, toàn dân: "Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công,
thành công, đại thành công". Để tập hợp, xây dựng, phát triển lực lượng
cách mạng, vấn đề hết sức quan trọng là phải nhận thức và giải quyết
đúng đắn các mối quan hệ lợi ích giữa cá nhân - tập thể.
Trong giải quyết quan hệ giữa lợi ích cá nhân và lợi ích tập thể, Chủ
tịch Hồ Chí Minh rất chú ý tới lợi ích cá nhân và coi đó là động lực
trực tiếp để kích thích tính tích cực, sáng tạo của mỗi cá nhân. Hồ Chí
Minh chỉ ra: Trong cuộc sống, mỗi người đều có tính cách riêng, sở
trường riêng, đời sống riêng của bản thân và gia đình mình. Nếu lợi ích
cá nhân đó không trái với lợi ích tập thể thì không phải là cái xấu…".
Đối với cán bộ, đảng viên, Hồ Chí Minh yêu cầu: "Mỗi người trong Đảng
phải hiểu rằng, lợi ích của cá nhân nhất định phải phục tùng lợi ích của
Đảng. Lợi ích của mỗi bộ phận nhất định phải phục tùng lợi ích lâu
dài". Người nhấn mạnh: "Nếu gặp lợi ích nói chung của Đảng mâu thuẫn với
lợi ích riêng của cá nhân, thì phải kiên quyết hy sinh lợi ích của cá
nhân cho lợi ích của Đảng". Người căn dặn: "Các đồng chí từ Trung ương
đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết, nhất trí của Đảng như giữ
gìn con ngươi của mắt mình. Trong Đảng phải thực hành dân chủ rộng rãi,
thường xuyên tiến hành tự phê bình và phê bình; mỗi cán bộ, đảng viên
phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, cần kiệm liêm chính, chí công
vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật sự trong sạch, vững mạnh, xứng đáng là
người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân".
Hiện nay, trong bối cảnh quốc tế mở cửa, hội nhập, toàn cầu hóa, đoàn
kết toàn dân và xây dựng Mặt trận dân tộc thống nhất là xuất phát từ nhu
cầu khách quan, việc xử lý những mâu thuẫn xã hội, các nhóm người có
quyền lợi khác nhau cần theo hướng phát triển cộng đồng, có lợi cho quần
chúng nhân dân lao động, tránh đẩy tới mâu thuẫn đối kháng, không để
các thế lực thù địch, phản động lợi dụng chia rẽ. Trong khối đại đoàn
kết toàn dân tộc, Đảng Cộng sản là hạt nhân lãnh đạo và là linh hồn.
Đoàn kết nội bộ Đảng là chỗ dựa, là cơ sở để đoàn kết dân tộc và khối
đại đoàn kết dân tộc chỉ có thể xây dựng được khi đường lối cách mạng có
mục tiêu, phương pháp phù hợp với nguyện vọng, quyền lợi của đại đa số
nhân dân. Trong tiến trình hội nhập quốc tế rất đa dạng và phức tạp,
chứa đựng những vấn đề thống nhất và đối lập, cơ hội và thách thức đan
xen, cần thực hiện một nguyên tắc trong quan hệ quốc tế được Chủ tịch Hồ
Chí Minh nêu ngắn gọn "Dĩ bất biến, ứng vạn biến" để giữ vững độc lập
tự chủ, bình đẳng và cùng có lợi, vì hòa bình, hữu nghị và phát triển,
tranh thủ những thời cơ và vận hội trong quá trình xây dựng đất nước,
tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ và giúp đỡ của nhân dân thế giới, kết hợp
sức mạnh của dân tộc với sức mạnh của thời đại.
Tư tưởng đoàn kết của Hồ Chí Minh là sức mạnh của chúng ta. Đó cũng là
bài học lớn của tiến trình đổi mới. Phải bảo đảm và tăng cường vai trò
lãnh đạo của Đảng, ra sức phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân,
sức sáng tạo của nhân dân. Đổi mới trước hết phải phát huy yếu tố năng
động nhất của lực lượng sản xuất là nhân tố con người, mà căn bản nhất
là giải phóng năng lực trí tuệ con người, giải phóng mọi tiềm năng xã
hội để phát triển con người và phục vụ con người, đem lại cuộc sống xứng
đáng với lao động và cống hiến của mỗi người.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về Đảng, những điều Người căn dặn về Đảng cầm quyền
là di sản tinh thần thiêng liêng, tài sản quý giá của Đảng và nhân dân
ta. Đó là cội nguồn sức mạnh cho Đảng, để Đảng ta luôn luôn xứng đáng là
Đảng của dân tộc Việt Nam, Đảng do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, rèn
luyện và xây dựng.