Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Tin tức    Tin tổng hợp
Thứ bảy, 02/02/2013 08:41
Những lời yêu thương
“Những lời yêu thương” gồm hai cuốn “Luôn ở bên nhau” và “Cỏn con và bé xíu” trong dịp Tết Nguyên Đán Quý Tị này, như một món quà dành tặng độc giả và những người thân yêu để chúng ta thêm hiểu, thêm yêu và trân trọng hơn giá trị của gia đình, của sự đoàn tụ sum vầy. “Luôn ở bên nhau” là chia sẻ của các nhà văn, dịch giả, ca sĩ… nổi tiếng những kí ức sâu đậm của họ về cha mẹ, về cái Tết của sự đoàn tụ, về cách họ làm bạn với con, trong đó có thể kể đến chia sẻ của nhà văn Đỗ Bích Thúy, nhà văn Trần Thanh Hà, nhà văn Nhã Ca, dịch giả Lâm Vũ Thao, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng…
Trong câu chuyện “Tết nhà nghèo”, nhà văn Đỗ Bích Thúy đã kể lại kỉ niệm về những cái Tết thời ấu thơ gian khó, đó là khi cả làng, cả gia đình phải chạy đi sơ tán, nhưng riêng anh cả của cô phải ở lại để giữ gìn tài sản lớn nhất của gia đình – một con lợn. Sau đó là nỗi lo lắng khắc khoải của cả gia đình cho người ở lại. Hay cái Tết khi cô còn là sinh viên, được mẹ gói ghém nào lạc rang muối, nào gạo, nào cam, nào bánh chưng để mang theo lên trường. “Sau này, khi đã đi nhiều nơi, chứng kiến nhiều cách ăn Tết, tôi nhận ra, càng nghèo càng mong đến Tết.” – nhà văn “miền núi” chia sẻ.

Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng cũng chia sẻ những kỉ niệm về người mẹ tần tảo của mình với niềm trân trọng kính yêu vô bờ. Kỉ niệm đáng nhớ nhất của anh về mẹ là lần “người phụ nữ bé loắt choắt ấy” cầm dao ra dọa ông bán kẹo kéo vì nghĩ con mình đang bị “ăn hiếp”. Sự hi sinh hết lòng của mẹ để anh có được những điều tốt đẹp nhất, món ăn mẹ nấu là món ăn ngon nhất mà anh không bao giờ tìm được ở bất cứ nơi đâu… là những kỉ niệm khiến anh bồi hồi khi nhớ về “mẹ và những ngày không biết Tết”.

Những câu chuyện trong “Luôn ở bên nhau” là những câu chuyện được viết ra từ chính kí ức, kinh nghiệm và xúc cảm của các tác giả, lối viết tình cảm nhẹ nhàng khiến những câu chuyện đi vào lòng người đọc một cách tự nhiên, thấm thía

Một quan điểm cũng khá mới mẻ về dạy con, đó là quan điểm “con tự té vì do mình bất cẩn thì con phải đứng lên chứ không được khóc”, hay câu chuyện về một giáo viên đã phát biểu trong buổi lễ tốt nghiệp của những học sinh trung học của nước Mỹ rằng: “các bạn chẳng có gì đặc biệt”. Đó có thể là “gáo nước lạnh” đối với những bậc cha mẹ luôn kì vọng vào con cái. Nhưng với thói quen bảo bọc của cha mẹ, thói quen dựa dẫm của con cái vào cha mẹ, thì đó cũng là một lời cảnh tỉnh, giúp các bậc phụ huynh hiểu rằng, cần “mở mắt” cho con khi bước vào thế giới thực, để cho các em tự lập.

Cỏn con và bé xíu” là những dòng tâm tình của một người mẹ dành cho cậu con trai tám tuổi. Đó là những tình huống nho nhỏ, thân thuộc các con thường gặp ở nhà, ở trường: làm thế nào để con ham học, làm thế nào khi con bị nghỉ chơi, làm sao làm quen, nói dối có vô hại, chửi thề có xấu không… những tình huống nhiều khi khá “oái oăm”, không dễ trả lời ấy được người mẹ khuyên giải với những lời thủ thỉ đầy yêu thương.
 Tác giả là một bà mẹ đơn thân, chị phải gánh thêm nhiều trách nhiệm và giải đáp những thắc mắc khó trả lời về người cha với một cậu bé tám tuổi. Những ứng xử khéo léo của chị với cậu con trai bé bỏng sẽ khiến không chỉ các bà mẹ đồng cảnh mà cả các bậc cha mẹ khác cũng học hỏi được nhiều điều

Dù là một người phụ nữ vô cùng bận rộn với công việc, nhưng tác giả chị Trần Thị Nhung cũng cố gắng dành nhiều thời gian cho con nhất. Chị sẵn sàng muộn họp 10 phút, dù người ta có đánh giá tác phong làm việc của chị như thế nào đi chăng nữa, để không thất hứa với con.

Đọc những câu chuyện trong “Cỏn con và bé xíu”, ta cảm nhận được niềm hạnh phúc của một người mẹ khi được làm “một người bạn lớn” của con, luôn theo sát từng suy nghĩ, từng cử chỉ, hành động của con. Là một bà mẹ hiện đại, Trần Thị Nhung có nhiều phương pháp hay trong việc dạy con, điều quan trọng nhất nhất theo chị là dõi theo con, lắng nghe con nhưng hãy để con tự lập – “hãy để đời con là của con”.

Hai cuốn sách, mỗi cuốn nói “Những lời yêu thương” theo cách khác nhau, nhưng ta đều thấy trong đó đậm sâu một tình yêu vô bờ, tình cảm gia đình thiêng liêng, để ta thêm hiểu, thêm yêu, thêm nâng niu trân trọng và biết cảm nhận hạnh phúc nhỏ bé mà mình đang có, đặc biệt là trong những ngày Tết vui vầy sum họp.



(Theo giadinhvn.vn)
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)