 |
Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội. |
- Thưa ông, nếu nói về kết quả đáng chú ý nhất của Hội Nhà văn Hà Nội năm qua, ông sẽ nói gì?
- Tôi nghĩ điểm đáng nói nhất năm qua là hội đã thu hút được sự chú ý
của hội viên, công chúng và các nhà văn nói chung vào các hoạt động văn
chương, rõ nhất là các hội thảo.
Các nhà văn dù ở đâu thì cũng từng sống hoặc gắn bó cả đời với Thủ đô.
Hà Nội đóng một vai trò hết sức quan trọng trong sự thành danh của các
tác giả. Vì vậy, với vị thế của một hội nghề nghiệp mang tên Thủ đô, Hội
Nhà văn Hà Nội có điều kiện tổ chức được nhiều hội thảo về các nhà văn,
vừa mang tính toàn quốc nhưng lại vừa gắn bó với Hà Nội.
- Nhiều người trong giới nghề nghiệp, cũng như công chúng, từng nghi
ngại về chất lượng các hội thảo. Nghĩa là cuộc nào cũng giống cuộc nào,
nhiều cuộc người nói không có người nghe, và kết thúc thì khó có điều
gì đọng lại… Hội làm gì để thay đổi “định kiến” này?
- Hội thảo phải vừa mang tính khách quan, khoa học nhưng cũng lại vừa ấm
áp, chân tình. Để làm được như vậy, trước hết ta phải có tấm lòng trân
trọng lịch sử truyền thống nói chung với số phận nhà văn, nhà thơ nói
riêng. Thứ hai, phải tìm ra cái đặc sắc, chủ yếu của từng tác giả, gắn
với câu chuyện, bối cảnh của thời điểm hiện nay. Thứ ba, không thể chỉ
đọc dài lê thê mà phải khơi động cho cả diễn giả cũng như người nghe
cùng trao đổi, thảo luận.
- Giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội mặc dù đã tạo được dấu ấn, nhưng ông có nghĩ nó cần tiếp tục được đổi mới?
- Tôi nghĩ Giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội cũng là một hoạt động góp phần
tạo nên uy tín cho hội. Chúng tôi vẫn giữ nguyên tắc: Thành viên Hội
đồng giải thưởng không tham dự giải và mỗi bộ môn chỉ chọn một cuốn xuất
sắc để trao, nếu không có thì để trống. Hội cũng dự định tiếp tục đổi
mới, nâng cao chất lượng giải thưởng, trong đó có việc lập giải thưởng
riêng cho nhà văn trẻ.
- Ông có vẻ là người chủ trương thu hút, ủng hộ lớp trẻ rất mạnh mẽ.
Còn nhớ, ông từng nói sẽ tổ chức một Hội nghị văn trẻ Thủ đô, liệu bao
giờ hội nghị này diễn ra thưa ông?
- Đối với lớp trẻ, tôi luôn yêu quý, trân trọng và ủng hộ. Đơn giản, bởi
vì họ còn trẻ, đang có nhiều bung phá sáng tạo, cần được chia sẻ, giúp
đỡ. Đúng là chúng tôi đã ấp ủ tổ chức một Hội nghị văn trẻ Thủ đô, dự
định diễn ra vào giữa năm 2013.
Có một hoạt động khác đã được khởi động năm 2013 mà hội cũng rất chú
trọng là sinh hoạt chuyên đề diễn ra đều đặn vào ngày 10 hằng tháng. Nội
dung không chỉ bó hẹp trong văn học mà mở rộng sang các lĩnh vực khác
như giáo dục, y tế, khoa học, xã hội… Không chỉ dành cho các hội viên,
sinh hoạt chuyên đề này của hội luôn sẵn sàng đón công chúng, bạn đọc
quan tâm tới đời sống văn học, cũng như những vấn đề khác của đất nước.
- Là người tham dự nhiều chương trình quảng bá sách, giao lưu văn học thời gian qua, ông nghĩ gì về hoạt động này?
- Tôi nghĩ đây là một hoạt động tích cực đối với đời sống văn học, xuất
bản. Nó có ích với cả chúng tôi, những người làm phê bình, vì muốn nói
được thì phải đọc. Tất nhiên, không phải cuộc nào, cuốn nào tôi cũng
tham gia. Và chắc chắn rằng, không chỉ tôi mà các nhà phê bình khác cũng
đều không thể nói điều gì quá lên so với giá trị của tác phẩm. Độc giả
là những người rất có trình độ.
- Xin cảm ơn ông!