Không thể dồn áp lực từ bến ra đường

Tổ chức tốt vận tải khách, đô thị Hà Nội sẽ bớt áp lực
Mỗi người một ý!
Tình trạng bến quá nhiều xe, bến lại vắng hoe là có thật. Cũng rất thật
tình trạng hàng chục lượt xe bị “nhồi” vào một tuyến mỗi ngày, với thời
gian đỗ trong bến trên dưới 10 phút. Xe không khách xuất bến, rồi chạy
với tốc độ… rùa, vòng vo, không sai để định danh đó là “cung” vượt quá
“cầu”, nghĩa là lượng xe quá nhiều còn hành khách rất ít. Quả thực lấy
đâu ra khách khi mà những tuyến như Nam Định, Thái Bình, Thanh Hóa… cứ
vài phút xếp khách xe lại phải rời bến.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Hoàng Linh – Phó Giám đốc Sở GTVT lại cho rằng,
không hề có tình trạng “cung” vượt quá “cầu”, bởi theo ông Linh, “doanh
nghiệp vận tải tính toán, khảo sát rất kỹ, tuyến nào đông khách họ mới
nhảy vào tham gia vận tải. Còn vắng khách, họ rút lui ngay”. Từ quan
điểm này, ông Linh cho rằng vi phạm của nhiều xe khách dẫn đến việc bị
xử lý trong thời gian qua, là do ý thức của nhà xe, lái xe. Cần thiết
phải có sự kiểm tra, xử lý quyết liệt hơn nữa của lực lượng chức năng.
Câu chuyện quá tải bến xe, sự bất hợp lý của nhiều luồng, tuyến khách
trên địa bàn thành phố từng được Báo ANTĐ nhiều lần phản ánh, phân tích.
Theo đại diện Sở GTVT Hà Nội, cái khó nhất lâu nay là Hà Nội có quá ít
bến xe, nhiều năm nay không mở mới được bến xe nào, ngoài bến Yên Nghĩa;
trong khi phải dừng hoạt động của bến xe Hà Đông, bến xe Sơn La và diện
tích của bến Lương Yên bị thu nhỏ. Chính vì vậy, công tác tổ chức giao
thông, phân bổ luồng tuyến phải phụ thuộc vào nhu cầu đi lại của người
dân. Sự quá tải của một số bến xe, luồng tuyến, như bến Mỹ Đình, được lý
giải do nhu cầu đi lại lớn của người dân khu vực Mỹ Đình, cho dù vượt
quá công suất của bến.
Phản biện quan điểm này, chỉ huy Phòng CSTT CATP Hà Nội cho rằng, đáng
tiếc nhất là lâu nay Hà Nội không duy trì được mô hình bến xe “Bắc - Nam
- Đông - Tây”; tức là hành khách xuất phát từ Hà Nội đi các tỉnh phía
Nam sẽ đến bến xe Giáp Bát, Nước Ngầm. Còn hành khách đi các tuyến phía
Tây như Vĩnh Phúc, Tuyên Quang... sẽ đến bến Mỹ Đình, Yên Nghĩa. Khách
đi Bắc Ninh, Bắc Giang, Lạng Sơn sẽ sang bến Gia Lâm… Tổ chức theo mô
hình này sẽ tránh tình trạng xe khách chạy vào nội đô. Để phục vụ nhu
cầu của khách phía Nam thành phố muốn đi bến xe phía Tây, sẽ có mạng
lưới xe buýt vốn rất phát triển. Đồng quan điểm với chỉ huy Phòng CSTT,
đại diện một nhà xe cho rằng, phải tổ chức luồng, tuyến, lượng xe mỗi
bến theo định hướng của cơ quan quản lý. Làm sao phải “nắn” được thói
quen đi xe khách của hành khách theo hướng có lợi cho trật tự đô thị.
Song, vẫn theo ông Nguyễn Hoàng Linh, xây dựng luồng tuyến theo mô hình
bến xe “Bắc - Nam - Đông - Tây” là không phù hợp, bởi nó sẽ làm tăng chi
phí đi lại cho người dân.

Xe khách dàn hàng ở ngã ba Kim Đồng - Giải Phóng
Cần rà soát, sắp xếp tổng thể
“Muốn giảm tải cho các bến xe, phải bắt đầu từ việc điều chỉnh luồng
tuyến cho thật hợp lý. Mặc dù điều này sẽ gây khó khăn bước đầu cho các
doanh nghiệp vận tải, nhưng cái được lớn hơn, là vì cộng đồng và sự phát
triển của vận tải Thủ đô”, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội, ông Bùi
Danh Liên chia sẻ.
Việc điều chỉnh luồng tuyến phải bắt đầu từ sự tháo gỡ những tồn tại
trong quy định hiện nay. Có thể thấy, các đơn vị quản lý bến xe của Hà
Nội lâu nay không đồng tình với quy định (Thông tư số 14 của Bộ GTVT,
ban hành năm 2008) là việc phân bổ, sắp xếp luồng tuyến hiện nay lại
giao hết trách nhiệm cho các Sở GTVT. Trước kia, căn cứ vào năng lực
tiếp nhận đầu xe và quá trình hiệp thương giữa các nhà xe với bến, đơn
vị quản lý bến xe sẽ xây dựng lịch trình, biểu đồ chạy xe và báo cáo, đề
xuất Sở GTVT phê duyệt. Nhưng từ năm 2008, quy trình xây dựng, sắp xếp
luồng tuyến bị đảo lộn hoàn toàn. Bao nhiêu xe vào bến, chạy giờ nào,
tuyến nào, bao nhiêu lượt… đều do Sở GTVT tính toán, đảm trách. Ông
Nguyễn Tất Thành - Giám đốc Xí nghiệp quản lý bến xe phía Nam thẳng
thắn: “Quy định này của Bộ GTVT là hết sức bất cập. Việc tính toán phân
bổ luồng tuyến của Sở GTVT sẽ không thể sát, không thể phù hợp với tình
hình của bến. Chưa kể những phát sinh đột xuất giữa các nhà xe, cán bộ
Sở GTVT sẽ không thể có mặt kịp thời để giải quyết”.
Một sự điều chỉnh nữa cần đặt ra, là nguyên tắc bố trí lượng xe, tuyến
xe của từng bến. Hà Nội không có nhiều bến xe để lựa chọn, nhưng không
vì thế mà cứ dồn chỗ đông chỗ vắng. Sở GTVT luôn cho rằng, họ không thể
từ chối nhà xe vào bến, vì các nhà xe hoạt động theo Luật doanh nghiệp.
Nhà xe có nhu cầu kinh doanh thì cơ quan quản lý phải đáp ứng. Hãn hữu
lắm như bến xe Mỹ Đình hồi năm 2009, vì quá quá tải nên mới phải từ chối
ký hợp đồng mới cho một số tuyến. Nhận định về quan điểm này, đại diện
lãnh đạo một bến xe cho rằng, cách làm như vậy của Sở GTVT là đúng luật,
không sai, nhưng… không hợp lý. Thực tế chứng minh là sự quá tải ở một
số bến xe thời gian qua chính là hệ lụy của “nguyên tắc” tổ chức nêu
trên của Sở GTVT. Trong khi để tạo được trật tự cho giao thông, vận tải
khách Hà Nội, rất cần cái “tâm”, cái “tầm” và có trách nhiệm với Thủ đô.
Tăng cường xử lý xe khách là việc làm thường xuyên của các lực lượng
CSGT, CSTT và Thanh tra GTVT. Việc làm này trở nên thường xuyên, những
vi phạm xe khách ngày càng phổ biến, bởi lâu nay, cái gốc phức tạp của
vấn đề - sự thiếu khoa học trong tổ chức luồng tuyến, sự chậm trễ xây
mới các bến xe - ít được đề cập và mạnh dạn thay đổi. Đại diện Sở GTVT
cho biết, sẽ phối hợp cùng các đơn vị quản lý bến xe để rà soát, đánh
giá lại toàn bộ hoạt động vận tải khách của Hà Nội. Xin có một chia sẻ,
mong muốn với kế hoạch, dự định của cơ quan quản lý vận tải thành phố,
là việc rà soát rất cần được tiến hành sớm. Và với những tồn tại, bất
cập được nhìn ra, rất cần sớm điều chỉnh, tháo gỡ…
(Theo anninhthudo.vn)