Khô hạn, xâm nhập mặn bao trùm

Khô hạn nghiêm trọng đang đe dọa cháy rừng hầu khắp cả nước
Đại hạn hán sẽ lặp lại
Ông Lê Thanh Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung
ương cho biết, hiện nhiều nơi thuộc các khu vực Trung Trung bộ, Nam
Trung bộ, Tây Nguyên và Nam bộ đang đứng trước nguy cơ bị khô hạn nặng
trong mùa khô năm nay vì trời ít mưa, lượng mưa nhỏ. “Khu vực ven biển
Trung bộ phải đến tháng 8-2013 mới bắt đầu mùa mưa. Như vậy còn tới 6
tháng nữa, nhiều địa phương sẽ phải chịu cảnh khô hạn, thiếu nước tưới
cho cây trồng như lúa, cà phê và nguồn nước cho các nhà máy thủy điện
hoạt động, ngoài ra nguồn nước sinh hoạt cũng bị ảnh hưởng. Đó còn chưa
kể mặn sẽ xâm nhập sâu hơn”.
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương phân tích, các tỉnh miền
Trung sẽ gánh chịu hạn hán nghiêm trọng. Hiện mùa mưa lũ ở khu vực từ
Thanh Hóa đến Quảng Bình, Tây Nguyên và Nam bộ đã kết thúc. Khu vực từ
Quảng Trị đến Bình Thuận đang ở thời kỳ cuối mùa và không còn khả năng
xảy ra mưa lũ lớn. Trong khi đó, theo ông Đàm Hòa Bình, Vụ trưởng Vụ
Quản lý công trình thuộc Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT), đến thời
điểm này, các hồ thủy lợi ở miền Trung và Tây Nguyên đều thiếu hụt từ
30-50% so với dung tích thiết kế. Đặc biệt, hồ thủy lợi ở các tỉnh Hà
Tĩnh, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Đắk Lắk thiếu hụt tới 60-80%.
Do hiện nay mưa chỉ xảy ra cục bộ, lượng mưa khá nhỏ nên theo nhận định
của cơ quan khí tượng quốc gia, trong các tháng mùa khô năm 2013, dòng
chảy trên các sông ở Thanh Hóa, Nghệ An thấp hơn trung bình nhiều năm
(TBNN) từ 15-30%, các sông từ Hà Tĩnh đến Bình Thuận thấp hơn từ 40-50%,
khu vực Tây Nguyên ở mức xấp xỉ TBNN. Ngoài ra, dòng chảy trên sông Mê
Kông thiếu hụt từ 30-45% so với TBNN. “Vì vậy, năm nay xâm nhập mặn sẽ
xuất hiện sớm hơn so với mọi năm và mặn cũng xâm nhập sâu vào đất liền
từ 40-60km, có nơi sâu hơn. Hiện tượng khô hạn trong năm 2013 có thể lặp
lại tương tự như các đợt đại hạn kỷ lục vào năm 1998 và 2002”, ông Hải
nói.
Mong một trận mưa “vàng”
Tại một số tỉnh khu vực Tây Nguyên như Đắk Lắk, Lâm Đồng nhiều tháng qua
không có mưa xuống. Đại diện Trung tâm Khí tượng thủy văn Đắk Lắk cho
biết, đến giữa tháng 2-2013, thời tiết ở hầu hết các vùng trên địa bàn
tỉnh Kon Tum đều khô hanh, nắng nhiều và đã có thời gian hơn 100 ngày
liên tục không có mưa. Cuối tháng 2 là thời gian mà nhu cầu dùng nước
tăng mạnh, nhất là nước tưới cho sản xuất nông nghiệp. Người trồng cà
phê nơi đây đang mong một trận mưa “vàng” trái mùa để cứu cây cà phê.
Cũng theo dự báo từ Trung tâm này, số ngày không mưa liên tục hoặc có
mưa với lượng không đáng kể ở thành phố Kon Tum, các huyện Sa Thầy, Đăk
Hà, Đăk Tô, Kon Rẫy, Ngọc Hồi và khu vực phía nam huyện Đăk Glei đã kéo
dài từ 110 – 120 ngày; các vùng còn lại cũng từ 50 – 80 ngày, đồng thời
nguồn nước từ các sông, suối hồ ao đang dần cạn kiệt nên tình hình hạn
hán, thiếu nước sẽ gay gắt hơn trong thời gian còn lại của mùa khô 2012 –
2013. Trong khi đó, theo dự báo, năm nay sẽ không xuất hiện các trận
mưa trái mùa vào khoảng thời gian này tại khu vực trên. Còn tại tỉnh Gia
Lai, vừa qua đã xảy ra vụ cháy rừng diện rộng tại rừng phòng hộ Bắc
Biển Hồ. Chính quyền địa phương đã phải huy động gần 1.300 người tham
gia chữa cháy, cứu hộ. Sau gần 3 ngày, diện tích rừng bị thiệt hại trong
vụ cháy lên tới gần 400ha. Cũng tại rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ vào tháng
1-2013 đã xảy ra vụ cháy làm thiệt hại hơn 100ha rừng.
Bởi vậy, để giảm thiểu các thiệt hại do hạn hán gây ra cho sản xuất nông
nghiệp đồng thời cân bằng kế hoạch phát điện tại các nhà máy thủy điện,
ông Hải cho rằng các địa phương và cơ quan liên quan cần chủ động chỉ
đạo triển khai ngay việc tích trữ nguồn nước, cần thiết thì nên chuyển
đổi cơ cấu cây trồng tại các khu vực bị ảnh hưởng nặng để phòng chống
hạn hán.
Hạn hán, thiếu nước mùa khô 1997-1998
nghiêm trọng nhất, hầu như bao trùm cả nước. Lúa đông xuân, hè thu, lúa
mùa bị hạn trên 750.000ha; cây công nghiệp và cây ăn quả bị hạn trên
236.000ha; 3,1 triệu người thiếu nước sinh hoạt. Tổng số thiệt hại về
kinh tế khoảng 5.000 tỷ đồng. Mùa khô 2002-2003 diễn ra ở vùng Duyên hải
Nam Trung bộ, Tây Nguyên và Đông Nam bộ gây thiệt hại về mùa màng, gây
cháy rừng trên diện rộng, trong đó cháy rừng lớn ở các khu rừng tự nhiên
U Minh thượng và U Minh hạ. Hạn hán bao trùm hầu khắp Tây Nguyên. Ước
thiệt hại không dưới 1.000 tỷ đồng.
(Theo anninhthudo.vn)