- Thưa bà, Văn Miếu - Quốc Tử Giám ngoài những giá trị, ý nghĩa như
mọi người đã biết còn những tầng ý nghĩa nào khác mà đến nay chúng ta
vẫn chưa khai thác?
- Văn Miếu được xây dựng năm 1070 làm nơi thờ Khổng Tử, các bậc tiên
hiền, tiên thánh, tiên nho. Sáu năm sau (1076), Trường Quốc Tử Giám được
xây dựng cạnh đó làm nơi học cho con em tầng lớp quan lại, rồi phát
triển thành trường Quốc học đầu tiên của Việt Nam, chuyên tuyển chọn,
đào tạo học sinh giỏi của cả nước. Đến triều Lê - Mạc, những người hiền
tài, đỗ đạt, có công với triều đình, với nhân dân được khắc tên trên bia
đá, lưu danh muôn thuở. Ngày nay, di tích đặc biệt này vẫn là nơi tổ
chức biểu dương, tôn vinh những người đỗ đạt, thành tài.
Gần 1000 năm trường tồn, song hành cùng lịch sử, Văn Miếu - Quốc Tử Giám
chứa đựng, lưu giữ rất nhiều các giá trị vật thể và phi vật thể. Chẳng
hạn, cổng nhỏ của Văn Miếu có ghi "Vào chữ đức, ra chữ tài", có ý nhắc
nhở, dạy dỗ học sinh vào trường học trước hết phải rèn đạo đức, sau đó
mới tích lũy kiến thức để rồi luyện thành tài. Đức và tài phải gắn liền
với nhau, bổ trợ cho nhau thì người học trò mới có thể thành danh, giúp
ích cho đời. Ý nghĩa mang tính giáo dục, nhân văn sâu sắc này cũng được
khắc ghi ở bia đá tiến sĩ, đến nay chúng ta chưa thể khai thác hết. Trên
bia có khắc tên tuổi, quê quán, sự nghiệp của các danh nhân, tế tửu tư
nghiệp, nếu căn cứ vào những nội dung đó để tìm hiểu, nghiên cứu các vị
tiến sĩ này có văn thơ như thế nào, đi sứ ra sao... sẽ rất có giá trị
cho các thế hệ sau.
- Bà có thể cho biết di tích sẽ được bảo tồn, tôn tạo, khai thác các
giá trị như thế nào để vừa giữ gìn được di sản, vừa đáp ứng nhu cầu
tham quan, tìm hiểu của người dân và du khách?
 |
Khuê Văn Các tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám được chọn là biểu tượng của Thủ đô Hà Nội. |
- Nhìn tổng thể, Khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám còn khá nguyên vẹn,
nhưng trên thực tế một số hạng mục bắt đầu xuống cấp. Ngói nhà hậu
đường Thái học bị xô lệch, mưa to là dột, gây ảnh hưởng tới các kết cấu
gỗ. Khuê Văn Các - hình ảnh biểu tượng của Thủ đô bị vỡ một số viên ngói
ống, lan can gỗ đã hỏng đòi hỏi phải thay toàn bộ và sơn son thếp vàng
lại. 82 bia đá tiến sĩ được bảo vệ bằng hàng rào sắt, nhìn không được mỹ
quan cho lắm, cần được thay thế bằng hương án bảo vệ khác phù hợp hơn…
Thực hiện Chương trình 04 của Thành ủy Hà Nội, Trung tâm đang triển khai
xây dựng đề án bảo vệ và phát huy giá trị 82 bia đá tiến sĩ. Trên cơ sở
đó, hàng rào bảo vệ bằng sắt hiện nay có thể được thay thế bằng các
trấn song con tiện, các bức gỗ hoặc một phương án nào đó mỹ quan hơn,
tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và du khách tiếp xúc, hưởng thụ di
sản. Đối với các bia đá, có lẽ chúng ta phải mời các chuyên gia nước
ngoài giàu kinh nghiệm hỗ trợ về mặt kỹ thuật để bảo vệ bởi vì khí hậu
mưa nắng, nồm ẩm liên tục khiến chữ khắc trên bia ngày càng mờ đi. Dự án
sơn son thếp vàng toàn bộ di tích đã nằm trong kế hoạch nhưng tạm thời
phải dừng lại do điều kiện kinh tế khó khăn. Trung tâm cũng sẽ từng bước
đề nghị đưa hồ Văn, vườn Giám vào tổng thể Khu di tích…
- Văn Miếu - Quốc Tử Giám là điểm du lịch hấp dẫn du khách bậc nhất Thủ
đô với trên 2 triệu lượt khách mỗi năm. Là người trực tiếp quản lý, vận
hành, khai thác giá trị Khu di tích, bà có thể chia sẻ kinh nghiệm đưa
giá trị của di tích đến công chúng?
- Tôi có thể tự hào khẳng định, hầu hết người dân và du khách đến với
Văn Miếu - Quốc Tử Giám, thậm chí những người chưa từng đến cũng hiểu
được giá trị cơ bản của di tích. Chúng tôi dùng nhiều cách để có được
kết quả này. Song song với công tác tuyên truyền trên các phương tiện
thông tin đại chúng, chúng tôi đã in rất nhiều sách, tư liệu giới thiệu
giá trị lịch sử, ý nghĩa của Văn Miếu - Quốc Tử Giám nói chung, 82 bia
đá nói riêng bằng tiếng Việt, tiếng Anh hoặc song ngữ để giới thiệu tới
công chúng. Danh ngôn của Khổng Tử gắn với Văn Miếu - Quốc Tử Giám, các
cuộc hội thảo khoa học cũng được Trung tâm in để tuyên truyền hoặc
nghiên cứu. Bên cạnh đó, Trung tâm phối hợp với các tỉnh, thành phố bạn
tổ chức trưng bày di động về Văn Miếu và các di tích Nho học giúp cho
những người không có điều kiện đến Thủ đô cũng có thể hiểu về Văn Miếu -
Quốc Tử Giám. Thời gian tới, Trung tâm dự kiến sẽ trưng bày ở Hưng Yên,
Huế và một số tỉnh phía Nam. Đặc biệt, Trung tâm luôn quan tâm đào tạo,
bồi dưỡng trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ hướng dẫn viên,
thuyết minh viên nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả tuyên truyền về ý
nghĩa của di tích đến hàng triệu lượt người mỗi năm.
- Trân trọng cảm ơn bà!
Chương
trình đón Bằng công nhận 82 bia đá tiến sĩ triều Lê - Mạc là Di sản tư
liệu thế giới và Bằng di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám
sẽ tái hiện lễ vinh quy bái tổ, một lễ nghi thường được thực hiện để
vinh danh tiến sĩ sau khi đỗ đạt; chiếu phim tư liệu giới thiệu về lịch
sử Văn Miếu - Quốc Tử Giám và chương trình nghệ thuật đặc sắc trình diễn
những tác phẩm liên quan tới di sản này. |